Đây là lần đầu tiên IMF áp dụng quyền rút vốn đặc biệt (SDR) kể từ khi tung gói cứu trợ 250 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Đây cũng là đợt phân bổ nguồn lực lớn nhất trong lịch sử IMF, với mục tiêu hỗ trợ các quốc gia giảm bớt gánh nặng nợ nần và giảm nhẹ những tác động kinh tế mà virus Sars-CoV-2 gây ra.

IMF hỗ trợ 650 tỷ USD, nhằm tăng cường ổn định kinh tế toàn cầu

Tổng giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva gọi gói 650 tỷ USD là “mũi tiêm vào cánh tay của thế giới” nhằm giúp tăng cường sự ổn định kinh tế toàn cầu

Giới chức IMF đã lên kế hoạch cho đợt phân bổ SDR này trong suốt hơn 1 năm qua. Kế hoạch này chủ yếu là để giúp các nước nghèo có thêm nguồn lực tài chính để chống chọi đại dịch Covid-19, dù rằng trên thực tế, các nước thành viên giàu của IMF sẽ nhận được phần lớn SDR nói trên, do tỷ lệ đóng góp vốn của họ cho IMF cao hơn. IMF sẽ tiếp tục tham gia tích cực với các thành viên của mình để xác định các lựa chọn khả thi cho việc chuyển các SDR tự nguyện từ các nước thành viên giàu có hơn sang các nước thành viên nghèo hơn và dễ bị tổn thương hơn để hỗ trợ khả năng phục hồi của họ và đạt được tăng trưởng bền vững và linh hoạt.

Tổng giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva gọi đây là “mũi tiêm vào cánh tay của thế giới” nhằm giúp tăng cường sự ổn định kinh tế toàn cầu.

“Đợt phân bổ SDR này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên, giải quyết nhu cầu của thế giới trong dài hạn về dự trữ, xây dựng niềm tin, và củng cố sự vững và và ổn định của kinh tế toàn cầu”, bà Gerogieva nói trong một tuyên bố. “Sự phân bổ sẽ giúp ích đặc biệt cho những quốc gia yếu thế nhất đang phải vật lộn với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Covid-19”.

Đối với các quốc gia, SDR được xem như một tài sản nước ngoài dự trữ. Theo quy chế hiện hành, SDR được phân bổ cho mỗi quốc gia trong tổng số 190 nước thành viên của IMF tương đương với hạn ngạch (quota) của mỗi nước. Theo đó, 70% SDR sẽ thuộc về nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20), và chỉ 3% được cấp cho các nước thu nhập thấp.

Tổng cộng, 58% lượng SDR mới sẽ về tay các nền kinh tế phát triển và 42% còn lại dành cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Trong số 650 tỷ USD SDR mới tạo, chỉ có 21 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các ước thu nhập thấp và 212 tỷ được cấp cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển còn lại, không tính Trung Quốc - theo tính toán của Bộ Tài chính Mỹ.

Vào tháng 4/2020, trước nhu cầu thanh khoản tăng cùng với sự gia tăng bất ổn trên toàn cầu, IMF đã thiết lập một công cụ Hạn mức Thanh khoản Ngắn hạn (SLL) mới như là một phần của những biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19. Mục đích của SLL là giảm thiểu nguy cơ các cú sốc diễn biến thành các cuộc khủng hoảng sâu, gây hiệu ứng lan truyền sang các quốc gia khác.

SLL được thiết kế để làm lưới chắn an toàn về thanh khoản cho các quốc gia thành viên có các yếu tố nền tảng và khung chính sách vững mạnh, nhưng phải đối mặt với nhu cầu thanh khoản ngắn hạn, vừa phải, tiềm tàng vì các cú sốc bên ngoài gây ra những khó khăn đối với cán cân thanh toán. Lưới chắn an toàn thanh khoản này bổ trợ cho bộ công cụ cho vay của IMF và các thành tố khác của lưới an toàn tài chính toàn cầu.

Mỗi thoả thuận SLL được phê duyệt cho thời hạn 12 tháng và các sắp xếp SLL kế tiếp có thể được phê duyệt cho thời hạn kéo dài đến chừng nào mà quốc gia thành viên vẫn đáp ứng tiêu chí. Công cụ SLL có tiếp cận tuần hoàn, cho phép quốc gia thành viên thực hiện việc mua và mua lại. Đặc biệt, công cụ có chi phí thấp, nhất là là khi được sử dụng trên cơ sở phòng ngừa./.