Lộ trình xây thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam
Thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam
Thông tư số 57/2021/TT-BTC quy định, chậm nhất đến hết ngày 31/12/2022, HNX thống nhất tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu theo quy định tại Luật Chứng khoán |
Trước thực tế nhu cầu huy động vốn của loại hình doanh nghiệp cổ phần, nhu cầu đầu tư tài chính của nhiều nhà đầu tư, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ngày càng tăng mạnh. Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong giai đoạn 2016-2020, tổng giá trị TPDN phát hành trên thị trường đạt trên 1.100 nghìn tỷ đồng, trong đó, năm 2020, tổng giá trị TPDN phát hành đạt 437.689 tỷ đồng, tăng 38,8% so với con số 315.441 tỷ đồng năm 2019. Giá trị trái phiếu phát hành theo hình thức riêng lẻ chiếm đa số, với 403.468 tỷ đồng, trong khi phát hành TPDN ra công chúng chỉ có 34.221 tỷ đồng cho cả năm 2020.
8 tháng đầu năm 2021, toàn thị trường vốn Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về quy mô, với 490 đợt phát hành TPDN trong nước thành công, tổng giá trị phát hành đạt 308.517 tỷ đồng, trong đó có 476 đợt phát hành riêng lẻ, tổng giá trị phát hành 296.933 tỷ đồng; 14 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11.584 tỷ đồng (chiếm hơn 3,7%); 3 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài tổng giá trị 1 tỷ USD.
Về mặt tích cực, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã giúp hàng trăm doanh nghiệp huy động vốn thành công, giảm bớt áp lực huy động và cung ứng vốn của hệ thống ngân hàng thương mại, qua đó giảm thiểu rủi ro về kỳ hạn của các ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường càng lớn càng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thực tế cho thấy, nhiều đợt phát hành TPDN riêng lẻ, các doanh nghiệp công bố gọi vốn với lãi suất cao, không có tài sản đảm bảo, giá trị phát hành vượt nhiều lần so với vốn chủ sở hữu…
TPDN có đặc thù là công cụ nợ do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Rủi ro lớn nhất đối với sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp là rủi ro thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến kỳ hạn, hay còn gọi là rủi ro tín dụng. Cho đến nay, các loại TPDN được phát hành tại Việt Nam đều chưa được xếp hạng tín nhiệm. Nhiều loại không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán; cá biệt có một số doanh nghiệp công bố huy động vốn với lãi suất cao, nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng. Tình trạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu, liên tục huy động thông qua chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành và tăng mức lãi suất để thu hút nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ trong giai đoạn gọi vốn, nhưng không có gì đảm bảo cho khả năng trả nợ gốc và lãi sau này đang là nỗi lo chung của nhà quản lý.
Cho đến nay, Việt Nam mới có 2 công ty định mức tín nhiệm được cấp phép thành lập, trong đó mới có 1 công ty (Fiinrating) chính thức cung cấp dịch vụ đánh giá tín nhiệm cho doanh nghiệp. Fiinrating mới đi vào hoạt động, nên đại đa số các đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp là không có bên thứ ba thẩm định, cho ý kiến độc lập về phương án phát hành. Nhà đầu tư hoàn toàn dựa vào bảng công bố thông tin do tổ chức phát hành công bố để quyết định mua hay không mua trái phiếu. Đây là điểm yếu của thị trường TPDN Việt Nam so với nhiều thị trường quốc tế.
Một điểm hạn chế nữa là giao dịch TPCP trên thị trường thứ cấp chưa được tổ chức tập trung, có hệ thống, gây khó khăn và rủi ro cho nhà đầu tư khi có nhu cầu mua, hoặc bán TPDN. Thực tế này đặt ra yêu cầu Việt Nam cần sớm xây dựng một thị trường TPDN có tổ chức, được quản lý thống nhất để cải thiện minh bạch và công bằng cho các chủ thể tham gia thị trường, từng bước tạo sự chuẩn mực, chuyên nghiệp cho các loại hình doanh nghiệp được chủ động gọi vốn bằng công cụ trái phiếu.
