Khối thi đua Ban Quản lý KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng tổ chức thành công các phong trào thi đua, tạo động lực phát triển các KCN, KCX, KKT
Tiết mục văn nghệ chào mừng khai mạc Hội nghị sơ kết công tác thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 |
Ngày 5-6/7/2023 tại khu du lịch sinh thái Cồn Đên, xã Thái Đô, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình, Khối thi đua Ban Quản lý khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT) các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) năm 2024 (Khối thi đua) đã tổ chức thành công Hội nghị sơ kết công tác thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình, Khối phó Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh đồng ĐBSH năm 2024 đăng cai tổ chức Hội nghị.
Ông Nguyễn Quyết Chiến, Chánh văn phòng Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình dẫn chương trình Hội nghị |
Tham dự Hội nghị sơ kết công tác thi đua khen thưởng và giao lưu giữa các Ban Quản lý KCN, KCX, KKT trong Khối thi đua có ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT cùng các chuyên viên đến từ Vụ Quản lý các KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các thanh viên trong Khối thi đua là lãnh đạo và chuyên viên phụ trách công tác thi đua, khen thưởng của Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh ĐBSH.
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết công tác thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 |
Các Ban Quản lý KCN, KCX, KKT cần phát huy cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động
Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình, ông Vũ Kim Cứ, Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình, đơn vị Khối phó Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh ĐBSH năm 2024 bày tỏ vui mừng được đón tiếp Đoàn đại biểu đến từ Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các thành viên trong Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh ĐBSH.
Ông Vũ Kim Cứ, Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình, đại diện đơn vị Khối phó Khối thi đua phát biểu khai mạc Hội nghị |
Để Hội nghị đạt được nhiều kết quả tích cực, ông Cứ mong muốn các thành viên trong Khối thi đua cần tích cực tập trung thảo luận góp ý cho Báo cáo sơ kết của Khối thi đua; chia sẻ những những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển các KCN, KCX, KKT tại địa phương, cũng như kinh nghiệm và giải pháp của Đơn vị để giải quyết hiệu quả những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt Khối phó Khối thi đua bày tỏ hy vọng các thành viên trong Khối thi đua sẽ được lĩnh hội các ý kiến chỉ đạo của Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế Lê Thành Quân, để giúp cho các thành viên trong Khối thi đua có các giải pháp triển khai hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước được phân cấp và phát triển KCN, KCX, KKT.
Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế Lê Thành Quân chúc mừng và đánh giá cao những kết quả của Khối thi đua nói chung và của từng Ban Quản lý KCN, KCX, KKT trong Khối thi đua nói riêng đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024.
Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Ông Quân cho rằng, những kết quả mà Khối thi đua đạt được đã góp phần nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KCN, KCX, KKT và phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Báo cáo của Khối thi đua đã chỉ ra được những hạn chế, tìm ra các nguyên nhân (chủ quan và khách quan) ảnh hưởng đến quá trình thực thi nhiệm vụ của các Ban Quản lý để đánh giá đúng bản chất của vấn đề, từ đó có các giải pháp hữu hiệu để giải quyết các khó khăn, hạn chế tồn tại. “Tôi hy vọng tổng kết Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh ĐBSH năm 2024 sẽ nhận được nhiều kết quả tốt đẹp, khởi sắc hơn nữa”, ông Quân bày tỏ kỳ vọng.
Các đại biểu đến từ Vụ Quản lý các Khu kinh tế (bên trái) và các thành viên trong Khối thi đua đến từ Ban Quản lý các KCN và CX Hà Nội, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh (bên phải) tham dự Hội nghị |
Ông Quân nhấn mạnh, thời gian qua, tình hình biến động của kinh tế, chính trị trên thế giới đã ảnh hưởng sâu rộng đến phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương nói chung và hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCN, KCX, KKT nói riêng. Vì vậy, các địa phương cần xác định vai trò của các Ban Quản lý KCN, KCX, KKT là hết sức quan trọng trong quá trình thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước về KCN, KCX, KKT trên tất cả các lĩnh vực được phân cấp.
Theo ông Quân, Nghị định số 35/2023/NĐ-CP (Nghị định 35) đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các Ban Quản lý; vì vậy các Ban Quản lý cần chứng minh được vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Ban Quản lý để lãnh đạo các địa phương tin tưởng, đẩy mạnh phân cấp, uỷ quyền cho các Ban Quản lý. Do đó, các Ban cần chủ động phát huy cao vai trò của mình trong việc triển khai các hoạt động quản lý nhà nước thuộc phạm vi quản lý, qua đó giúp cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh trong KCN, KKT được triển khai nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả.
