Tóm tắt

Đầu tư công được xem là hoạt động không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia hay địa phương. Tại Việt Nam hiện nay, đầu tư công được xem là động lực chính thúc đẩy năng suất trong dài hạn và tăng trưởng kinh tế. Bài viết tập trung nghiên cứu thực hiện chính sách đầu tư công ở một số địa phương có sự bứt phá về phát triển kinh tế trong những năm gần đây, như: TP. Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Ninh; từ đó, rút ra những bài học và gợi mở về chính sách nhằm giúp tỉnh Thừa Thiên Huế nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công trong thời gian tới.

Từ khóa: đầu tư công, chính sách, kinh tế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Summary

Public investment is an indispensable activity in the socio-economic development of a country or a locality. In Vietnam, public investment is now considered as the main driver of long-term productivity and economic growth. The article focuses on studying the implementation of public investment policies in some localities with breakthroughs in economic development in recent years, such as Ho Chi Minh City, Da Nang, Binh Duong, and Quang Ninh; thereby proposing lessons and policy recommendations to help Thua Thien Hue province improve the efficiency of public investment management in the coming time.

Keywords: public investment, policy, economy, Thua Thien Hue province

KINH NGHIỆM CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ CÔNG

Kinh nghiệm của TP. Đà Nẵng

TP. Đà Nẵng hiện là đô thị trung tâm quốc gia, đầu tàu kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả năm 2022 của Đà Nẵng tăng hơn 14% so với năm 2021, đứng thứ 3 cả nước về tốc độ tăng trưởng và xếp thứ 17/63 cả nước xét về quy mô [1].

Có thể nói, những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật của Đà Nẵng trong suốt thời gian qua có một phần rất lớn xuất phát từ hiệu quả trong quản lý đầu tư công của địa phương. Nổi bật có thể nhắc đến như chính sách “Cơ sở hạ tầng đi đầu” được thúc đẩy bởi nguồn lực ngân sách gia tăng từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Sự thành công trong thực hiện chính sách đầu tư công của Đà Nẵng xuất phát từ việc chú trọng triển khai đồng bộ, linh hoạt và hiệu quả các nội dung sau:

Một là, nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công; tiến hành rà soát, đề nghị sửa đổi những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Hai là, tăng cường quản lý đầu tư công, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư; quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn đảm bảo hiệu quả; trên cơ sở nội dung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý đầu tư và xây dựng của Trung ương ban hành, TP. Đà Nẵng đã cụ thể hóa các công trình quản lý theo thẩm quyền được phân công, phân cấp.

Ba là, theo dõi, đôn đốc (chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu) đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân dự án. Kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công và thực hiện dự án. Các thông tin về dự án đầu tư công được công bố công khai, đầy đủ, kịp thời, và chính xác, gồm trách nhiệm của các bên thực hiện dự án.

Bốn là, chú trọng nâng cao năng lực và hiệu lực hoạt động của các cơ quan có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát kết quả quản lý và sử dụng đầu tư công. Quy định rõ ràng trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan chính quyền mỗi cấp trước kết quả quản lý đầu tư công của cấp đó.

Đối với những công trình, dự án động lực, trọng điểm chậm tiến độ, UNBD Thành phố đã kịp thời ban hành công văn về tiến độ triển khai; trong đó, nêu rõ cần phải xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc; đôn đốc, triển khai, giám sát tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo tiến độ giải ngân; nghiên cứu thực hiện rút ngắn thời gian trong công tác thẩm định, xử lý các thủ tục hồ sơ liên quan đến dự án.

Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, thực tiễn cho thấy, vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong quản lý đầu tư công của Thành phố, gây ra tình trạng lãng phí, thất thoát, ảnh hưởng không nhỏ đến ổn định kinh tế - xã hội. Cụ thể, khối lượng thực hiện vốn đầu tư công của Thành phố trong năm 2022 đạt 6.345 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch HĐND phân bổ, giải ngân xếp thứ 19/63 địa phương trên cả nước, vẫn còn nhiều công trình trọng điểm chậm tiến độ [3].

