Sáng ngày 22/10, Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo về chính sách hỗ trợ phụ nữ kinh doanh trực tuyến tại các nền kinh tế APEC.

Phát biểu khai mạc, bà Phan Ngọc Mai Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết, 21 nền kinh tế thành viên APEC là ngôi nhà của khoảng 2,8 tỷ dân, chiếm khoảng 59% GDP thế giới và 49% thương mại thế giới vào năm 2015. APEC cũng là ngôi nhà của khoảng 1,4 tỷ phụ nữ mà mỗi giờ, mỗi phút, họ đóng góp sự phát triển của một trong những khu vực kinh tế năng động nhất trên thế giới, cũng như đảm bảo rằng, các gia đình và trẻ em được chăm sóc đúng cách. Phụ nữ chiếm một nửa thế hệ hiện tại nhưng họ là những người nuôi dưỡng cả thế hệ tương lai.

Bà Phan Ngọc Mai Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển phát biểu tại Hội thảo.

Tuy nhiên, bình đẳng giới vẫn chưa thể thực hiện được. Theo Báo cáo khoảng cách giới năm 2018 do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố, để có thể bình đẳng giới đầy đủ trên phạm vi toàn cầu, chúng ta phải mất một thế kỷ nữa. Báo cáo chỉ rõ, trên phạm vi toàn cầu, khoảng cách trung bình (trọng số dân số) hoàn thành cho bình đẳng giới là 68,0%. Nói cách khác, cho đến nay, khoảng cách giới tính vẫn còn trung bình 32,0%. Nhìn chung, khoảng cách giới chỉ giảm 0,03% so với năm 2017 và 3,6% kể từ năm 2006.

Việc phụ nữ không thể tiếp cận với thế giới kinh doanh có thể gây ra những tổn thất to lớn. Một phân tích mới đây của Boston Consulting Group (BCG) đã chỉ ra, nếu phụ nữ và nam giới đều có thể trở thành doanh nhân, thì GDP toàn cầu có thể tăng khoảng 3% đến 6%, thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu tăng 2,5 nghìn tỷ lên 5 nghìn tỷ USD. Ở cấp độ công ty, các nghiên cứu đưa ra kết luận, phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo giúp tăng lợi nhuận, cải thiện danh tiếng công ty và nâng cao hài lòng của nhân viên và khách hàng.

Hiện nay, thị trường trực tuyến ngày càng mở rộng, thay đổi cách mọi người và các công ty trên toàn cầu làm ăn kinh doanh. Đối với phụ nữ, kinh doanh trực tuyến là một con đường để phá bỏ cấu trúc quyền lực của thế giới kinh doanh do nam giới thống trị hiện nay. Công nghệ mang lại cho phụ nữ nhiều quyền sở hữu hơn trong các sản phẩm và dịch vụ tiếp thị, giúp tìm kiếm khách hàng dễ dàng hơn và theo kịp nhu cầu của họ. Kinh doanh trực tuyến cũng có thể mang lại cho phụ nữ sự linh hoạt hơn so với nơi làm việc truyền thống.

“Biết cách truy cập và sử dụng công nghệ là rất quan trọng đối với phụ nữ để nắm bắt những cơ hội này. Tuy nhiên, công nghệ tự nó không phải là thuốc chữa bách bệnh. Thay vào đó, các hành động chính sách là cần thiết để xóa bỏ các rào cản ngăn phụ nữ tham gia đầy đủ vào các hoạt động kinh doanh, bao gồm cả kinh doanh trực tuyến”, bà Phan Ngọc Mai Phương khẳng định./.

Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ban Thư ký APEC thực hiện dự án Hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh trực tuyến. Mục tiêu của dự án nhằm tìm hiểu, đánh giá khung khổ chính sách tại các nền kinh tế thành viên APEC trong việc tạo điều kiện cho sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh doanh trực tuyến, và trên cơ sở đó, đưa ra các khuyến nghị về tiếp cận xây dựng chính sách, pháp luật phù hợp với đặc điểm giới trong lĩnh vực này.

Hội thảo về chính sách hỗ trợ phụ nữ kinh doanh trực tuyến tại các nền kinh tế APEC là một phần của dự án, nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa các nền kinh tế thành viên APEC về xây dựng, hoàn thiện chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh trực tuyến.