Cụ thể, 10 địa phương được xếp loại tốt, là: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hà Nội, Kiên Giang, Long An, Phú Thọ, Sơn La, Tiền Giang.

Bên cạnh đó, có 9 địa phương bị xếp vào nhóm “cần rút kinh nghiệm” gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Đắk Lắk, Gia Lai, Hải Dương, Kon Tum, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Thái Bình.

42 địa phương triển khai công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản đạt yêu cầu. Đà Nẵng là tỉnh duy nhất trong cả nước mà Bộ không nhận được hồ sơ tự chấm điểm nên chưa đánh giá xếp hạng.

Việc đánh giá các địa phương được dựa trên bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, xếp hạng công tác quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản gồm: Việc chỉ đạo, điều hành công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm; tuyên truyền, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; tăng cường năng lực công tác quản lý an toàn thực phẩm; xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.

Hồ sơ kết quả tự đánh giá chấm điểm triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm năm 2015 của các địa phương sẽ gửi và xét đề nghị của Hội đồng thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổ chức thẩm định kết quả tự đánh giá, chấm điểm sẽ được thành lập theo đề xuất của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD).

Căn cứ biên bản thẩm định của hội đồng thẩm định, NAFIQAD tổng hợp, trình Bộ trưởng xem xét, phê duyệt kết quả xếp hạng.

Đây là lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đánh giá, xếp hạng các địa phương về triển khai công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm nông, lâm, thủy sản.