Kiểm toán Nhà nước cần làm rõ lý do chậm ban hành văn bản
Kế hoạch kiểm toán chưa sát thực tiễn
“Việc ban hành các văn bản đạt tỷ lệ khá khiêm tốn so với kế hoạch đề ra, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cần báo cáo rõ lý do việc chậm ban hành các văn bản theo kế hoạch, trong đó lưu ý báo cáo rõ việc rà soát, sửa đổi hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi một số điều của Luật KTNN năm 2019...”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đề cập như vậy, khi trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) kết quả thẩm tra Báo cáo công tác năm 2021 và kế hoạch kiểm toán năm 2022 của KTNN, diễn ra hôm nay (ngày 14/9), theo Văn phòng Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, các cuộc kiểm toán thực hiện trong năm còn điều chỉnh khá nhiều. Ảnh: Quốc hội |
Theo ông Cường, số lượng các cuộc kiểm toán thực hiện trong năm có thay đổi, điều chỉnh khá nhiều. Điều này thể hiện chất lượng công tác dự báo, khảo sát, xác định mục tiêu… xây dựng kế hoạch kiểm toán chưa sát thực tiễn, yêu cầu. KTNN cần tăng cường công tác dự báo, đánh giá phạm vi, nội dung kiểm toán, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để thống nhất các nội dung cần kiểm toán ngay từ khâu xây dựng kế hoạch hàng năm, hạn chế tối đa việc điều chỉnh kế hoạch. Theo báo cáo của KTNN, chất lượng kiểm soát chất lượng kiểm toán còn chưa toàn diện, chưa tập trung kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm nên chất lượng chưa sâu, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý...
Liên quan đến nhiệm vụ năm 2022, theo ông Cường, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị KTNN cần khẩn trương xây dựng, ban hành ngay từ đầu năm các giải pháp, phân công, xác định lộ trình cụ thể để thực hiện thành công các phương hướng, nhiệm vụ này trong năm 2022. Trong đó, lưu ý bổ sung dự báo tình hình năm 2022, đặc biệt là các yếu tố tác động như dịch bệnh Covid-19. Xây dựng kế hoạch kiểm toán cụ thể, đặc biệt lưu ý các kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động để phục vụ chuyên đề giám sát của Quốc hội về: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật quy hoạch được ban hành”, bảo đảm chất lượng và thời gian các chuyên đề giám sát…
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đối với các văn bản được KTNN kiến nghị xử lý, sửa đổi, đề nghị cần công bố công khai với Quốc hội danh mục văn bản quy phạm pháp luật này và các cá nhân, tổ chức ban hành các văn bản không đúng thẩm quyền, sai quy định… để khắc phục tồn tại hạn chế, đảm bảo các kiến nghị của kiểm toán sẽ được thực hiện nghiêm hơn...
Kiểm toán cần sắc sảo…
Liên quan đến định hướng hoạt động của KTNN, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở, kiểm toán cần toàn diện, trọng tâm, trọng điểm, sắc sảo, mạnh dạn chấn chỉnh các vấn đề khi phát hiện, bám sát các quy định của pháp luật; công khai, minh bạch các hoạt động kiểm toán. Đây là vũ khí quan trọng để siết chặt kỷ luật, kỷ cương về tài chính, ngân sách...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý KTNN cần mạnh dạn chấn chỉnh các vấn đề khi phát hiện. Ảnh: Quốc hội |
Về kế hoạch kiểm toán năm 2022, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, trong mục tiêu chung của KTNN năm 2022 phải đặt tăng cường củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lên hàng đầu; đảm bảo kỷ luật, kỷ cương về tài chính ngân sách; làm rõ cơ cấu và tổng mức của tín dụng; làm rõ việc phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản; việc sử dụng tồn ngân của Kho bạc Nhà nước để thực hiện hoạt động cho vay; phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Chú trọng thêm kiểm toán việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo chống dịch hiệu quả nhưng phải tiết kiệm...
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, năm 2022, KTNN cần tăng cường kiểm toán các nội dung liên quan đến tín dụng ngân hàng, quản lý các dự án BOT. Ảnh: Quốc hội |
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, năm 2022, KTNN cần tập trung kiểm toán các chuyên đề, kiểm toán phục vụ công tác phê chuẩn ngân sách nhà nước, kiểm toán phục vụ cho hoạt động giám sát của Quốc hội và UBTVQH; tăng cường kiểm toán việc thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô, tài chính tiền tệ, về những vấn đề liên quan đến an toàn nợ công, bội chi ngân sách...
Đối với kiểm toán phục vụ 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN cần bám sát kế hoạch, đề cương giám sát đã được UBTVQH phê duyệt để xác định nhiệm vụ và kịp thời tổ chức kiểm toán, tổng hợp kết quả kiểm toán đảm bảo thời gian để Quốc hội hoàn thành nhiệm vụ giám sát...
“Đề nghị KTNN và Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội hoàn chỉnh các báo cáo để chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 tới đây...”, ông Nguyễn Đức Hải lưu ý./.
Bình luận