Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Hội nghị

Không thể chỉ trông chờ vào ngân sách

Báo cáo tổng kết năm 2015, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết năm 2015, Bộ đã khởi công, triển khai thi công mới 51 công trình, dự án. Trong đó, có 15 dự án đầu tư theo hình thức BOT với tổng số vốn huy động trên 45 nghìn tỷ đồng, vượt 21% so với kế hoạch năm 2015.

Bộ cũng đã hoàn thành, đưa vào khai thác 112 công trình, dự án. Trong đó có nhiều công trình, dự án lớn như hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sớm hơn từ 1 đến 1,5 năm so với kế hoạch; hoàn thành tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; các cầu: Năm Căn, Cổ Chiên, Hạc Trì, Mỹ Lợi, QL19...; Nhà ga Cảng hàng không Vinh, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đậu máy bay Cảng hàng không Pleiku, cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, Nhà ga đường sắt Ninh Bình, 44 cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP HCM, nâng cấp tuyến Kênh Chợ Gạo - giai đoạn 1, luồng kênh Cái Tráp, cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang...

Đặc biệt là việc hoàn thành xuất sắc cụm 3 công trình: Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cầu Hữu nghị Việt - Nhật (cầu Nhật Tân) và đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân - Nội Bài) đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trao tặng Giải thưởng Cống hiến.

Nhờ những nỗ lực nêu trên, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 9 bậc so với năm 2014, tăng 36 bậc so với năm 2010.

Dự kiến năm 2016, Bộ sẽ hoàn thành kế hoạch thực hiện và giải ngân tất cả các nguồn vốn được giao dự kiến gần 81 nghìn tỷ đồng; trong đó, vốn có nguồn gốc NSNN gần 49 nghìn tỷ đồng, vốn ngoài NSNN 32.000 tỷ đồng.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận và đánh giá cao những tiến bộ vượt bậc của ngành Giao thông vận tải với nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông thiết yếu trên tất cả các lĩnh vực. Những kết quả này đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Trong bối cảnh khó khăn, song kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trong 5 năm qua vẫn có một bước tiến vượt bậc; chúng ta đã thực hiện hiệu quả các giải pháp, huy động được các nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông vận tải-một trong những khâu đột phát chiến lược”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong chặng đường 5 năm qua, ngành đã huy động được một nguồn lực lớn ngoài ngân sách để tạo bước phát triển nhảy vọt.

Nhiều công trình giao thông đồng bộ, hiện đại đã được đưa vào khai thác, sử dụng; cũng 5 năm qua, từ 100 km đường cao tốc, đến nay đất nước đã phát triển được 704 km đường cao tốc, vượt 104 km so với mục tiêu đề ra. Các công trình giao thông không chỉ ở đô thị mà còn phát triển mạnh ở khu vực nông thôn.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng ngân sách chỉ chừng mực thế thôi. Vốn trái phiếu chính phủ cũng thế. Muốn xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng thì không cách nào khác phải huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước. Mà như vậy thì cơ chế chính sách phải tốt. Chúng ta không thể kêu gọi đầu tư bằng mệnh lệnh hành chính, cũng không thể bằng hứa suông, “bằng quyết tâm, nghị quyết được” – Thủ tướng thẳng thắn.

5 năm vừa qua, chúng ta đã làm hơn 600km đường cao tốc. 5 năm tới, chúng ta phải tiếp tục làm từ 2.000 km đến 2.500 km nữa để cơ bản nối thông cao tốc Bắc – Nam. Nếu như cứ chỉ chờ ngân sách thì sẽ chẳng có cây số đường cao tốc nào”, Thủ tướng chỉ rõ.

Ngành GTVT cần tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho biết, năm 2015, hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong ngành được triển khai quyết liệt, đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Bộ đã hoàn thành phê duyệt phương án cổ phần hóa và thực hiện IPO 33 doanh nghiệp; trong đó có Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương.

Giai đoạn 2011 - 2015, Bộ được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu về việc thực hiện công tác đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp; đã triển khai cổ phần hóa 137 doanh nghiệp nhà nước trên tổng số 514 doanh nghiệp cả nước (chiếm 26,65%) được cổ phần hóa trong giai đoạn này.

Bước sang năm 2016, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết sẽ tiếp tục thực hiện “Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”. Phấn đấu tăng trưởng bình quân từ 7-8% về tấn hàng hóa và lượt hành khách so với năm 2015. Về đầu tư phát triển:

Cũng trong năm 2016, ngành giao thông vận tải sẽ hoàn thành chuyển đổi 37 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần; cổ phần hóa 7 công ty thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy sau khi được chấp thuận phương án xử lý tài chính.

Đồng tình với những định hướng của ngành, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo ngành giao thông vận tải tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ.

“Bộ Giao thông Vận tải còn 30 doanh nghiệp, trong đó “nặng” nhất là Vinashin, Vinalines. Phải cố gắng làm, để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN” – Thủ tướng lưu ý.

Để ngành giao thông vận tải cần tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ. Thủ tướngyêu cầu, tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ, mạnh dạn cổ phần hoá, huy động nguồn lực xã hội để phát triển lĩnh vực đường sắt.

“Chính phủ đã tính tới làm đường sắt tốc độ cao khổ 1435, đoạn nào hiệu quả thì phải tính toán để làm”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng giao nhiệm vụ Bộ Giao thông Vận tải phải nâng cao hiệu quả vận tải, trong đó đặc biệt là vận tải đa phương thức. Phải làm sao để nâng cao năng suất, hiệu quả, hạ giá thành, hạ chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đi liền với đó là tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quyết tâm giảm tối đa tai nạn giao thông cả trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Xử lý nghiêm các vi phạm về vận tải và an toàn giao thông./.