Các thành viên trong Khối thi đua đến từ Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc tham dự Hội nghị |
Chia sẻ về những chuyển biến tích cực của các địa phương, ông Quân cho biết hiện nay Hà Nội, Quảng Ninh đang thí điểm thành lập Trung tâm Hành chính công 1 cửa, 1 cấp; mới đây Chính phủ đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng nhằm tạo động lực phát triển mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Qua đó cho thấy các điạ phương đã và đang khẳng định được vai trò quan trọng, không thể thiếu của các Ban Quản lý KCN, KCX, KKT. Thông tin thêm về những điểm mới của Nghị định 35, ông Quân cho biết Chính phủ có cơ chế khuyến khích các địa phương thành lập các mô hình KCN mới (KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành…), khuyến khích thời hạn tham gia của dự án trong KKT lên đến 70 năm…. Về những khó khăn, vướng mắc hiện nay của các Ban Quản lý trong công tác quản lý nhà nước tại các KCN, KKT, cụ thể như trong lĩnh vực quản lý lao động hiện nay, ông Quân đề nghị các Ban Quản lý cần có ý kiến với lãnh đạo tỉnh/thành phố về vấn đề cấp phép lao động trong KCN, KKT cụ thể như thế nào? Hiện nay chính sách hiện hành triển khai có hợp lý không? Vướng mắc đến đâu? qua đó để tỉnh có kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương trong lĩnh vực chuyên ngành có hướng giải quyết kịp thời những vướng mắc hiện nay.
Các thành viên trong Khối thi đua đến từ Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình tham dự Hội nghị |
Chân thành cảm ơn những ý kiến chỉ đạo quý báu của Vụ trưởng Lê Thành Quân về giải pháp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về phát triển KCN, KCX, KKT, cũng như những chia sẻ thời sự, cập nhật của Vụ trưởng về kinh nghiệm triển khai hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước trong KCN, KCX, KKT tại các địa phương, thay mặt Khối thi đua, Khối phó Khối thi đua Vũ Kim Cứ xin tiếp thu và cam kết Khối thi đua sẽ quyết tâm phấn đấu nỗ lực hơn nữa để đồng hành, sát cánh cùng các nhà đầu tư và các doanh nghiệp KCN, KCX, KKT; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng và địa phương có KCN để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về KCN, KKT để góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động công tác.
Các thành viên đến từ Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định và Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên tham dự Hội nghị |
Tổ chức thành công các phong trào thi đua thúc đẩy hiệu quả công tác quản lý và phát triển các KCN, KCX, KKT
Báo cáo sơ kết công tác thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, ông Đặng Văn Bấc, Phó Trưởng ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình, đại diện Khối phó Khối thi đua cho biết: Ngay từ đầu năm 2024 các thành viên trong Khối thi đua đã xây dựng kế hoạch, chương trình làm việc và đề ra những giải pháp chủ yếu, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Các thành viên trong Khối thi đua đã bám sát quy định tại Nghị định 35 để triển khai thực hiện một số nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Đơn vị.
Ông Đặng Văn Bấc, Phó Trưởng ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình, đại diện Khối phó Khối thi đua trình bày Báo cáo sơ kết công tác thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 |
Triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước trong bối cảnh kinh tế đất nước nói chung và các địa phương trong Khối thi đua nói riêng có nhiều thuận lợi cũng như rất nhiều khó khăn, thách thức đan xen do rất nhiều nguyên nhân khách quan tác động. Song Khối thi đua đã cố gắng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước và phát triển các KCN, KCX, KKT tại địa phương.
Ông Phan Đình Rực, Phó Trưởng ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình, đơn vị Khối phó Khối thi đua phát biểu điều hành Hội nghị |
Hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước của Trung ương và địa phương, ngay từ đầu năm 2024 các đơn vị trong Khối Thi đua đã xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng, tổ chức phát động thi đua ngay từ đầu năm; tham gia ký kết giao ước thi đua giữa các cơ quan, đơn vị, thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và văn bản các cấp chính quyền về đẩy mạnh các phong trào thi đua; tập trung quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về thi đua khen thưởng...
