SÁNG KIẾN XÂY DỰNG MÃ SỐ UBIN

Năm 2016, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã tán thành sáng kiến thúc đẩy hoạt động KSKD trong khu vực, theo đó thông qua Ủy ban Điều phối về doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (ACCMSME), các nước ASEAN đã xây dựng Chương trình công tác về Khởi sự kinh doanh (Chương trình) hướng tới nghiên cứu cải cách quy trình KSKD trong khu vực theo hướng đơn giản hóa quy trình và thủ tục ĐKKD tại các quốc gia thành viên. Chương trình hướng tới các mục tiêu: (i) Tăng cường minh bạch và cải thiện định hướng triển khai thủ tục hành chính; (ii) Xây dựng mối quan hệ phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan Chính phủ tham gia vào các quá trình KSKD, bao gồm các cơ quan tham gia cơ chế một cửa/liên thông về ĐKKD; (iii) Thúc đẩy đơn giản hóa, hợp lý hóa thủ tục ĐKKD và nâng cấp hệ thống ĐKKD quốc gia; (iv) Tăng cường hợp tác trong khu vực ASEAN, bao gồm: xây dựng các nguyên tắc, hệ thống đăng ký, quy trình đăng ký doanh nghiệp trong ASEAN và tiêu chuẩn đo lường, đánh giá quy định về đăng ký doanh nghiệp.

Ba nội dung đầu tiên của Chương trình nhằm thiết lập các quy trình, thủ tục đăng ký và cấp phép kinh doanh hiệu quả ở cấp quốc gia, bao gồm: ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và sử dụng mã số UBIN. Việc áp dụng một mã định danh doanh nghiệp thống nhất trong khu vực ASEAN được OECD công nhận là một trong những trụ cột trong các thông lệ tốt về ĐKKD (Zoe Dayan và Winona Rei Bolislis, 2017). Chương trình công tác của ASEAN về khởi sự kinh doanh nhận định rằng, việc có hệ thống cấp mã số UBIN hoạt động hiệu quả trong khu vực có thể giúp hợp lý hóa các thủ tục thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ cơ quan nhà nước trong hoạt động cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp và tạo điều kiện giao tiếp, phối hợp và chia sẻ dữ liệu hiệu quả hơn giữa các cơ quan liên quan trong khu vực, hỗ trợ thương mại xuyên biên giới giữa các quốc gia thành viên ASEAN.

Năm 2021, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 53, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã thông qua “Lộ trình Bandar Seri Begawan: Chương trình nghị sự về chuyển đổi số trong khu vực ASEAN nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế và hội nhập kinh tế số của ASEAN” (BSBR). BSBR đề cập các giải pháp ngắn hạn, mà ASEAN có thể thực hiện để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số đang diễn ra trong khu vực, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực. Một trong những biện pháp nhằm nhằm thúc đẩy thương mại và chuyển đổi số đã được xác định là “xây dựng mã số định danh doanh nghiệp duy nhất trên toàn ASEAN - UBIN”.

ĐỊNH HƯỚNG SỬ DỤNG MÃ SỐ UBIN TRONG KHU VỰC ASEAN

Mã số UBIN dự kiến được cấp cho doanh nghiệp để định danh một thực thể doanh nghiệp, giúp phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác trong ASEAN. Các cá nhân, tổ chức, cơ quan trong ASEAN có thể xác định doanh nghiệp và theo dõi chính xác các doanh nghiệp thông qua mã định danh này. Mã số UBIN dùng để định danh doanh nghiệp thường được cấp bởi các cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm đăng ký và quản lý doanh nghiệp. Mã định danh doanh nghiệp thường được cấp tại thời điểm đăng ký và thành lập doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho việc định danh doanh nghiệp trong các giao dịch kinh doanh, thương mại và các thủ tục pháp lý, giúp xác định thông tin chính xác, đầy đủ và đáng tin cậy về chủ thể trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Từ mã số định danh này, cá nhân và tổ chức cần tra cứu thông tin về doanh nghiệp có thể tiếp cận được với các thông tin, như: loại hình pháp lý của doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động, địa chỉ trụ sở, thông tin về giám đốc, thông tin về giấy phép hoạt động trong các lĩnh vực chuyên ngành… Những thông tin này có thể được sử dụng để tăng cường tính minh bạch của môi trường kinh doanh, cung cấp cho các bên liên quan phục vụ mục đích tìm hiểu, xác thực danh tính của đối tác, bạn hàng, giảm rủi ro trong kinh doanh, thương mại; tăng cường tính tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp; cải thiện việc cung cấp dịch vụ công… Thông thường mã định danh doanh nghiệp do cơ quan ĐKKD cấp cho doanh nghiệp và được sử dụng trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những trường hợp doanh nghiệp được cấp mã định danh khác ngoài mã số do cơ quan ĐKKD cấp, ví dụ như: mã số thuế để phục vụ hoạt động quản lý thuế, mã số bảo hiểm xã hội, mã số do cơ quan quản lý chuyên ngành cấp…

Tại Việt Nam, kể từ năm 2010, doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp khi đăng ký thành lập được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số doanh nghiệp được dùng để thực hiện nghĩa vụ về thuế, thủ tục hành chính và quyền, nghĩa vụ khác. Cơ quan quản lý nhà nước thống nhất sử dụng mã số doanh nghiệp để thực hiện công tác quản lý nhà nước và trao đổi thông tin về doanh nghiệp. Cấu trúc mã số doanh nghiệp hiện nay gồm 10 ký tự và mã số 13 ký tự được cấp cho các đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp.

