Lĩnh vực trồng trọt đang tăng trưởng chậm lại
Trồng trọt hiện có chiếm tỷ trọng lớn trong ngành nông nghiệp của Việt Nam (72% giá trị tổng sản lượng nông nghiệp, nếu chỉ tính nông nghiệp bao gồm trồng trọt và chăn nuôi, chiếm 52% nếu tính cả nông, lâm, thủy sản”. Tuy nhiên, những năm gần đây tăng trưởng của lĩnh vực này có xu hướng chậm lại. Năm 2011, giá trị của lĩnh vực trồng trọt tăng 4,2%, năm 2012 giảm 2,7%, nhưng đến năm 2013 chỉ còn 2,3%.
“Chính vì tăng trưởng của khối trồng trọt chậm lại đã làm giảm tăng trưởng chung của khối nông-lâm-thuỷ sản. Trong khi đó, một số địa phương hiện nay đã đạt ngưỡng tăng trưởng, nhất là khi diện tích canh tác, diện tích đất gieo trồng không tăng”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Chia sẻ về một trong những khó khăn trong việc thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Phạm Văn Đồng chỉ rõ: “nhiều địa phương, đơn vị, doanh nghiệp chưa xây dựng đề án, kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp nói chung hoặc các sản phẩm chủ lực của từng địa phương, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tổ chức triển khai còn chậm, chưa quyết liệt, nên chưa có nhiều thực tiễn trong sản xuất.
Đề cập đến giải pháp, ông Đồng cho rằng: “các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục xây dựng hoàn thiện các đề án, lựa chọn sản phẩm có lợi thế, có thị trường, tiến bộ kỹ thuật và khả năng cạnh tranh cao để nâng cao thu nhập ổn định cho nông dân, doanh nghiệp và bảo vệ môi trường…”
Hiện Cục Trồng trọt đã có Đề án tái cơ cấu một số sản phẩm chủ lực, trong đó tập trung vào các loại cây trồng là cà phê, điều và lúa gạo. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, giá xuất khẩu lúa gạo đạt bình quân 600USD/tấn nhóm gạo trắng, hạt dài và 800 USD/tấn nhóm gạo thơm, đặc sản.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, “hiện nay nông dân vẫn dựa vào thuốc bảo vệ thực vật là chính, trên thị trường thuốc bảo vệ thực vật rất sẵn, tình trạng lạm dụng thuốc còn phổ biến dẫn đến tăng chi phí sản xuất, gây ô nhiễm môi trường và dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Việt Nam có thể cắt giảm 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật, vì theo các chuyên gia, có đến 80% lượng thuốc phun chưa đúng đối tượng, cần hạn chế vì ra đất, môi trường rất nhiều. Bên cạnh đó, các biện pháp như sinh học, canh tác kỹ thuật… chưa được nhiều địa phương quan tâm đúng mức, ông Hồng nhận định.
Để giải quyết những khó khăn, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, tái cơ cấu là lối thoát cho ngành nông nghiệp. Vấn đề là phải thay đổi cách tiếp cận sản xuất để tự cung tự cấp và thay đổi cách tiếp cận chạy theo số lượng sang chất lượng sang nâng cao giá trị gia tăng một cách bền vững, hay nói đúng hơn là phải chạy theo thu nhập của người nông dân. Tuy nhiên, cách tiếp cận đúng chưa đủ, mà cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ từ Chính phủ và các bộ, ngành…/.
Bình luận