Hãy tự “chất vấn” bản thân trước

Bạn vắt óc, quên ăn quên ngủ để tìm tòi và phát hiện ra một ý tưởng - đối với bạn ý tưởng đó là độc đáo, tuyệt vời -nhưng chưa chắc người khác cũng nghĩ giống như bạn. Do đó, trước khi trình bày với sếp, bạn hãy tự “chất vấn” bản thân đầu tiên.

Một ý tưởng hay là chưa đủ mànó còn phải thật sự phù hợp với điều kiện, môi trường làm việc của các bạn. Giống như nhà tuyển dụng đưa ra các câu hỏi phỏng vấn để tìm hiểu về bạn trước khi tuyển dụng, chắc chắn sếp cũng sẽ chất vấn bạn về các ý tưởng sáng tạo nhằm đảm bảo tính khả thi. Để có thể thuyết phục sếp, bạn cần chuẩn bị trước để trả lời các câu hỏi như Ý tưởng cần những yếu tố nào để thành công? Liệu có đủ nguồn lực, kinh phí, nhân sự…để thực hiện? Ý tưởng có những rủi ro gì? Nếu thất bại thìtập thể và bản thân bạn chịu tổn thất thế nào? Nếu bạn có thể trả lời các câu hỏi trên mà không thấy đắn đo về tính khả thi của ý tưởng thì hãy mạnh dạn đề xuất lên cấp trên.

Tìm kiếm “đồng minh” đáng tin cậy

Có thể trong công việc, bạn xuất sắc hơn nhiều đồng nghiệp nhưng nên nhớ “nhiều cái đầu vẫn tốt hơn một cái đầu”. Bởi đôi khi một mình bạn nhận định sẽ không tránh khỏi phiến diện, thiếu tính khách quan và nhiều “lỗ hổng” nguy hiểm. Nếu có thể thì bạn nên chia sẻ ý tưởng với người khác để nhận được nhiều lời góp ý hữu ích và cái nhìn bao quát hơn.

Lưu ý, hãy chọn nói với những đồng nghiệp bạn thực sự tin cậy, đề phòng trường hợp bị “cướp công”. Điều này cũng giúp bạn tìm kiếm sự ủng hộ từ các "đồng minh” tin tưởng để tăng thêm sự thuyết phục với sếp.

Tham khảo các trường hợp tương tự

Những bài học từ những người đi trước luôn có giá trị nếu bạn biết học hỏi từ đó. Khi có một ý tưởng, hãy tìm hiểu xem có ai khác đã làm điều tương tự. Hãy chủ động tham khảo thông qua các kênh tin tức trực tuyến, hội nhóm, sách báo…

Ví dụ bạn muốn đề xuất mở chi nhánh bán hàng ở một khu vực hoàn toàn xa lạ, thì có thể tìm hiểu, tham khảo các trường hợp thành công và thất bại từ các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, thậm chí là từ các đối thủ cạnh tranh. Từ đó, bạn sẽ rút tỉa kinh nghiệm để hoàn thiện ý tưởng của mình.

Chọn thời điểm phù hợp

Thời điểm luôn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công. Quá sớm thì sẽ rất khó thực hiện, quá trễ thì sẽ chẳng mang lại nhiều hiệu quả. Do đó, bạn cần xem xét tính khả thi trong hiện tại và tương lai.

Thêm nữa, bạn cũng nên chọn đúng lúc để bày tỏ với cấp trên. Chẳng hạn nếu bạn chọn nói khi sếp đang căng thẳng tâm lý, hoặc đang dồn sự tập trung cho chuyện khác, thì khả năng bị “bỏ ngoài tai” là rất cao. Một cuộc họp nhóm, hoặc cuộc trao đổi riêng tư sẽ là lựa chọn phù hợp.

Hiểu về sếp

Thật khó để thuyết phục một người mà họ ít quan tâm, hoặc không thực sự am tường về một lĩnh vực mà bạn đề cập. Do đó giữa rất nhiều ý tưởng tốt thì bạn nên chọn lọc một lĩnh vực thực sự “hấp dẫn” với cấp trên. Điều này sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội thành công, và sếp cũng dễ hỗ trợ hơn.

Ví dụ nếu sếp của bạn đang quan tâm đến đào tạo nhân sự, thì bạn hãy đưa ra các ý tưởng hỗ trợ bồi dưỡng chuyên môn tập thể hơn là các vấn đề về cải thiện sản phẩm.

Chuẩn bị kỹ phần thuyết trình

Bạn có một ý tưởng tốt, những con số “biết nói” đầy thuyết phục nhưng cách thể hiện kém thì khả năng thất bại sẽ cao. Nếu trình bày phù hợp với tính cách và “kiểu” làm việc của sếp, thì sẽ tăng sự khả năng được duyệt lên nhiều lần.

Ví dụ, nếu xuất thân của sếp là một kỹ sư thì một bản thuyết trình đầy đủ các số liệu sẽ thích hợp hơn. Nhưng nếu sếp là người có thiên hướng về hình ảnh, bạn có thể sử dụng các loại biểu đồ và những minh họa sống động. Cách thức phù hợp sẽ giúp ý tưởng của bạn đến gần sếp nhất có thể.

Soạn sẵn các câu hỏi tình huống

Cuối cùng, bạn hãy chuẩn bị sẵn tinh thần đối diện với áp lực và các câu hỏi tình huống từ sếp. Bởi cấp trên sẽ luôn có các thắc mắc, đưa ra nhiều giả định về tương lai, tính khả thi của ý tưởng. Gợi ý rằng bạn hãy đóng vai sếp để nhìn nhận vấn đề theo cách khắt khe nhất.

Tuy nhiên, bạn cũng không nên thất vọng vì bị từ chối. Bởi bạn hoàn toàn có thể thử lại vào dịp khác, hoặc thử chuyển sang ý tưởng phù hợp hơn. Dù trong hoàn cảnh nào, hãy luôn giữ sự sáng tạo để phát triển bản thân và thăng tiến trên con đường sự nghiệp.