Thực hiện phương châm điều hành năm 2024 của Chính phủ: “Kỷ cương, trách nhiệm; chủ động, kịp thời; tăng tốc, sáng tạo; hiệu quả, bền vững”; trong 6 tháng đầu năm 2024, Khối thi đua đã triển khai thành công các phong trào thi đua do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND các tỉnh, thành phố trong Khối phát động; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chuyên đề hàng năm…
Một số phong trào thi đua điển hình như: "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển"; “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”; “Xây dựng nội bộ cơ quan đoàn kết, vững mạnh”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; "Người tốt, việc tốt giai đoạn 2023-2025”; “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”; “Đẩy mạnh cải cách hành chính”; “Doanh nghiệp giỏi, Doanh nhân tiêu biểu”; “Lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả công việc; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần người lao động”; “Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ”...
Các thành viên trong Khối thi đua đến từ Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình tham dự Hội nghị |
Đảng bộ và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã tập trung chỉ đạo và thực hiện đổi mới công tác thi đua cả về nội dung và hình thức. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội luôn gắn với công tác thi đua khen thưởng. Qua đó có tác dụng khuyến khích, động viên toàn thể công chức, viên chức, người lao động các thành viên trong Khôi Thi đua tích cực tham gia vào các phong trào thi đua của đơn vị, góp phần thiết thực thúc đẩy mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh trong các KCN, KCX, KKT, cũng như tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nhất là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Các thành viên trong Khối thi đua đến từ ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình tham dự Hội nghị |
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Khối thi đua đã đạt được nhiều kết quả khích lệ trong hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động đầu tư kinh doanh. Một số kết quả tiêu biểu trong thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh tại các KCN trong toàn khối như:
Cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 321 dự án, trong đó có 230 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023; có 91 dự án đầu tư trong nước (DDI), tăng 98% so với cùng kỳ năm 2023; tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh trong 6 tháng đầu năm của các đơn vị đạt 5.671 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023 và 38.480 tỷ đồng (trong đó, một số đơn vị đạt kết quả nổi bật là Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội).
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm đã đạt được như sau: Tổng doanh thu Khối doanh nghiệp FDI đạt 56.686 triệu USD, Khối doanh nghiệp DDI đạt 192.100 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước Khối doanh nghiệp FDI đạt 1.602 triệu USD, Khối doanh nghiệp DDI đạt 9.492,2 tỷ đồng.
Các thành viên trong Khối thi đua đến từ Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình (bên trái) và Ban Quản lý các KCN và CX Hà Nội (bên phải) tham dự Hội nghị |
Cần có khung pháp lý đủ mạnh để tháo gỡ những rào cản, thúc đẩy phát triển KCN, KCX, KKT
Tại Hội nghị sơ kết công tác thi đua khen thưởng 6 tháng đầu năm 2024 của Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh ĐBSH, các thành viên trong Khối thi đua đã phát biểu sôi nổi chia sẻ về tình hình phát triển KCN, KKT tại địa phương mình; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước được phân cấp và kinh nghiệm của Ban Quản lý để giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc thực tại. Đa số các ý kiến phát biểu chia sẻ của các Ban Quản lý tập trung vào những vấn đề trong công tác quản lý quy hoạch, môi trường, lao động, xúc tiến đầu tư, phát triển KCN sinh thái, điện áp mái (Ban Quản lý KKT Hải Phòng, Ban Quản lý KKT Quảng Ninh, Ban Quản lý các KCN và CX Hà Nội, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam); giải ngân vốn đầu tư công (Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh).