Để triển khai sáng kiến xây dựng và áp dụng mã số UBIN nêu trên, Nhóm công tác về Khởi sự kinh doanh ASEAN đã triển khai Dự án đánh giá hiện trạng công tác ĐKKD tại các quốc gia thành viên và khả năng áp dụng mô hình mã số UBIN. Dự án này nhằm hỗ trợ ASEAN và các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) hiểu sâu hơn về tình hình hiện tại đối với các quy trình, thủ tục đăng ký và cấp phép kinh doanh, từ đó, xác định các hành động và chiến lược phù hợp trong tương lai nhằm đạt được các kết quả đã đưa ra trong Chương trình công tác. Đây là bước đầu tiên nhằm tìm hiểu khả năng xây dựng mã số UBIN áp dụng trong khu vực, trên cơ sở đó, thúc đẩy thương mại số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp trong khu vực.

Do sáng kiến hợp tác khu vực có tính kỹ thuật cao và phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, sáng kiến này sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, nhằm mục đích: (i) Tìm hiểu sâu về hiện trạng của các quy trình và thủ tục đăng ký và cấp phép kinh doanh trong AMS; (ii) Thúc đẩy phối hợp liên thông giữa các cơ quan và đặt nền tảng cho hợp tác khu vực (thông qua mở rộng, tăng cường các trường hợp áp dụng mã số UBIN trên thực tế); (iii) Thiết lập mối quan hệ phối hợp, hợp tác khu vực trước khi triển khai thí điểm áp dụng mã số UBIN trong khu vực.

Bên cạnh đó, Nhóm công tác ASEAN đề xuất xây dựng một cổng thông tin chung có kết nối đến trang thông tin điện tử của tất cả các thành viên ASEAN, đồng thời, gắn thêm mã UBIN cho các doanh nghiệp đã đăng ký thành lập theo một quy tắc chung. Để hạn chế xáo trộn, các doanh nghiệp vẫn giữ mã số doanh nghiệp đã được cấp bởi cơ quan ĐKKD trong nước, mã UBIN dự kiến được xây dựng bằng cách bổ sung thêm một số tiền tố, ví dụ: thêm mã quốc gia (gồm 3 ký tự) và mã loại hình tổ chức kinh tế (2 ký tự) vào trước mã số doanh nghiệp hoặc mã số đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp hiện có và bổ sung thêm hậu tố (gồm 2 ký tự dự phòng) vào sau mã số doanh nghiệp/mã đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp hiện có.

THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN KHI ÁP DỤNG MÃ SỐ UBIN

Thuận lợi

Theo Báo cáo đánh giá của Nhóm công tác ASEAN, việc triển khai áp dụng mã số UBIN sẽ mang lại lợi ích trong một số trường hợp cụ thể như sau:

Tra cứu thông tin doanh nghiệp: Các quốc gia có thể cung cấp thông tin của bất kỳ doanh nghiệp nào trong trong khu vực ASEAN (thay vì giới hạn chỉ có thông tin doanh nghiệp đăng ký tại nước mình). Người dân, doanh nghiệp có nhu cầu có thể tra cứu thông tin của các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN. Hiện nay, cá nhân, tổ chức có nhu cầu tra cứu thông tin doanh nghiệp trong khu vực ASEAN cần truy cập trang thông tin điện tử của các cơ quan ĐKKD khác nhau để tìm thông tin về doanh nghiệp, một số trang thông tin chỉ cung cấp ngôn ngữ địa phương, không có thông tin bằng tiếng Anh. Điều này cũng phần nào gây khó khăn cho người tìm kiếm thông tin. Việc sử dụng mã định danh UBIN ASEAN và tra cứu thông tin trong cổng thông tin về doanh nghiệp chung của ASEAN sẽ tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tìm kiếm, tổng hợp thông tin về doanh nghiệp theo ngôn ngữ và giao diện điện tử mà họ đã quen thuộc.

Trao đổi dữ liệu, chia sẻ dữ liệu doanh nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức trong ASEAN: Việc tăng cường phối hợp, trao đổi, chia sẻ dữ liệu doanh nghiệp giữa các quốc gia ASEAN là cần thiết, phù hợp với bối cảnh chung phát triển kinh tế số, Chính phủ số. Việc chia sẻ dữ liệu giữa các quốc gia sẽ giúp tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước (ví dụ: tham chiếu thông tin khi xử lý các thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp trong khu vực), cũng như tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân (ví dụ: tăng cường khả năng tìm kiếm, tra cứu thông tin về bạn hàng, đối tác trong khu vực).

