Đồng ý là rất cần…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình tóm tắt về Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần xem hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như một nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Ở nhiều quốc gia, doanh nghiệp nhỏ và vừa đều chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp (97-99%) và được xác định là “động lực tăng trưởng”, “xương sống” của nền kinh tế. Các nước đã phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Liên minh châu Âu… và các nước đang phát triển trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… đều coi trọng vai trò của khu vực doanh nghiệp này.

Nhiều quốc gia đã sớm ban hành các đạo luật cơ bản về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa từ nhiều năm trước, nhằm thúc đẩy khu vực doanh nghiệp này phát triển, đổi mới sáng tạo, đóng góp ngày càng cao trong nền kinh tế. Thậm chí ở một số quốc gia, hỗ trợ khối doanh nghiệp này được quy định trong Hiến pháp như Hàn Quốc, Đài Loan.

Vì vậy, theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để giải quyết những hạn chế nêu trên và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đồng thời học tập kinh nghiệm của các nước trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vừa vừa của Việt Nam là cần thiết, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết, đa số ý kiến đều nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý và thực hiện hỗ trợ khối doanh nghiệp này.

Việc ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ bảo đảm các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

Đồng tình với cơ quan soạn thảo và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, việc tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo thêm công ăn việc làm, tạo thêm tổng giá trị sản phẩm xã hội, kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, được cả về kinh tế, về xã hội là rất cần thiết.

"Vì thế, khi làm luật nói đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì ai cũng quan tâm, nó như điều tất yếu chúng ta phải làm trong điều kiện đất nước hiện nay", người đứng đầu Quốc hội khẳng định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có thành viên nào không ủng hộ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Song, vẫn còn nhiều câu hỏi lớn cần giải đáp

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ, bà gặp nhiều câu hỏi khi đọc dự án Luật này. Và, câu hỏi lớn nhất, theo bà, là quan hệ giữa luật này với các luật khác, mà cụ thể nhất là Luật Doanh nghiệp chúng ta vừa ban hành năm 2015, chưa nói đến chính sách hỗ trợ quy đinh trong luật này đặt trong mối quan hệ với các luật khác thế nào?

Câu hỏi lớn thứ hai, là sự tương thích của những quy định trong dự án luật này như thế nào so với điều ước quốc tế, mà chúng ta đã tham ra và là thành viên? Đó là, chưa nói đến tác động của dự án luật này đối với kinh tế, tài chính ngân sách của chúng ta? Trong này tính chưa đủ đâu.

“Ở đây tính giảm hơn 5.000 tỷ đồng, bộ Tài chính nói giảm hơn 9.000 tỷ cộng thêm chi phí hỗ trợ, thì khoảng 20 nghìn tỷ, nhưng tôi e là tính chưa đủ”, bà Ngân băn khoăn.

Theo bà, việc ban hành luật mang tên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì phải thống kê cho được các chính sách đã hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được quy định trong hệ thống pháp luật của chúng ta là gì? gồm bao nhiêu chính sách, những vưóng mắc bất cập của hệ thống chính sách đó?

“Tôi cho rằng, phải thống kê để xem chúng ta đang thiếu chính sách gì để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa hay là do thực thi những chính sách đó đang có vấn đề?”, nữ Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Một vấn đề khác, theo bà Ngân, nên xem lại kỹ thuật lập pháp của dự án Luật. Kỹ thuật lập pháp thì phải có điều riêng quy định những hành vi bị cấm, nhưng ở đây ban soạn thảo lại đưa hành vi bị cấm vào một khoản của một điều chính sách hỗ trợ.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có thành viên nào không ủng hộ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng để hoàn thiện pháp luật phải rà lại. Và, lưu ý các bộ ngành quản lý đã có ý kiến như Bộ Tư pháp, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa đồng tình”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Thay mặt Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, nhu cầu cần được hỗ trợ của doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì rất lớn, nguồn lực nhà nước có hạn, nên tán thành với loại ý kiến thứ nhất về việc lựa chọn hỗ trợ có trọng điểm đối với một số doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến chế tạo, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao.

Đồng thời, để bảo đảm tính khả thi, thì dự thảo Luật cần bổ sung quy định rõ hơn về định hướng ưu tiên phát triển của Nhà nước đối với những lĩnh vực nào, về cân đối nguồn lực của Nhà nước bố trí phù hợp cho từng chương trình.

Hiện Dự thảo quy định chung giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung từng chương trình, phù hợp với định hướng ưu tiên phát triển của Nhà nước và điều kiện ngân sách nhà nước trong từng kỳ). Về vấn đề này, theo Ủy ban Kinh tế, cần quy định rõ hơn về điều kiện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, cơ quan chịu trách nhiệm hỗ trợ, cơ chế thực hiện hỗ trợ để hạn chế thủ tục hành chính và việc xin - cho.

“Riêng đối với Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, đề nghị cần bổ sung chế tài xử lý trong trường hợp lợi dụng chính sách của Nhà nước”, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Về các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo dự thảo Luật sẽ có các Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng và Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của địa phương. Đây là các quỹ tài chính nhà nước, hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc rà soát kỹ việc thành lập quá nhiều quỹ mà hiệu quả thực chất đem lại chưa tương xứng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa tiếp cận được các nguồn vốn, hơn nữa gây áp lực cho ngân sách, tài chính nhà nước khi hỗ trợ các Quỹ này.

Phát biểu kết thúc thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp thu ý kiến các đại biểu tại phiên họp để bổ sung hồ sơ, hoàn thiện dự án Luật, trong đó đặc biệt chú ý đến việc rà soát lại về phạm vi điều chỉnh, đánh giá tác động của Luật khi được ban hành; bảo đảm tính khả thi, sự thống nhất của Luật trong hệ thống pháp luật chung; bảo đảm các nguyên tắc thị trường trong hoạt động doanh nghiệp...

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đây là dự án luật lớn nên các quy định phải hết sức chặt chẽ, bảo đảm chất lượng của Luật. Nếu quy định lỏng lẻo, không rõ ràng, khi ban hành dễ bị lợi dụng, dẫn đến phát sinh tiêu cực./.