Kinh nghiệm của tỉnh Bình Dương

Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, được Trung ương xác định là một trong những tỉnh, thành phố nằm trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Xuất phát là một tỉnh thuần nông, song những năm qua, những chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng tạo, có tính đột phá đã góp phần nâng cao vị thế của Bình Dương trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Cụ thể, tổng thu ngân sách trên địa bàn Tỉnh bình quân giai đoạn 1997-2020 tăng 26,1%/ năm đã góp phần đưa Bình Dương sớm trở thành một trong những địa phương có mức thu ngân sách nằm trong nhóm 1.000 tỷ đồng, có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương đứng thứ 3 của cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 150,98 triệu đồng, tăng hơn 26 lần so với năm 1997 (5,8 triệu đồng). Năm 2021, tổng thu ngân sách của tỉnh ước đạt 61.200 tỷ đồng, gấp 74 lần so với năm 1997 (817 tỷ đồng) [4].

Một trong nhiều nhân tố tạo nên sự thành công của Bình Dương trong những năm qua là việc tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hạ tầng giao thông vận tải phải đi trước một bước nhằm gắn kết các đầu mối giao thông trong Vùng. Điều này được cụ thể hóa bằng Chương trình số 23-CTr/TU, ngày 16/8/2016 của Tỉnh ủy Bình Dương về huy động và phát huy các nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Tỉnh giai đoạn 2016-2020. Trong đó, nguồn vốn đầu tư hỗ trợ từ ngân sách trung ương được Tỉnh tập trung triển khai theo đúng các mục tiêu hỗ trợ cụ thể cho từng dự án; còn nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách tỉnh được bố trí tập trung cho các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng, các dự án không có khả năng hoàn vốn trực tiếp và các dự án quan trọng, tạo động lực thu hút các nguồn vốn khác tham gia đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.

Tổng số vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 của tỉnh Bình Dương là 33.507,4 tỷ đồng, bố trí cho 516 dự án, trung bình bố trí gần 65 tỷ đồng/dự án. Trong đó, nguồn vốn tỉnh bố trí chiếm hơn 60%; vốn phân cấp theo nguyên tắc, tiêu chí cấp huyện chiếm gần 19%; vốn ngân sách trung ương chiếm gần 10% và vốn dự phòng chiếm khoảng 7% (HĐND tỉnh Bình Dương, 2016). Tỷ lệ vốn thực hiện/giải ngân trung bình giai đoạn 2016-2020 đạt mức khá cao, ở mức gần 90% kế hoạch [1]. Như vậy, phần lớn nguồn vốn đầu tư công đã đi vào thực tiễn, phục vụ đời sống của người dân và phát triên kinh tế - xã hội.

Để có được những thành công trong quản lý đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Tỉnh đã chú trọng thực thi hệ thống giải pháp với sự đồng thuận, nhất trí cao của toàn bộ hệ thống chính trị; trong đó, đặc biệt chú trọng việc nêu rõ trách nhiệm cá nhân trong quản lý nguồn vốn đầu tư công. Cụ thể là, xem hiệu quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi quản lý và thực hiện dự án đầu tư công.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc thực hiện chính sách đầu tư công của tỉnh Bình Dương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Trong đó, nổi bật nhất là tình hình thực hiện và giải ngân các công trình trọng điểm và các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng còn chậm; chưa phát huy thật tốt vai trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư trong các vùng ảnh hưởng của dự án, vì vậy chưa nâng cao trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư và các bên liên quan đến dự án; phối hợp giữa chủ đầu tư với các sở, ngành chưa thực sự nhuần nhuyễn, còn thiếu khớp nối dẫn đến việc chậm tiến độ thực hiện dự án.

Kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh là một trong điểm kinh tế, một đầu tàu của vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc. Quảng Ninh có nhiều khu kinh tế, Trung tâm thương mại Móng Cái là đầu mối giao thông giữa Việt Nam - Trung Quốc và các nước trong khu vực. Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, mạnh dạn đột phá của các cấp lãnh đạo, tỉnh Quảng Ninh vươn lên và trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Tỉnh Quảng Ninh xác định đầu tư công là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng GRDP, vì vậy Tỉnh đã lên kế hoạch phân bổ chi tiết nguồn vốn đầu tư công được giao và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công. Giai đoạn 2016-2021, Quảng Ninh đã phân bổ hơn 49.000 tỷ đồng vốn ngân sách cho đầu tư ở các lĩnh vực.

Bên cạnh việc bám sát những chỉ đạo của Trung ương, một trong những giải pháp được tỉnh Quảng Ninh thực hiện rất hiệu quả là rà soát lại việc phân bổ các dự án, tập trung tối đa nguồn lực cho những dự án quan trọng, cụ thể như năm 2021, Tỉnh có 16 dự án, thì đến năm 2022 cắt giảm còn 13 dự án.

Thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân”, Quảng Ninh ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước như “vốn mồi” để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, phát triển hình thức đối tác công - tư. Tỉnh dự kiến phân bổ nguồn vốn đầu tư công vốn ngân sách tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 gần 58.700 tỷ đồng, riêng năm 2021 là gần 11.700 tỷ đồng [6].

Quảng Ninh quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của các năm. Theo đó, Tỉnh đã đặt nhiệm vụ tập trung làm tốt, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án khởi công mới, bảo đảm thủ tục chặt chẽ, tuân thủ đúng quy trình, quy định; hoàn thành phân bổ vốn chi tiết và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với nâng cao chất lượng công trình, dự án. Chính quyền Tỉnh giao các sở, ngành bám sát để thực hiện sớm những khâu, như: chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng…; đồng thời, phân công lãnh đạo Tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành phụ trách từng chủ đầu tư để đôn đốc, thực hiện dự án đúng tiến độ. Đặc biệt, Tỉnh yêu cầu các sở, ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần ưu tiên chỉ đạo. Trong năm 2022, giải ngân nguồn vốn đầu tư công của Quảng Ninh đạt gần 14.987 tỷ đồng, bằng 95% tổng kế hoạch vốn điều hành của Tỉnh và đạt trên 120% kế hoạch pháp lệnh về giải ngân đầu tư công của Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm [6].

Bên cạnh giải ngân vốn đầu tư công, Quảng Ninh cũng tích cực thúc đẩy vốn đầu tư toàn xã hội trong phát triển cơ sở hạ tầng. Tỉnh thực hiện hỗ trợ nhà đầu tư trong việc chuẩn bị mặt bằng sạch, động viên, khích lệ nhà đầu tư thực hiện các dự án. Là quán quân của bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ nhà đầu tư trên nhiều phương diện cũng là điểm sáng của tỉnh Quảng Ninh trong những năm vừa qua.

GỢI Ý BÀI HỌC DÀNH CHO TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Kinh tế Thừa Thiên Huế là một cực tăng trưởng của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Cũng tương tự các địa phương khác, đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong năm 2022, tổng mức đầu tư công trên địa bàn Tỉnh là hơn 6.346 tỷ đồng. Trong đó, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao 4.266 tỷ đồng. Nếu tính cả 346 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022, thì tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022 là 4.612 tỷ đồng. Ngoài ra, từ tháng 3 đến tháng 7/2022, Tỉnh cũng đã giao bổ sung số vốn đầu tư công với gần 1.734 tỷ đồng [7]. Như vậy, có thể thấy, nguồn lực đầu tư công của tỉnh Thừa Thiên Huế là khá lớn, tuy nhiên hiệu quả đem lại chưa cao.

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, qua kinh nghiệm của các địa phương, chúng tôi rút ra một số bài học gợi ý nhằm hoàn thiện chính sách đầu tư công ở tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tập trung quán triệt và triển khai nghiêm túc, hiệu quả chính sách đầu tư công

Cần phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về đầu tư công; nhất là các quy định mới ban hành; song song với đó, triển khai kịp thời rà soát, điều chỉnh các văn bản liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng cơ bản cho phù hợp với tình hình thực tế và đặc thù của địa phương và quy định hiện hành của Nhà nước. Đồng thời, tiến hành đề xuất kiến nghị sửa đổi những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc trong quá trình thực hiện tại Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư công, nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ, không tạo kẽ hở dễ bị lợi dụng làm thất thoát, lãng phí đầu tư công.

Thứ hai, phân bổ nguồn vốn đầu tư công một cách hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, kiên quyết giải quyết tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả

Theo đó, Tỉnh cần tập trung rà soát kỹ, toàn diện trong việc quyết định chủ trương đầu tư, bảo đảm chất lượng lập báo cáo đề xuất, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; qua đó, khắc phục triệt để tình trạng đầu tư dàn trải, không hiệu quả, phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu chính xác; chỉ quyết định chủ trương đầu tư những dự án thật sự cần thiết, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng chiến lược, thiết yếu, có tính lan tỏa, tạo sức bật cho nền kinh tế. Theo dõi và đánh giá định kỳ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các dự án, kiên quyết đề xuất điều chỉnh giảm vốn đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để kiến nghị điều chuyển sang các dự án có tỷ lệ giải ngân cao và có khả năng hoàn thành dứt điểm. Song song với đó, nghiên cứu, sửa đổi kịp thời về pháp luật xây dựng để quyết định đầu tư tách hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các dự án đầu tư công, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay về đầu tư công, dự án đầu tư công.

Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong đầu tư công.

Công tác thanh tra, kiểm tra là công cụ đóng vai trò quan trọng, then chốt nhằm phát hiện sơ hở, sai sót, yếu kém trong quản lý vốn đầu tư công; phòng ngừa, phát hiện, xử lý các sai phạm, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Do đó, cần chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý, sử dụng vốn vay. Cần tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra một cách định kỳ, đột xuất theo quy định ở tất cả các khâu của chu kỳ dự án.

Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư công cũng cần xác định nhân tố quan trọng ảnh hưởng là nhân tố con người. Do đó, cần phải quan tâm đầu tư để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp giải quyết công việc và ý thức, tinh thần trách nhiệm thông qua các hình thức, như: đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn.

Thứ tư, tăng cường hoạt động giám sát cộng đồng, huy động sự tham gia của các đối tượng thụ hưởng vào quá trình chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án

Cần xây dựng kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng với chương trình, dự án trên địa bàn Tỉnh trên cơ sở trao đổi, thống nhất với HĐND và UBND cùng cấp. Việc triển khai hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng trong quá trình chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án giúp chủ động và kịp thời phát hiện các sai phạm, qua đó kịp thời kiến nghị chủ đầu tư, nhà thầu điều chỉnh, đảm bảo chất lượng các công trình trên địa bàn Tỉnh. Việc huy động sự tham gia của nhân dân tại nơi triển khai dự án giám sát công trình, dự án mà chính họ thụ hưởng giúp phát huy tinh thần trách nhiệm của cộng đồng, nâng cao hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình tại địa phương.

Thứ năm, tăng trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công

Cần phải nâng cao và tăng cường hơn nữa vai trò của người đứng đầu chính quyền trong công tác chỉ đạo điều hành, thực hiện các công trình dự án, đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công. Quy rõ ràng trách nhiệm vật chất của những người đứng đầu cơ quan chính quyền nhà nước mỗi cấp trước kết quả quản lý đầu tư công của cấp đó.

Thứ sáu, tăng cường sự phối hợp giữa chủ đầu tư với các sở, ban, ngành

Đẩy mạnh việc phối hợp, trao đổi giữa các sở ngành của tỉnh, chủ đầu tư, chính quyền địa phương và nhà thầu để kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải, tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo tiến độ phê duyệt và triển khai công trình, dự án; đặc biệt là các công trình, dự án có khối lượng đền bù, giải tỏa lớn./.

TS. VÕ THỊ THU NGỌC

Khoa Kinh tế chính trị, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 10 - tháng 4/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, tỉnh Bình Dương, tỉnh Quảng Ninh (2016-2022), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh các năm, từ năm 2016 đến năm 2022.

2. HĐND tỉnh Bình Dương (2016), Nghị quyết số 54/NQ-HĐND9 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.

3. Hoàng Hiệp (2023), Tập trung thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng năm 2023, truy cập từ https://baodanang.vn/channel/5404/202302/tap-trung-thuc-hien-ke-hoach-giai-ngan-von-dau-tu-cong-giai-phong-mat-bang-nam-2023-3938307/.

4. Kim Liên (2022), Bình Dương: Từng bước khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, truy cập từ https://tuoitrethudo.com.vn/binh-duong-tung-buoc-khac-phuc-kho-khan-tiep-tuc-phat-trien-nhanh-ben-vung-194458.html.

5. Nguyễn Thường Lạng, Thái Quang Thế (2020), Đầu tư công giai đoạn 2010-2019 và những vấn đề đặt ra cho giai đoạn mới, Tạp chí Tài chính, số 03/2020, 51-53.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh (2022-2023), Báo cáo tình hình thực hiện đầu tư công năm 2021, 2022.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế (2022-2023), Báo cáo tình hình thực hiện đầu tư công các năm, năm 2021, năm 2022.

8. UBND TP. Đà Nẵng (2021), Báo cáo 25 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, Tài liệu Tọa đàm “Thành phố Đà Nẵng 25 năm: Thành tựu và Triển vọng”.