Định danh số, xác thực thông tin điện tử của doanh nghiệp trong khu vực: có thể thực hiện được với mã định danh của doanh nghiệp được các quốc gia cấp trên cơ sở cơ chế phối hợp, trao đổi, công nhận thông tin được chia sẻ theo thỏa thuận chung. Đồng thời, xác thực, định danh doanh nghiệp khi tham gia nền tảng kết nối, tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong ASEAN (ASEAN Access Match platform); định danh điện tử cho doanh nghiệp; công bố các sự kiện, tình hình của doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xuyên biên giới, thúc đẩy thanh toán điện tử xuyên quốc gia, hoạt động thương mại xuyên biên giới…

Đơn giản hóa thủ tục hành chính công: Đối với khu vực công, Nhóm công tác ASEAN và các chuyên gia cho rằng, các cơ quan nhà nước có thể đơn giản hóa thủ tục mua sắm công hoặc xét duyệt tài trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp khi kiểm tra hồ sơ, thông tin định danh của doanh nghiệp nếu có mã UBIN ASEAN; đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp khi tận dụng thông tin doanh nghiệp đã được lưu trữ tại các quốc gia thành viên, để đơn giản hóa thủ tục xét duyệt đăng ký thành lập chi nhánh tại nước ngoài…

Khó khăn

Mặc dù việc áp dụng mã số UBIN có một số lợi ích và mang lại thuận lợi như đã nêu, có thể lường trước một số khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh như sau:

Về khung pháp lý: Các quốc gia thành viên ASEAN phải tham gia xây dựng khung pháp lý về áp dụng mã UBIN và phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định chung của ASEAN về quy trình, thủ tục cấp đăng ký doanh nghiệp; kết nối, chia sẻ thông tin; cấp mã định danh doanh nghiệp; cam kết về an toàn, an ninh bảo mật thông tin… Việc tuân theo các quy chuẩn chung của khu vực có thể ảnh hưởng đến việc xây dựng và áp dụng các quy định pháp lý liên quan của các quốc gia thành viên (ví dụ: Dự thảo Báo cáo đánh giá đề xuất các biểu mẫu giấy tờ trong đăng ký doanh nghiệp cần được chuẩn hóa theo quy định chung; việc quy định thông tin nào của doanh nghiệp được cung cấp miễn phí hoặc có thu phí…).

Theo thực tế của Việt Nam, cần phải sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhiều lĩnh vực, như: Luật Doanh nghiệp, Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, các văn bản pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thi hành, để đảm bảo việc sử dụng song song 2 mã số (mã số doanh nghiệp hiện nay và mã số UBIN). Khi kết nối, nhận dữ liệu chia sẻ từ các quốc gia, Việt Nam cũng gia tăng trách nhiệm về việc phải đảm bảo an toàn, an ninh bảo mật thông tin được các nước bạn chia sẻ. Việc áp dụng mã số UBIN trong những trường hợp này cần phải sửa đổi quy định pháp luật của mỗi quốc gia trong lĩnh vực mua sắm, đấu thầu; xét duyệt ưu đãi hỗ trợ; cấp ĐKKD hoặc cấp phép đăng ký hoạt động..., nên khó có tính khả thi.

Về hệ thống công nghệ thông tin: Việc áp dụng mã số UBIN đòi hỏi phải có những thay đổi về mặt hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật chung; điều chỉnh ứng dụng phần mềm để đáp ứng việc cấp mã định danh UBIN theo quy định mới, kết nối chia sẻ dữ liệu với các quốc gia thành viên.

Về mặt tài chính: Việc thay đổi hệ thống công nghệ thông tin như nêu trên sẽ phát sinh các vấn đề chi phí nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa ứng dụng phần mềm, do đó phát sinh vấn đề tài chính.

Do đó, trong các giai đoạn triển khai tiếp theo của Chương trình công tác về Khởi sự kinh doanh của ASEAN, các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, cần tiếp tục trao đổi, thảo luận để đưa ra được lộ trình và phương hướng triển khai mã số UBIN phù hợp nhất với bối cảnh của từng quốc gia./.

Đỗ Thu Hà - Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 32, tháng 11/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Association of Southeast Asian Nations, Benchmarking Guidelines on Unique Business Identification Number in ASEAN.

2. Bandar Seri Begawan Roadmap: An ASEAN Digital Transformation Agenda to Accelerate ASEAN’s Economic Recovery and Digital Economy Integration.

3. Zoe Dayan và Winona Rei Bolislis (2017), Các trụ cột đăng ký kinh doanh: Thông lệ quản lý tốt cho ASEAN, OECD, Tài liệu làm việc về Chính sách Quy định 9, OECD Publishing.­­