Triển vọng tăng trưởng 2023 vẫn còn mong manh
Trong báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu mang tên "Sự phục hồi mong manh", OECD cho biết, sau khi tăng trưởng 3,2% trong năm 2022, nền kinh tế thế giới đang trên đà tăng trưởng 2,6% trong bối cảnh các biện pháp thắt chặt của ngân hàng trung ương có hiệu lực đầy đủ. Con số này có sự cải thiện so với mức 2,2% trong Triển vọng Kinh tế được OECD đưa ra hồi tháng 11/2022.
Trong năm 2024, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 2,9%, so với dự báo tăng trưởng 2,7% hồi tháng 11/2022, khi tác động của giá năng lượng cao đến thu nhập hộ gia đình giảm dần.
Báo cáo của OECD đã chỉ ra rằng, các dấu hiệu tích cực hơn đã bắt đầu xuất hiện, khi tâm lý của giới kinh doanh và người tiêu dùng bắt đầu cải thiện, giá lương thực và năng lượng giảm và Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn.
Sân bay quốc tế ở Bắc Kinh, Trung Quốc/Ảnh: VCG |
Theo OECD, lạm phát tại nhóm các nền kinh tế G20 sẽ giảm từ 8,1% trong năm 2022 xuống 5,9% trong năm nay và tiếp tục giảm xuống 4,5% vào năm 2024, song vẫn cao hơn mục tiêu đề ra bất chấp việc nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất.
OECD dự đoán lãi suất chính sách của ngân hàng trung ương sẽ đạt đỉnh ở mức 5,25-5,5% tại Mỹ và mức 4,25% ở Eurozone và Anh. Nếu lạm phát giảm, các ngân hàng này có thể nới lỏng nhẹ vào năm 2024.
OECD cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm lại từ 1,5% trong năm 2023 xuống 0,9% trong năm 2024, do lãi suất cao hơn làm giảm nhu cầu.
Tại Trung Quốc, sau khi nới lỏng các biện pháp ngăn ngừa Covid-19, nền kinh tế này được dự báo tăng trưởng 5,3% trong năm nay và 4,9% vào năm 2024, tăng so với dự báo hồi tháng 11/2022 lần lượt là 4,6% và 4,1%.
Triển vọng của kinh tế Eurozone cũng được cải thiện nhờ giá năng lượng giảm. Cụ thể, kinh tế Eurozone dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 0,8% trong năm nay, sau đó là 1,5% vào năm 2024. OECD trước đó đã dự báo các mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024 của Eurozone lần lượt là 0,5% và 1,4%.
Tuy nhiên, OECD cũng cảnh báo rằng, triển vọng vẫn còn mong manh, những nguy cơ đã phần nào được xoa dịu, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều yếu tố tiêu cực trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt và tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine./.
Bình luận