Ông Chu Đức Anh, Phó Trưởng ban Quản lý KKT Hải Phòng chia sẻ tại Hội nghị |
Theo chia sẻ của ông Chu Đức Anh, Phó Trưởng ban Quản lý KKT Hải Phòng về tình hình triển khai công tác quản lý lao động, quy hoạch, xúc tiến đầu tư tại KKT Hải Phòng thời gian qua cũng đã đạt được nhiều kết quả khích lệ. Về công tác quản lý quy hoạch, hiện nay Ban Quản lý đã thành phố Hải Phòng ủy quyền cho thực hiện các nhiệm vụ về quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 trong các KCN và KKT Đình Vũ – Cát Hải, vì vậy đã giúp Ban chủ động trong việc thẩm định, phê duyệt đồ án, đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đối với các dự án trong các KCN, KKT Hải Phòng. Đối với công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực cũng đang được Ban Quản lý quan tâm đẩy mạnh. Hiện nay, Ban Quản lý đã hỗ trợ nhà đầu tư trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong các KCN, KKT; sau đó các doanh nghiệp sẽ tự bỏ kinh phí để tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động để đáp ứng kịp thời yêu cầu đòi hỏi của công việc. Trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, Ban Quản lý đã chủ động lập Đoàn công tác triển khai các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư tại nước ngoài, các đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại nước ngoài có mời lãnh đạo Thành phố và các sở, ngành chức năng tham dự. Việc phát triển KCN sinh thái đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, không thể thiếu trong định hướng phát triển của Hải Phòng. Hiện nay Hải Phòng có 2 KCN đang đi theo hướng KCN sinh thái (KCN Nam Cầu Kiền và KCN Đình Vũ). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái và xây dựng KCN sinh thái mới thực tế Hải Phòng vẫn đang còn gặp rất nhiều thách thức, các doanh nghiệp đang thụ hưởng dự án KCN sinh thái của UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các hoạt động sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp (cơ chế chính sách, điều kiện thực tế...).
Ông Nguyễn Đức Cao, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh chia sẻ tại Hội nghị |
Ông Nguyễn Đức Cao, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện nay Ban Quản lý được phân cấp, uỷ quyền khá nhiều lĩnh vực chuyên môn nên rất chủ động trong công tác quản lý nhà nước, góp phần đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCN. Tuy nhiên, các KCN của Tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thực, cụ thể như: Vốn đăng ký và vốn thực hiện giải ngân còn chậm vì quá trình cấp Giấy phép xây dựng, Giấy phép môi trường thủ tục mất nhiều thời gian, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân dự án của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, vấn đề điện áp mái trong các KCN cũng đang gặp nhiều khó khăn do các chính sách liên quan; mặt khác thực tế hiện nay còn một số doanh nghiệp chưa có ý thức cao, không chấp hành nghiêm túc các quy chế phối hợp với Ban Quản lý mà tự ý giải quyết các vướng mắc phát sinh, nên ảnh hưởng đến công tác an ninh trật tự, an toàn trong KCN.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN và CX Hà Nội chia sẻ tại Hội nghị |
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN và CX Hà Nội chia sẻ, tình hình thu hút đầu tư, phát triển các KCN của Hà Nội thời gian qua đạt được nhiều kết quả khởi sắc. Hiện nay, Ban Quản lý các KCN và CX Hà Nội được UBND TP. Hà Nội phân cấp, uỷ quyền nhiều nội dung trong công tác quản lý nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã thành lập mới 2 KCN. Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ thành lập thêm 1 KCN nữa. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý được phê duyệt uỷ quyền quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động quản lý nhà nước lĩnh vực xây dựng, Ban Quản lý gặp phải nhiều bất cập, chồng chéo (Thành phố uỷ quyền cho Ban Quản lý cấp Giấy phép xây dựng cấp 1,2 và uỷ quyền cấp Giấy phép xây dựng cấp 3, 4 cho UBND cấp huyện). Ông Nam vui mừng cho biết Quốc hội mới thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) chắc chắn sẽ thổi luồng gió mới để giải quyết hiệu quả những vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về KCN của Thủ đô. Về vấn đề điện áp mái, ông Nam cho biết, các chủ đầu tư hạ tầng và thứ cấp trong KCN cũng rất quan tâm; thực tế hiện nay đã có 1 doanh nghiệp trong KCN Hà Nội xin được giấy phép kinh doanh điện áp mái để cung cấp cho các doanh nghiệp có nhu cầu trong KCN. Trong lĩnh vực quản lý lao động, cũng như các Ban Quản lý khác, hiện nay Ban Quản lý các KCN và CX Hà Nội đang gặp phải vướng mắc do Nghị định mới ban hành đã quy định Sở Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ thống nhất quản lý lao động nước ngoài trong các KCN, KKT. Về vấn đề thành lập các mô hình KCN mới tại các KCN Hà Nội cũng không thực sự đơn giản, Ban Quản lý đã làm việc với các địa phương và được các địa phương chia sẻ nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch KCN.
