Khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm giải quyết của ngành Công an có xu hướng tăng
“Báo cáo của Bộ Công an cơ bản đã bám sát Đề cương, phụ lục, bảng biểu theo hướng dẫn. Tuy nhiên, Tổ Công tác nhận thấy trong báo cáo có một số nội dung còn chung chung; một số nhận định cần có số liệu minh họa; cần thống nhất số liệu giữa phụ lục và nội dung…”, Tổ trưởng Tổ Công tác, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An cho biết, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra hôm nay (ngày 7/4) với Bộ Công an về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/07/2016 đến ngày 01/07/2021”, theo Văn phòng Quốc hội.
Theo Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tố tụng hình sự có xu hướng phát sinh nhiều đơn thư, có vụ việc kéo dài. Ảnh: QH |
Cũng theo Tổ Công tác của Đoàn giám sát, tình hình khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm giải quyết của ngành Công an có xu hướng tăng. Khiếu nại, tố cáo chủ yếu về công tác hành chính trong lực lượng công an, liên quan đến hoạt động công vụ của cán bộ, chiến sỹ, đặc biệt là khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tố tụng hình sự có xu hướng phát sinh nhiều đơn thư, có vụ việc kéo dài, gửi nhiều nơi, vượt cấp...
Tại buổi làm việc, một số ý kiến đề nghị Bộ Công an và Đoàn giám sát tiếp tục phân tích làm rõ, nhất là về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tố tụng hình sự; trong thực hiện các nhiệm vụ, lĩnh vực liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; làm rõ thêm thông tin về xử lý cán bộ sai phạm (mức xử lý kỷ luật, lĩnh vực nào, cấp nào, đơn vị nào); hướng xử lý các vụ việc đang được giải quyết; cách thức xử lý đối với kiến nghị, phản ánh; đánh giá thêm về tỷ lệ tố cáo đúng, có đúng có sai, nguyên nhân từ đâu… Cũng có ý kiến đề nghị Bộ Công an đề xuất phương hướng, giải pháp khi xảy ra các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội…
Theo Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an Nguyễn Ngọc Hiếu, những năm qua, lãnh đạo Bộ Công an, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa sai phạm trong công an nhân dân. Các vi phạm, khuyết điểm, tồn tại, hạn chế, yếu kém phải được phát hiện sớm, kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn, nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, sức chiến đấu của lực lượng công an nhân dân...
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý Bộ Công an cần tiếp tục tăng cường tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo phạm vi, quyền hạn của Bộ. Ảnh: QH |
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Công an tiếp tục phối hợp các cơ quan của Bộ rà soát, bổ sung để chuẩn hóa số liệu, làm cơ sở cho Đoàn giám sát nhận định, đánh giá. Nhiều nội dung cần phân tích, đánh giá kĩ hơn, để kiến nghị sửa đổi pháp luật, hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô. Đề nghị làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong tổ chức bộ máy, nhất là các cán bộ Công an làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
“Đề nghị Bộ Công an nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến, hoàn thiện Báo cáo gửi Đoàn giám sát, để Đoàn tổng hợp và kiến nghị UBTVQH, cũng như báo cáo kết quả chuyên đề giám sát này với Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.../.
Bình luận