Lộ trình xây thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam
Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực cùng với Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các nghị định liên quan đến thị trường trái phiếu đã tạo khung pháp lý thống nhất về TPDN, chuẩn hóa thị trường, tiệm cận với các thông lệ quốc tế. Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 thay thế Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, ngày 04/12/2018 của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và Nghị định số 81/2020/NĐ-CP, ngày 09/7/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, ngày 04/12/2018 là cơ sở pháp lý để thị trường TPDN được quản lý theo hướng chuyên nghiệp hóa, minh bạch, thực hiện mục tiêu phát triển đồng bộ các kênh cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Liên quan đến tái cấu trúc thị trường, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 57/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/7/2021 quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác. Theo đó, HNX thống nhất tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu theo quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cụ thể, HNX tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương; tổ chức thị trường giao dịch TPDN niêm yết; tổ chức thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ; tiếp nhận trái phiếu doanh nghiệp niêm yết từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và tiếp nhận hồ sơ đăng ký niêm yết trái phiếu mới.
Thông tư số 57/2021/TT-BTC quy định, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu chính quyền địa phương đã niêm yết trước ngày 20/7/2021 cho đến ngày đáo hạn; thực hiện chuyển TPDN niêm yết từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh sang HNX và không tiếp nhận hồ sơ đăng ký niêm yết trái phiếu mới.
Chậm nhất đến hết ngày 31/12/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh hoàn thành việc chuyển trái phiếu doanh nghiệp niêm yết từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh sang HNX. Chậm nhất đến hết ngày 31/12/2022, HNX thống nhất tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu theo quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tại HNX, tháng 8/2020, Sở đã ban hành Quy chế vận hành Chuyên trang thông tin TPDN. Chuyên trang được xây dựng để công bố thông tin về phát hành TPDN riêng lẻ và phục vụ nhu cầu thông tin cho các nhà đầu tư và thực hiện các nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin của các chủ thể liên quan theo quy định tại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP. Bên cạnh việc vận hành Chuyên trang thông tin này, phương án tổ chức giao dịch, hệ thống giao dịch thứ cấp TPDN cũng đang được HNX xây dựng, nhằm nâng cao tính minh bạch, công bằng cho thị trường. Đây cũng là ưu tiên của Chính phủ khi yêu cầu rà soát lại điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ theo nguyên tắc gắn với công bố thông tin, bổ sung quy định chỉ có nhà đầu tư chuyên nghiệp được phép đầu tư vào TPDN phát hành riêng lẻ; yêu cầu TPDN phát hành riêng lẻ phải thực hiện đăng ký, lưu ký tập trung.
Lãnh đạo HNX cho biết, được Bộ Tài chính phân công quản lý thị trường TPDN, HNX sẽ tập trung phát triển thị trường TPDN phát hành riêng lẻ với một số dự kiến cụ thể:
Thứ nhất, về chính sách, HNX sẽ phối hợp tham mưu với các cơ quan có thẩm quyền trong công tác xây dựng khung pháp lý liên quan đến các hoạt động: chào bán TPDN riêng lẻ, giao dịch TPDN riêng lẻ, công bố thông tin/báo cáo của các tổ chức phát hành, tư vấn, đăng ký lưu ký…, cũng như quy định về xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động nêu trên của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thứ hai, về sản phẩm, Sở đang tập trung nghiên cứu xây dựng thị trường giao dịch thứ cấp TPDN riêng lẻ tập trung, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế giúp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc huy động vốn. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, Sở cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực tài chính xanh và các hoạt động phát triển thị trường trái phiếu. Từ đó đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu xanh để phù hợp với xu thế phát triển bền vững.
Thứ ba, về giám sát thị trường, HNX sẽ nâng cao quản lý, giám sát việc thực hiện chế độ công bố thông tin và báo cáo đối với doanh nghiệp phát hành, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành và tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu theo quy định pháp luật. Phối hợp với các cơ quan quản lý thực hiện giám sát, thanh tra về hoạt động phát hành, hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, để tăng cường sự minh bạch và đảm bảo an toàn của thị trường.
Cùng với đó, HNX sẽ nỗ lực đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhà đầu tư về thị trường TPDN riêng lẻ. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản cảnh báo về thị trường TPDN riêng lẻ với nhiều tổ chức phát hành với lãi suất cao, không có tài sản đảm bảo, giá trị phát hành vượt nhiều lần so với vốn chủ sở hữu… Do đó Sở cũng sẽ phối hợp cảnh báo nhà đầu tư bằng cách công bố thông tin về tổ chức phát hành kịp thời, đúng quy định để nhà đầu tư có đánh giá, xem xét kỹ lưỡng về chất lượng của tổ chức phát hành trước khi đưa ra quyết định đầu tư…
Những nỗ lực trên là các bước đi cần thiết, giúp HNX định hình và thống nhất tổ chức thị trường giao dịch TPDN theo lộ trình chậm nhất đến ngày 31/12/2022 như kế hoạch được giao./.
Bình luận