Bà Đinh Thị Thanh Bình, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình chia sẻ tại Hội nghị |
Bà Đinh Thị Thanh Bình, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình đã chia sẻ với Hội nghị tổng quan tình hình thu hút đầu tư và phát triển các KCN trên địa bàn các KCN tỉnh Ninh Bình trong thời gian vừa qua với những kết quả tích cực. Các KCN của Tỉnh đã thu hút đầu tư khá, mang lại hiêu quả cao trong sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Tỉnh. Bà Bình cho biết: Nhận thức được vai trò hết sức quan trọng của các KCN, tỉnh Ninh Bình đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong các KCN, định kỳ hàng tháng lãnh đạo tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Hiện nay, Tỉnh Ninh Bình đã xây dựng và đi vào hoạt động Trung tâm Phục vụ Hành chính công của Tỉnh theo cơ chế 1 cửa, hoàn toàn phục vụ trực tuyến. Tuy nhiên theo bà Bình, công tác phát triển KCN của Ninh Bình vẫn còn nhiều thách thức do quỹ đất đầu tư xây dựng các KCN của Tỉnh còn hạn hẹp, mặt khác Ban Quản lý cũng đang phải giải quyết những khó khăn trong công tác quy hoạch đã ảnh hưởng đến công tác đầu tư xây dựng KCN Tam Điệp II (không đủ điều kiện cho phép lập quy hoạch).
Ông Châu Thành Hưng, Phó Trưởng ban Quản lý KKT Quảng Ninh chia sẻ tại Hội nghị |
Ông Châu Thành Hưng, Phó Trưởng ban Quản lý KKT Quảng Ninh đã thông tin với Hội nghị một số hoạt động của Ban Quản lý trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó Ban Quản lý đã trọng tâm vào 2 kế hoạch xúc tiến đầu tư riêng cho các KCN, KKT và Kế hoạch triển khai kịch bản tăng trưởng kinh tế. Kết quả các KCN, KKT của Tỉnh đã thu hút đầu tư mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng dự án. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý đã tổ chức tiếp và làm việc với 30 nhà đầu tư, thu hút vốn đầu tư 1,58 tỷ USD; lựa chọn được 12 sản phẩm của doanh nghiệp đảm bảo đạt được sản lượng, sản phẩm đăng ký của doanh nghiệp. Để có thể đạt được những kết quả, Ban Quản lý thường xuyên đôn đốc, hỗ trợ kịp thời cho nhà đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các thủ tục giấy tờ để nhanh chóng triển khai dự án. Song cũng giống như nhiều địa phương trong Khối thi đua, trong quá trình triển khai công tác quy hoạch, Ban Quản lý cũng gặp nhiều khó khăn do khách quan tác động, do điều kiện địa bàn KCN rộng, dàn trải, cấu trúc chủ yếu đồi núi nên khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó triển khai Nghị định 35 còn nhiều vướng mắc nên chưa được hiệu quả.
Ông Nguyễn Vũ Chiên, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định chia sẻ tại Hội nghị |
Ông Nguyễn Vũ Chiên, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý đã triển khai công tác đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư khá hiệu quả. Về công tác xúc tiến đầu tư, Ban Quản lý đã phối hợp với các hiệp hội ở trong và ngoài nước tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư, qua đó đã kêu gọi được nhiều nhà đầu tư FDI vào KCN. Về công tác đất đai, hiện nay diện tích đất của tỉnh Nam Định khá eo hẹp, nên quỹ đất dành cho phát triển KCN không có nhiều. Sắp tới tỉnh Nam Định sẽ tổ chức thống kê diện tích đất tại các địa phương để chuẩn bị cho công tác quy hoạch của Tỉnh, hy vọng Tỉnh sẽ quan tâm mở rộng thêm các KCN mới để thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Ông Vũ Kinh Thành, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ tại Hội nghị |
Chia sẻ về tình hình thu hút đầu tư và phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, ông Vũ Kinh Thành, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được 50 dự án đầu tư vào các KCN của Tỉnh. Tuy nhiên, quỹ đất hiện nay của Tỉnh còn hạn chế, lĩnh vực quản lý môi trường trong KCN không được phân cấp, uỷ quyền, song nếu xảy ra các vấn đề trong lĩnh vực này, thì Ban Quản lý lại phải trực tiếp giải quyết, do vậy đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho Ban trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Ông Trịnh Thế Mạnh, Phó trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam chia sẻ tại Hội nghị |
Cùng chung tâm tư với các địa phương bạn, theo ông Trịnh Thế Mạnh, Phó trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam, hiện nay Hà Nam cũng đang gặp phải khó khăn do quỹ đất của Tỉnh đang bị thiếu, nên ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư vào các KCN. Mặt khác, quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường đang gặp nhiều khó khăn do thời gian các dự án đợi cấp Giấy phép về môi trường quá lâu (vì nhiều dự án phải qua bộ chuyên ngành), vì vậy đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư của dự án và tâm lý của các nhà đầu tư.
