Làm PR - Sao phải mặc cảm?
"Khi tôi làm phóng viên, được các chuyên viên PR, thậm chí PR manager săn đón và chăm sóc, tôi cảm thấy dường như mình đang "trên cơ" họ Rồi khi tôi chuyển sang làm PR, có khi các phóng viên cho tôi cảm giác họ thật dễ bị "dẫn dắt" bởi những cạm bẫy ngọt ngào. Vậy thật ra vị trí của người làm PR là ở đâu trong guồng hoạt động của truyền thông?
Không có gì đáng ngạc nhiên khi bạn có một nỗi "mặc cảm" nếu mình "trót thích" hoặc "trót làm" PR bởi nó vốn được xem là một hoạt động thương mại (trong khi báo chí chính thống thường được ca ngợi là cơ quan quyền lực thứ tư hoặc đại loại thế).
Phần lớn bạn sẽ được trả tiền để làm việc theo yêu cầu của các doanh nghiệp và một số tổ chức khác. Tôi xin chia sẻ trong bài viết này (1) những công việc cụ thể của người làm PR, (2) những điều thú vị của nghề PR, hy vọng các chuyên viên PR tương lai thêm tự tin về công việc của mình.
Thông thường, bạn sẽ bắt đầu bước vào nghề PR với vai trò của một copywriter. Công việc của bạn có thể là viết bài phục vụ cho campaign của các nhãn hàng, viết các tin, bài để cập nhật trên trang web của công ty, viết và biên tập các tài liệu PR và marketing của họ như bản tin nội bộ, catalogue... Sau khi thực hiện các bài viết riêng lẻ dạng này, có thể bạn cũng học được cách lên kế hoạch để thực hiện một loạt các chương trình dài hạn (cho mỗi quý, mỗi năm).
Ở một nhánh khác, bạn có thể tham gia vào một PR Team với vị trí là nhân viên/ trợ lý tổ chức sự kiện (xin thành thật với các bạn, hãy hiểu rằng công việc của bạn đôi khi khiến chính bạn cảm thấy mình là một tên sai vặt). Bạn sẽ góp mặt trong tất cả các công việc không tên không tuổi để tổ chức một sự kiện theo yêu cầu của khách hàng.
Hãy khoan nghĩ đến việc ăn mặc bảnh bao, nam được sơ mi cà vạt chỉn chu đầu xịt keo láng mướt, nữ váy đầm điệu đà, mặt make up kỹ càng, giày cao gót 7 phân đứng nhoẻn miệng cười tiếp khách.
Có thể bạn phải thức trắng đêm trước đó để đến địa điểm, tự tay kéo lại bàn ghế cho ngay ngắn, vác mấy thùng nước suối mới mua được ngoài siêu thị xếp lên bàn cho từng người, ngồi còm lưng gói gói dán dán các phần quà nhỏ tặng khách mời khi ra về... Sáng sớm, trước khi kịp ăn sáng và chải chuốt, bạn đã phải đi làm công việc của một... lơ xe, đi một vòng mời gọi và đón phóng viên, khách mời đến nơi diễn ra sự kiện.
Nếu bạn đủ nhanh nhạy và sự kiên nhẫn, sau khi đã có kinh nghiệm, bạn có quyền nghĩ rằng mình đủ năng lực để làm các vị trí cao hơn: người lên kế hoạch và chia việc cho copywriter và nhân viên tổ chức sự kiện.
Khi ở vị trí này, bạn mới bắt đầu phải nghĩ đến "quan hệ báo chí". Nói một cách đơn giản là làm thế nào để nhãn hàng/ thương hiệu/ khách hàng của bạn được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông một cách rộng rãi và tích cực nhất. Có người chọn cách đưa phong bì thật "dày" cho phóng viên như một sự "ràng buộc" ngầm, mời họ đến những bữa tiệc chiêu đãi sang trọng, những chuyến đi nghỉ dưỡng...
