Cụ thể: Quyết định số 1232/QĐ-TTg quy định: Mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ trong năm 2020 để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 4,8%/năm.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 13/8/2020.

Trong khi đó, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP quy định mức vốn vay cụ thể như sau:

Đối với xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê: Mức cho vay tối đa bằng 80% tổng mức đầu tư dự án hoặc phương án vay và không vượt quá 80% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay

Đối với xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán: Mức cho vay tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư của dự án, phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay nhu cầu mua nhà ở xã hội trên toàn thị trường là khoảng 440.000 căn

Trước đó, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 03/2020, về giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 04 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

Đồng thời, Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV năm 2020 theo trình tự thủ tục rút gọn; đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.

Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thất, nhất là công nhân.

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay nhu cầu mua nhà ở xã hội trên toàn thị trường là khoảng 440.000 căn, riêng Thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 134.000 căn. Tuy nhiên, đến nay, các địa phương chỉ mới thực hiện được khoảng 33% kế hoạch đề ra.

Một trong những khó khăn khiến nguồn cung nhà ở xã hội khan hiếm có phần do thủ tục đầu tư còn nhiêu khê, nguồn vốn ưu đãi không hấp dẫn, không thu hút được doanh nghiệp mặn mà đầu tư. Ngoài ra, việc quy định các dự án bất động sản nhà ở thương mại phải dùng 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội còn chưa được tuân thủ triệt để. Nhiều chủ đầu tư, chọn phương án nộp tiền thay vì để 20% phần phát triển nhà ở xã hội trong dự án thương mại./.