Kim ngạch xuất khẩu dự báo ước đạt trên 240 tỷ USD trong năm nay
Tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 có thể cao gấp 2 lần GDP
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI cho biết, những năm gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Việt Nam là một nền kinh tế mở, được định hướng bởi xuất khẩu. Đồng thời, có nhiều sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng như nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày, sản phẩm nhựa...
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI phát biểu khai mạc
Đánh giá bức tranh thương mại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng quản lý vận hành cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN (Tổng cục Hải quan) cho biết, trong 2 quý đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam khoảng 225 tỷ USD, tăng 13%. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 113 tỷ USD và nhập khẩu đạt trên 111 tỷ USD.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, theo một xếp hạng của WTO công bố hôm 12/04/2018, thứ hạng xuất khẩu của Việt Nam đã sự có cải thiện trên bản đồ xuất khẩu thế giới. Việt Nam hiện xếp thứ 27 về thứ hạng xuất khẩu và chỉ đứng sau Singapore và Thái Lan trong khối ASEAN.
Một đại diện khác của Tổng cục Hải quan - ông Cao Huy Tài cũng chia sẻ, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, các năm 2016 và 2017, Việt Nam luôn đứng ở top 4 nước đứng đầu ASEAN về chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới với chi phí và thời gian thông quan giảm dần.
Trong đó, năm 2017, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu giảm 03 giờ/lô hàng; Chi phí thông quan cho 01 lô hàng giảm 19 USD, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD. Việt Nam cũng tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu).
Đây là những căn cứ để ông Hùng dự báo bức tranh sáng sủa của xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới.
“Cụ thể, năm 2018, xuất khẩu tăng trưởng 2 con số và có thể cao gấp 2 lần GDP. Xuất khẩu ước đạt 240-242 tỷ USD, tăng 13% so với 2017. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu ước đạt 475-477 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2017. Thặng dư cán cân thương mại hàng hoá mức thấp. Cùng với đó, năm 2019 dự báo, xuất - nhập khẩu cán mốc 525 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu 265 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018, tăng 50 tỷ USD so với năm 2017”, ông Hùng dự báo, đồng thời cho biết đến năm 2020, ước tính Việt Nam sẽ có 100.000 doanh nghiệp xuất - nhập khẩu.
Để thoát khỏi tình trạng gia công đi làm thuê
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Việt Hùng nhận định, xuất khẩu nước ta vẫn trong tình trạng gia công, bởi trong cơ cấu hàng hoá xuất khẩu thì 77% thành phẩm hàng hoá xuất khẩu có hàm lượng đầu vào là nguyên liệu nhập khẩu.
Đại diện Tổng cục Hải quan cũng cho biết, thâm hụt cán cân thương mại lớn nằm ở các nước khu vực Đông bán cầu, bởi xu hướng nhập nguyên liệu từ các quốc gia Đông bán cầu và xuất sản phẩm hoàn chỉnh sang các nước Tây bán cầu.
“Điều đáng nói là, động lực tăng trưởng của xuất khẩu vẫn là khu vực FDI. Điều này được thể hiện rõ nét trong khoảng 5 năm gần đây. Hiện chỉ có hơn 7.000 doanh nghiệp nước ngoài trong tổng số doanh nghiệp xuất - nhập khẩu cả nước, chỉ chiếm 2%. Nhưng tổng giá trị xuất khẩu của khối doanh nghiệp này chiếm đến 70%”, ông Hùng lưu ý.
Mặt khác, theo Tổng thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang đứng trước nhiều thách thức về thị trường, dự báo cung cầu thị trường, thông tin, cùng những cách thức quản trị, hoạch định chiến lược ...
Ông Vinh cũng cho rằng, các doanh nghiệp không nên nặng về thị trường trong nước hay nước ngoài. Bởi, các sản phẩm sẽ cạnh tranh với nhau trong con mắt người tiêu dùng chứ không phải doanh nghiệp cạnh tranh với nhau. Thị trường trong nước hay nước ngoài sẽ là một thị trường, nhưng được ngăn cách bởi các hàng rào văn hóa, chính trị. Đây cũng là một thách thức lớn của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong bối cảnh đó, theo ông Nguyễn Quang Vinh, VCCI đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, các chương trình, dự án quốc gia nâng cao khả năng cạnh tranh hội nhập, phát triển bền vững. Tổng Thư Kí VCCI nhấn mạnh, đây cũng chính là nhiệm vụ rất quan trọng sẽ được đẩy mạnh trong năm 2018, khi Thủ tướng đã chính thức phê duyệt đề án thiếp lập mối quan hệ hợp tác chiến lược với các thị trường quan trọng của Việt Nam.
Theo đó, VCCI sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án và làm việc với cơ quan bộ ngành, gặp gỡ và làm việc với các đối tác để đem đến nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ cụ thể với các doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu. Đặc biệt, một trong trong những hoạt động sắp tới của đề án này sẽ được đưa vào triển khai là xây dựng cổng thông tin trực tuyến. Tổ chức các hội thảo hỗ trợ xuất khẩu, liên kết kinh doanh; xuất bản cẩm nang xuất khẩu Việt Nam, tổ chức diễn đàn xuất khẩu thường niên để các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt thông tin về các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu...
Đồng thời, ông Vinh khẳng định, VCCI sẽ luôn sát cánh cùng các tổ chức, bộ ngành, để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu bền vững.
Ngoài ra, theo ông Cao Huy Tài, về phía Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó tập trung nghiên cứu và tích cực ứng dụng các thành tựu công nghệ mới của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất - nhập khẩu./.
Bình luận