Ngày 9/6, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề xoay quanh công tác quản lý ngân sách nhà nước, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước Huỳnh Quang Hải chủ trì buổi họp báo.

Toàn cảnh buổi họp báo/ Ảnh: Huy Thắng

Tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối ngân sách năm 2015

Báo cáo thu – chi ngân sách của Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước thực hiện 5 tháng ước đạt 380,76 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán, tăng 7,9% so cùng kỳ năm 2014.

Trong đó: thu nội địa đạt 44,3% dự toán, tăng 16,3%; thu cân đối từ hoạt động xuất – nhập khẩu đạt 37,7% dự toán, tăng 6,5%; riêng thu về dầu thô đạt 32,6% dự toán, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2014 do giá dầu giảm (giá dầu dự toán 100 USD/thùng, bình quân 5 tháng đạt 57,8 USD/thùng, giảm 42,2 USD/thùng so với giá dự toán).

Chi ngân sách nhà nước thực hiện 5 tháng ước đạt 455,6 nghìn tỷ đồng, bằng 39,7% dự toán, tăng 8,9% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 37,4% dự toán, tăng 8,8%; chi trả nợ và viện trợ đạt 43,2% dự toán, tăng 23,5%; chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 40,9% dự toán, tăng 5,1%.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, đã phát sinh nhiều khó khăn, thách thức. Đáng chú ý là giá dầu thô giảm mạnh so với dự toán, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối ngân sách nhà nước năm 2015.

Tại buổi họp báo, ông Huỳnh Quang Hải, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, căn cứ giá dầu thế giới và dự báo của các tổ chức uy tín, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội giá dầu là 100 USD/thùng. Kết quả thực hiện 5 tháng đầu năm nay bình quân giá dầu chỉ ở mức 58,7 USD/thùng, giảm khoảng 42 USD/thùng.

Như vậy, khoản thu về dầu thô chắc chắn bị hụt so với dự toán. Về việc này, Bộ Tài chính sẽ quyết tâm phấn đấu đảm bảo dự toán được giao, phấn đấu vượt thu nội địa bù đắp hụt do giá dầu giảm.

Ông Hải cũng cho biết, bội chi ngân sách 5 tháng ước 74,8 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 33,1% dự toán năm. Tính đến hết tháng 5, đã thực hiện phát hành trên 94,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển, bằng 34,3% nhiệm vụ huy động vốn trong nước bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển năm 2015.

Không có biểu hiện sai phạm kỷ luật ngân sách

Lý giải về vấn đề bội chi khá cao năm 2013, ông Hải khẳng định, theo quyết toán của Bộ Tài chính đã báo cáo với Quốc hội, các khoản chi tiêu vẫn trong phạm vi số bội chi 5,3% đã được Quốc hội quyết định.

Trong đó có 2 khoản tăng lên, gồm 29.000 tỷ vốn ODA đã giải ngân cao hơn so với dự kiến và hơn 13.000 tỷ tiền nợ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng kiến nghị đưa vào xử lý bội chi.

Theo ông Hải, 2 khoản này trong quá trình thực hiện Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội, do đó không có biểu hiện gì về sai phạm kỷ luật ngân sách.

“Các nhiệm vụ chi ngân sách nhìn chung được đảm bảo theo dự toán và tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt khá hơn so với cùng kỳ một số năm gần đây; tuy nhiên giải ngân vốn trái phiếu chính phủ còn đạt thấp”, ông Hải đánh giá.

Về mảng trái phiếu chính phủ, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng cho biết, trước đây, nhà đầu tư thường mua trái phiếu có kỳ hạn 5 năm và 15 năm. Nhưng đến thời điểm này, khi tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng hơn 4% thì nhu cầu đầu tư vào trái phiếu dài hạn có sự sụt giảm.

Do đó, dự kiến đến cuối tuần này, Hiệp hội trái phiếu cùng với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ trao đổi với các nhà đầu tư để đánh giá rõ hơn và chia sẻ các thông tin đầy đủ hơn về các chính sách kinh tế vĩ mô, cũng như xu hướng điều hành lãi suất ngân hàng trong thời gian tới để các bên gặp nhau về mặt lãi suất.

Sẽ "tạm giữ" chứ chưa "cắt hẳn" 10% dự toán 8 tháng cuối năm

Để đảm bảo mức bội chi, ngoài việc đảm bảo nguồn thu, Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ mức bội chi trong phạm vi Quốc hội quyết định.

Trong đó, tạm giữ lại 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2015 của các đơn vị sử dụng ngân sách và 50% nguồn dự phòng của ngân sách các cấp để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách nhà nước giảm lớn.

Thay mặt Bộ Tài chính, ông Hải cho biết, chủ trương này thực chất là khoản mà Thủ tướng chỉ đạo tạm giữ, chứ chưa phải cắt hẳn. Đến tháng 8, căn cứ trên tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, Bộ Tài chính sẽ xem xét đánh giá và đưa ra các dự báo thực hiện cho cả năm.

Tháng 9, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng để đưa ra quyết định. Việc này nhằm củng cố thêm ý thức tiết kiệm và thể hiện sự quyết tâm điều hành ngân sách, chia sẻ khó khăn chung đối với tình hình kinh tế đất nước./.