Có những người tạo quan hệ bằng cách chủ động cung cấp thông tin mà báo chí cần: những số liệu mới trong lĩnh vực hoạt động của họ, ý kiến khách quan của các chuyên gia về thị trường nào đó, giúp phóng viên kết nối với những nhân vật mà họ đang tìm kiếm... Với cách thứ 2, tất nhiên người làm PR phải dụng công nhiều hơn, nhưng bù lại sẽ có mối quan hệ bền chặt hơn với báo chí, và quan trọng là PR - phóng viên có thể gặp mặt nhau vui vẻ mà không phải ngại ngần.
Có người làm PR cho doanh nghiệp, có người làm PR cho các công ty PR, quảng cáo mà chúng ta hay gọi là agency. Nhiều người thường "né" làm việc cho các agency vì sợ cảnh "một cổ nhiều tròng" (trong công ty có sếp, ngoài có khách hàng, lại thêm phóng viên). Nhưng cũng chính môi trường agency sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị của nghề mà khi làm PR trong doanh nghiệp bạn sẽ không có được.
Thứ nhất, bạn luôn luôn được trải nghiệm cái mới: khách hàng mới, lĩnh vực mới, yêu cầu mới. Khách hàng của bạn, hôm nay là một tập đoàn bất động sản, ngày mai là một trường quốc tế, ngày mốt có thể là một chuỗi thức ăn nhanh, ngày kia lại là một công ty dược (Có khi trong cùng một ngày bạn phải lần lượt xử lý công việc liên quan đến từng đó khách hàng khác nhau chứ không được phân chia rạch ròi ngày này dành cho người này, ngày kia dành cho người khác). Và bạn không thể làm tốt công việc quảng bá cho một sản phẩm, một cá nhân hay một thương hiệu nào đó mà không hiểu biết về nó.
Bạn có tin rằng người làm PR có khi phải thức trắng đêm nghiên cứu các tập tài liệu dày hàng trăm trang về một loại vacxin mới phòng bệnh sốt xuất huyết? Có lúc đó chứ, nếu khách hàng của bạn là Sanofi-aventis hay tương tự. Hôm khác bạn lại cặm cụi tìm hiểu về chính sách visa dành cho thương gia muốn nhập tịch Hoa Kỳ.
Vâng, bạn đầu bù tóc rối với những kiến thức về luật di trú đến nỗi sau khi làm xong event cho công ty dịch vụ di trú đó, bạn tự thấy có khi mình cũng đi làm chuyên viên tư vấn được rồi. Rồi nhờ những khách hàng như FV, bạn sẽ được cập nhật những kỹ thuật mới nhất trong việc điều trị các tổn thương ở mắt hoặc chứng thoát vị đĩa đệm...
Điều thú vị thứ hai, người làm PR thường là những cái đầu nghĩ ra và sau đó giúp doanh nghiệp thực hiện những hoạt động cộng đồng bổ ích. Đó có thể là chương trình xây nhà vệ sinh cho các trường nghèo ở miền núi; là một đợt khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em vùng biên mậu; là một đợt tuyên truyền cách phòng và trị bệnh đường hô hấp trong mùa lạnh... Tất nhiên, cần thành thật với nhau rằng đó là những hoạt động mà các bên cùng có lợi: một cộng đồng nào đó được hỗ trợ về vật chất/ tinh thần và một doanh nghiệp được tiếng thơm. Vậy thì hãy thôi mặc cảm khi bạn chọn PR là nghề của mình.
Làm PR, đặc biệt cho agency, chắc chắn sẽ có nhiều lúc bạn cảm thấy quá tải, cảm thấy kiệt sức hay mệt mỏi, nhưng bạn sẽ không bao giờ cảm thấy chán bởi chúng ta sẽ luôn luôn được quăng mình vào những lĩnh vực mới mẻ mà chính mình cũng không ngờ tới."
Bình luận