Làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản
Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Từ năm 1992, Nhật Bản nối lại viện trợ phát triển giúp nước ta. Các cuộc thăm chính thức Việt Nam của các đại diện Hoàng gia và lãnh đạo Chính phủ Nhật Bản, và các cuộc thăm Nhật Bản của các nhà lãnh đạo cao nhất của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội nước ta từ năm 1993 đến nay đánh dấu những bước phát triển quan trọng trong quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Nhật Bản: Năm 2002 lãnh đạo hai nước nhất trí xây dựng quan hệ theo phương châm Ðối tác tin cậy, ổn định lâu dài; năm 2004 ký Tuyên bố chung Vươn tới tầm cao mới của quan hệ đối tác bền vững; năm 2006 ký Tuyên bố chung Hướng tới đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á; năm 2007 ký Tuyên bố chung Làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Nhật Bản và Chương trình hợp tác hướng tới quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản; năm 2008 ký Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA). Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh tháng 4/2009, hai bên đã ký Tuyên bố chung Phát triển quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á…
Nhật Bản khẳng định chính sách coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực và mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, ủng hộ tích cực công cuộc đổi mới của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu. Nhật Bản cũng coi trọng thúc đẩy hợp tác với ASEAN trong đó có Việt Nam trong khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Ðông Á (EAS).
Về phía Việt Nam, Nhà nước khẳng định chính sách nhất quán luôn coi quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Nhật Bản là ưu tiên hàng đầu; đánh giá cao vai trò của Nhật Bản tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giới doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Hai bên đã tạo dựng cơ chế đối thoại ở nhiều cấp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế quan trọng, trong đó có Liên hợp quốc.
Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã có những bước tiến lớn, vô cùng ý nghĩa. Hai nước chưa bao giờ gần gũi, thân thiết, tin cậy như ngày nay. Quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” đã được nhất trí thiết lập nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang vào tháng 3/2014. Mối quan hệ sâu rộng này không chỉ được thông qua từ ngữ mà nó được triển khai một cách thực chất trong suốt thời gian qua trên mọi lĩnh vực từ chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục... đều có những bước phát triển đáng kể. Đây cũng là điều nổi bật nhất.
Hợp tác toàn diện Việt - Nhật vừa đi vào chiều sâu thực chất, hiệu quả, vừa mở ra những lĩnh vực rất mới với nhiều tiềm năng, như hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp đã bước đầu thu được những kết quả tốt đẹp.
Hợp tác giữa các địa phương hai nước cũng đang nở rộ. Chỉ trong năm 2014, Việt Nam đã đón nhiều vị Thống đốc với các phái đoàn lớn tới thăm Việt Nam, như Thống đốc Kanagawa, Thống đốc Akita, Saitama, Ehime… và đặc biệt, ngài Hashimoto, Thống đốc tỉnh Ibaraki dẫn đầu một phái đoàn hơn 100 thành viên đến thăm Việt Nam và thúc đẩy hợp tác nông nghiệp với nhiều địa phương Việt Nam. Lãnh đạo nhiều tỉnh thành, Việt Nam cũng đã sang thăm Nhật Bản.
Việc khánh thành ba dự án lớn do Nhật Bản hỗ trợ cùng lúc đầu năm 2015 tại Hà Nội (Nhà ga T2 sân bay Nội Bài, cầu Nhật Tân, còn có tên là “Cầu Hữu nghị Việt – Nhật” bắc qua sông Hồng... mang ý nghĩa biểu tượng to lớn cho mối quan hệ hợp tác Việt- Nhật. Trong thời gian tới, một số dự án lớn cũng sẽ được hoàn thành, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng thực chất hơn. Hợp tác trong giao lưu văn hóa, giao lưu con người cũng phát triển và trở thành những hoạt động thường xuyên.
Với những nỗ lực của mỗi cá nhân người Việt Nam, mỗi người Nhật Bản, quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp vì lợi ích của mỗi nước, góp phần vào hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Năm 2014, Nhật Bản là bạn hàng thương mại lớn thứ tư của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 27,612 tỷ USD; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 14,704 tỷ USD, nhập khẩu đạt 12,908 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai chiều sáu tháng đầu năm 2015 đạt 13,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 6,67 tỷ USD và nhập khẩu đạt 7,25 tỷ USD.
Nhật Bản cũng là nước tài trợ nguồn vốn ODA lớn nhất của Việt Nam. Hai bên đã thoả thuận chương trình viện trợ lâu dài của Nhật Bản cho Việt Nam nhằm vào 5 lĩnh vực chính là: phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thể chế; xây dựng và cải tạo các công trình giao thông và điện lực; phát triển nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển giáo dục đào tạo và y tế; bảo vệ môi trường.
Hiện nay, khoảng 35.000 thực tập sinh Việt Nam đang thực tập nâng cao tay nghề tại Nhật Bản trong các lĩnh vực. Số lượng thực tập sinh Việt Nam không ngừng gia tăng trong những năm gần đây. Hai bên đã ký biên bản ghi nhớ về việc Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý của Việt Nam.
Số lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam tăng đều trong những năm qua. Năm 2014, lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam đạt 647.956 lượt, đứng thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc); khách du lịch Việt Nam sang Nhật Bản đạt 120.000 lượt khách.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong 3 ngày sẽ tiếp tục thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa hai nước./.
Bình luận