Khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoàn thiện chính sách pháp luật hải quan
Theo Kế hoạch số 75/QĐ-TCHQ về việc ban hành Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp và các bên liên quan năm 2022, vừa được Tổng cục Hải quan ban hành, mục đích của kế hoạch là tổ chức các hoạt động đối tác để cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan tham gia vào tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan và nâng cao năng lực thực thi pháp luật hải quan.
Theo đó, các yêu cầu đặt ra bao gồm: tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan nắm bắt chiến lược, kế hoạch, chương trình cải cách hiện đại hóa hải quan qua đó đồng hành cùng cơ quan hải quan trong quá trình tổ chức triển khai; khuyến khích và tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan tham gia hoàn thiện chính sách pháp luật hải quan, phương thức quản lý, chất lượng phục vụ của cơ quan hải quan các cấp thông qua các hoạt động tham vấn, hợp tác, giám sát...
Về hoạt động hợp tác hảì quan - doanh nghiệp, cơ quan hải quan các cấp hợp tác với doanh nghiệp để thực hiện các nội dung về: chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ma túy, chất nổ, vũ khí qua biên giới; gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu; chống thất thu... |
Để triển khai theo các yêu cầu trên, Tổng cục Hải quan đề ra 5 hoạt động gồm: thông tin; tham vấn doanh nghiệp và các bên liên quan; hợp tác hải quan-doanh nghiệp; giám sát thực thi pháp luật; hỗ trợ doanh nghiệp.
Về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ quan hải quan đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các nội dung như: hỗ trợ doanh nghiệp theo các chuyên đề về phân loại, xác định trị giá, xuất xứ; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kịp thời thông tin quy định pháp luật mới, tình hình xuất nhập khẩu, xu hướng thương mại; hỗ trợ giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp phát sinh khi làm thủ tục hải quan; hỗ trợ cung cấp, cập nhật thường xuyên phần mềm khai hải quan miễn phí…
Tổng cục Hải quan tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn thi hành Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu cho doanh nghiệp Nhật Bản để thích ứng với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nguồn: Tổng cục Hải quan |
Về tham vấn doanh nghiệp và các bên liên quan, cơ quan hải quan các cấp tập trung tham vấn các nội dung về thực hiện chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về hải quan; cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử; các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp về các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật, quy trình thủ tục, tổ chức thực thi pháp luật...
Liên quan đến hoạt động giám sát thực thi pháp luật, cơ quan hải quan các cấp tăng cường công tác giám sát thực thi pháp luật thông qua các hoạt động như: phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức khảo sát sự hài lòng doanh nghiệp về thủ tục hải quan và thủ tục hành chính trên cơ chế một cửa quốc gia; triển khai công cụ đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cán bộ công chức và cơ quan hải quan các cấp tích hợp trên chương trình khai hải quan; phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp tổ chức các buổi làm việc, tiếp xúc với doanh nghiệp và các bên liên quan để lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp về hoạt động của cơ quan hải quan…
Các hoạt động trên sẽ được triển khai đồng thời tại cấp tổng cục và tại các cục hải quan tỉnh, thành phố. Ban Cải cách hiện đại hóa là đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị trong triển khai công tác phát triển quan hệ đối tác và thực hiện kế hoạch trên cơ sở thực tiễn triển khai, nhu cầu trợ giúp của các đơn vị.../.
Bình luận