Làm sao để công thương Việt Nam có thể dịch chuyển cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu?
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, 6 tháng đầu năm, mặc dù hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, toàn ngành Công Thương đã vượt khó hoàn thành các chỉ tiêu và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 6 tháng đầu năm 2016 đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2015. Mức tăng này cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ năm 2015 (6 tháng năm 2015 tăng 9,6%). Xét về các nhóm ngành, ngành chế biến, chế tạo đã tăng 10,1%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 11,7%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 8,1%. Khai khoáng là nhóm ngành duy nhất suy giảm ở mức 2,2%.
Riêng với thị trường trong nước, 6 tháng đầu năm 2016, thị trường trong nước tiếp tục tăng trưởng, giá cả các mặt hàng có biến động do tác động của quy luật cung cầu và ảnh hưởng của giá nhập khẩu. Theo đó, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1.724.034 tỷ đồng, tăng 9,46% so với cùng kỳ (năm 2015 tăng 9,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,6%; CPI cũng tăng 1,72%.
“Thị trường trong nước tuy mức tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ nhưng đây là mức tăng trưởng khá, cung - cầu các hàng hoá thiết yếu tiếp tục được đảm bảo, nguồn cung hàng hoá dồi dào, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, thừa hàng như các năm trước, công tác bình ổn giá được thực hiện tốt... Đây là những điều kiện quan trọng góp phần tích cực cho phát triển sản xuất những tháng cuối năm”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Với xuất - nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 82,24 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015. Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước khoảng 80,71 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, cả nước đã xuất siêu gần 1,54 tỷ USD, bằng 1,9% kim ngạch xuất khẩu.
Như vậy, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2016 đạt kết quả chưa cao như kỳ vọng, cũng chưa đạt được mục tiêu như Quốc hội giao (tăng trưởng 10%) do bị ảnh hưởng bởi cả 2 yếu tố về giá và lượng. Tuy nhiên, cũng có những điểm tích cực, như: xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản tăng trưởng cao với mức tăng 6% (cùng kỳ năm ngoái giảm 8,9%) và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng trưởng dương, đạt mức tăng 3,3% (cùng kỳ năm ngoái giảm 2,7%). Nhập khẩu hàng hóa đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và sản xuất hàng xuất khẩu.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả mà ngành Công Thương đạt được trong 6 tháng đầu năm 2016, qua đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nổi lên là ảnh hưởng của Elnino mạnh nhất trong 100 năm qua, hạn hán, xâm nhập mặn hay sự cố môi trường ở miền Trung.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ Công Thương
Thủ tướng cũng đã nêu lên một số nhiệm vụ mà ngành Công Thương cần chú trọng thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2016. Cụ thể đó là:
Thứ nhất, thay đổi cơ bản cách quản lý để xây dựng một nền kinh tế thị trường thực chất, hiệu quả. Việc nào thị trường làm tốt hơn thì để thị trường tự vận động, nhà nước chỉ tập trung vào những việc mà thị trường làm không tốt. Tổ chức, quản lý thị trường bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, chống độc quyền.
Thứ hai, phải làm sao để công nghiệp, thương mại trong nước có thể dịch chuyển lên nhanh, cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu không đổi mới, sáng tạo thì sẽ trở thành nền kinh tế đơn thuần là gia công.
Thứ ba, phải huy động được khu vực tư nhân tham gia tích cực hơn nữa vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo điều kiện và động lực cho họ nỗ lực sáng tạo, tiếp thu công nghệ với tinh thần doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển.
“Các đồng chí phải làm việc với tinh thần khởi nghiệp, phục vụ doanh nghiệp”, Thủ tướng yêu cầu và nhắc lại định hướng xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ; cho rằng phải đổi mới cả cách làm quy hoạch, xây dựng chiến lược theo hướng thị trường, “nếu cứ làm theo tư duy kế hoạch hóa thì sẽ thất bại”.
Thủ tướng khẳng định bên cạnh phát triển kinh tế, phải kiên quyết bảo vệ môi trường, bao gồm môi trường tự nhiên và xã hội, môi trường cạnh tranh, đặc biệt là môi trường sống của người dân.
Đối với các doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương, Thủ tướng mong muốn phải đi bằng đôi chân của mình để ra biển lớn - môi trường cạnh tranh quốc tế. Đó cũng là nhiệm vụ của Bộ Công Thương trong việc giúp doanh nghiệp ra biển lớn, Thủ tướng nhấn mạnh./.
Bình luận