Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về tiêu chuẩn phân tầng; khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học; quy trình, thủ tục phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học. Như vậy, từ ngày 25/10/2015, các cơ sở giáo dục Việt Nam sẽ được phân loại theo 3 tầng và 5 hạng.

3 tầng

Nghị định nêu rõ việc phân tầng cơ sở giáo dục đại học là sự sắp xếp thành các nhóm các cơ sở giáo dục đại học theo mục tiêu, định hướng đào tạo. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học được phân thành 3 tầng, theo 3 định hướng gồm: nghiên cứu, ứng dụng và thực hành.

Đồng thời, Nghị định quy định, phân tầng cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo chu kỳ 10 năm.

Việc phân tầng cơ sở giáo dục đại học nhằm phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp với yêu cầu cơ cấu nguồn nhân lực trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; là căn cứ để các trường xác định mục tiêu đào tạo trung hạn và dài hạn, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học phù hợp; là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước xây dựng cơ chế chính sách và thực hiện quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục đại học.

5 hạng

Tất cả các cơ sở trong mỗi tầng, tùy theo chất lượng, được sắp xếp vào 3 hạng của khung xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp: hạng 1, 2, 3.

Khung xếp hạng được xác định theo điểm với cơ cấu như sau: hạng 1 bao gồm 30% cơ sở có điểm cao nhất; hạng 2 bao gồm 40% cơ sở không thuộc hạng 1 và 3; hạng 3 bao gồm 30% cơ sở có điểm thấp nhất.

Nghị định quy định rõ các tiêu chuẩn xếp hạng gồm: quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo, cơ cấu các hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ, chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hướng dẫn cách tính điểm cho mỗi chỉ số của các tiêu chí theo tiêu chuẩn xếp hạng. Việc xếp hạng sẽ được thực hiện theo chu kỳ 2 năm.

Xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, nhằm công khai minh bạch chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học; đánh giá năng lực, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học một cách khách quan, làm cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế đặt hàng, đầu tư phù hợp; tạo sự cạnh tranh lành mạnh, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong toàn hệ thống./.