Khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII
Nhiệm vụ đặt ra thật nặng nề và trách nhiệm cũng rất lớn lao
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, năm 2015, tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn giảm, giá dầu giảm sâu; tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến khó lường… đã tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta.
Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, thống nhất tư tưởng và hành động, có các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển tiếp theo.
“Kỳ họp thứ 10 là kỳ họp cuối năm, kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng. Nhiệm vụ đặt ra thật nặng nề và trách nhiệm cũng rất lớn lao. Vì vậy, tôi trân trọng đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan dành thời gian và công sức tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện chu đáo các nội dung trình Quốc hội theo chương trình, tiến độ đã xác định; đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Dự kiến, Quốc hội sẽ dành 19/31 ngày làm việc của kỳ họp thứ 10 để thảo luận, xem xét, thông qua 18 luật, 14 nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ dành 12 ngày làm việc để thảo luận, xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015 và kế hoạch năm 2016; đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020…
Nét mới tại kỳ họp lần này là việc tất cả các thành viên Chính phủ sẽ có mặt trong 2,5 ngày thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp vào giữa tháng 11.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thực hiện chất vấn các vấn đề liên quan tới lĩnh vực tư pháp trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII với sự tham gia của lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này.
Năm 2015: 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày “Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016”.
Thủ tướng cho biết, trên cơ sở đạt được 9 tháng đầu năm và phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong những tháng cuối năm, trong 14 chỉ tiêu kế hoạch của năm 2015, ước tính có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (có 8 chỉ tiêu vượt), chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng không đạt kế hoạch (42%).
Trong số 26 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 9 chỉ tiêu không đạt, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP nhưng chỉ tiêu này năm 2014 và 2015 đã có chuyển biến tích cực, vượt kế hoạch đề ra.
“Nhìn lại 5 năm qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức và còn nhiều hạn chế, yếu kém nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chúng ta cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra, nhất là: kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý và đạt tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối; thực hiện có kết quả bước đầu các đột phá chiến lược và tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia và giữ được hòa bình, hữu nghị với các nước; bảo đảm ổn định chính trị xã hội; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển cao hơn trong giai đoạn tới”, Thủ tướng khái quát lại.
Năm 2016 - năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, Thủ tướng cho biết, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề.
Chính phủ dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm, năm 2016 đạt 6,7%. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.750 USD, năm 2016 khoảng 2.450 USD. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm và năm 2016 bằng khoảng 31% GDP. Bội chi NSNN đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP, năm 2016 là 4,95%. Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%. Năng suất lao động xã hội tăng 4 - 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm, năm 2016 giảm 1,5%. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2016 tăng dưới 5%.
Đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, năm 2016 là 53%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Có 9 bác sĩ và 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân, năm 2016 đạt 24,5 giường. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt khoảng 80% dân số, năm 2016 đạt 76%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống 10%, năm 2016 dưới 13,8%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1 - 1,5%/năm, năm 2016 khoảng 1,3-1,5%; riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 25 m2, năm 2016 đạt 22,6 m2.
Vì thế, "để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội đề ra cho năm 2016, ngay từ đầu năm Chính phủ sẽ triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tế tình hình. Chính phủ mong nhận được sự lãnh đạo chỉ đạo của Trung ương Đảng, sự giám sát và ủng hộ của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và đồng chí đồng bào trong cả nước”, Thủ tướng chia sẻ./.
Bình luận