Các thành viên trong Khối thi đua đến từ Ban Quản lý KKT Hải Phòng tham dự Hội nghị |
Nhìn chung, đa số các thành viên trong Khối thi đua đều thống nhất cho rằng, Nghị định 35 của Chính phủ quy định về quản lý KCN, KKT chưa phải là khung pháp lý cao nhất, trong quá trình triển khai Nghị định này, các Ban Quản lý vẫn còn gặp rất nhiều các khó khăn, vướng mắc, chồng chéo do liên quan đến các luật chuyên ngành. Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến vấn đề phân cấp, uỷ quyền cho các Ban Quản lý thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước theo đúng quy định của Nghị định 35. Vì vậy, các thành viên Khối thi đua đều khẳng định cần thiết phải xây dựng Luật KCN, KKT để hoạt động quản lý nhà nước và phát triển KCN, KKT được khai thông và phát triển mạnh mẽ.
Khối phó Khối thi đua Vũ Kim Cứ phát biểu điều hành Hội nghị |
Phát biểu bế mạc Hội nghị sơ kết, thay mặt Khối thi đua, Khối phó Khối thi đua Vũ Kim Cứ ghi nhận và tiếp thu các ý kiến phát biểu đóng góp cho Hội nghị; đồng thời hoan nghênh và đánh giá cao các thành viên trong Khối thi đua đã chia sẻ các khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các đơn vị trong Khối thi đua để các đơn vị bạn học tập kinh nghiệm áp dụng triển khai thực tiễn tại địa phương mình. Ngay sau Hội nghị, lãnh đạo Khối sẽ trao đổi, sẽ tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các thành viên trong Khối thi đua để gửi tới Vụ Quản lý các Khu kinh tế; đồng thời các thành viên trong Khối thi đua sẽ cùng nhau trao đổi, bàn bạc tìm ra các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Theo ý kiến đề xuất của Khối phó Khối thi đua Vũ Kim Cứ, báo cáo tổng hợp của Khối thi đua gửi đến Vụ Quản lý các Khu kinh tế nên bổ sung thêm giải pháp đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, giải pháp về thủ tục hành chính; đặc biệt nên tổ chức các cuộc giao ban định kỳ hàng quý giữa các Khối thi đua, có sự tham dự của Vụ Quản lý các Khu kinh tế để kịp thời có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các thành viên trong các Khối thi đua Ban Quản lý KCN, KCX, KKT trên cả nước.
Các thành viên trong Khối thi đua thể hiện tình cảm đoàn kết, gắn bó mật thiết trong "ngôi nhà chung"- Khối thi đua Ban Quản lý KCN, KCX, KKT các tỉnh ĐBSH |
Được biết Hội nghị tổng kết Khối thi đua Ban Quản lý KCN, KCX, KKT các tỉnh ĐBSH năm 2024 sẽ được tổ chức vào đầu năm 2025 do Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên, đơn vị Khối trưởng Khối thi đua đăng cai tổ chức tại tỉnh Hưng Yên./.
Các thành viên trong Khối thi đua thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó mật thiết trong "ngôi nhà chung"- Khối thi đua Ban Quản lý KCN, KCX, KKT các tỉnh ĐBSH |
Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh/thành phố ĐBSH có 11 đơn vị thành viên bao gồm: Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh; Ban Quản lý khu kinh tế Hải phòng; Ban Quản lý các KCN các tỉnh Hải Dương; Ban Quản lý các KCN các tỉnh Hà Nam; Ban Quản lý các KCN các tỉnh Hưng Yên; Ban Quản lý các KCN các tỉnh Nam Định; Ban Quản lý các KCN các tỉnh Ninh Bình; Ban Quản lý các KCN các tỉnh Thái Bình; Ban Quản lý các KCN các tỉnh Vĩnh Phúc; Ban Quản lý các KCN các tỉnh Bắc Ninh; Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội. Năm 2024, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên được giao làm Khối trưởng Khối thi đua, Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình được giao làm Khối phó Khối thi đua. |
Bình luận