TS. Cấn Văn Lực: Cần khắc phục một số hạn chế của thị trường trái phiếu Chính phủ
Sau 12 năm hoạt động của thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) chuyên biệt, theo ông, thị trường này có đóng góp gì cho sự phát triển của nền kinh tế?
Sau 12 năm phát triển, thị trường TPCP đã trở nên hoàn thiện, là một phần quan trọng của thị trường tài chính Việt Nam. Hành lang pháp lý đã được hoàn thiện tương đối đầy đủ, giúp thị trường hoạt động khá hiệu quả, đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), quy mô thị trường TPCP Việt Nam đến cuối tháng 6/2021 đạt khoảng 1,9 triệu tỷ đồng (khoảng 30% GDP chưa đánh giá lại hay 23% GDP đã đánh giá lại).
Theo TS.Cấn Văn Lực, tính minh bạch của thị trường TPCP có thể xem là tiêu chuẩn cho cả thị trường vốn Việt Nam |
Thị trường TPCP đã và đang trở thành một kênh huy động vốn cho ngân sách nhà nước để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục…, góp phần vào những thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua và sắp tới, với quy mô vốn phát hành ngày càng tăng (xem hình).
Nguồn: Asianbondsonline (ADB) |
Sự phát triển của thị trường TPCP còn đóng góp vào sự phát triển của thị trường vốn. Đây cũng là một kênh đầu tư, nhất là cho nhà đầu tư tổ chức với sản phẩm TPCP ngày càng đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhà đầu tư, dần hình thành các mã TPCP với quy mô lớn, góp phần tăng thanh khoản thị trường và tiến tới xây dựng đường cong lãi suất chuẩn, góp phần phát triển thị trường vốn và dần tạo tín hiệu về xu hướng lãi suất, về nền kinh tế suy thoái hay phục hồi...
Ông đánh giá như thế nào về chất lượng nhà đầu tư và chất lượng hàng hóa trên thị trường TPCP chuyên biệt?
Để tham gia vào thị trường TPCP, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đề ra những điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, công nghệ. Điều này đảm bảo những thành phần tham gia vào thị trường đều là những nhà đầu tư có chất lượng. Với những quy định pháp lý rõ ràng cùng cơ sở hạ tầng, danh mục sản phẩm ngày càng được hoàn thiện, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có chất lượng tham gia thị trường vốn Việt Nam. Cơ cấu nhà đầu tư sử hữu TPCP được cải thiện đúng mục tiêu đề ra tại Lộ trình phát triển thị trường TPCP đến năm 2020. Theo đó, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các tổ chức tín dụng (TCTD) từ 77% đầu năm 2016, xuống 44,8% vào cuối năm 2020 (theo Bộ Tài chính, ADB). Việc thu hút được những quỹ đầu tư chuyên nghiệp, tổ chức tài chính nước ngoài tham gia thị trường, đã làm gia tăng đáng kể chất lượng nhà đầu tư trên thị trường.
Các sản phẩm TPCP cũng đã trở nên đa dạng hơn. Trên thị trường sơ cấp, không chỉ có sản phẩm cơ bản là trái phiếu trả lãi định kỳ, mà đã có thêm các sản phẩm trái phiếu không trả lãi, trái phiếu có kỳ trả lãi dài. Trên thị trường thứ cấp, giao dịch hợp đồng mua lại (Repos) ngày càng phát triển, với sự xuất hiện của các sản phẩm mới như: vay trái phiếu, bán kết hợp mua lại, vay để bán… Về kỳ hạn, ngoài có trái phiếu ngắn hạn (như tín phiếu kho bạc với thời hạn từ 1 năm trở xuống), trái phiếu trung hạn (2, 3, 5 năm), còn có trái phiếu dài hạn (10, 15, 20, 30 năm) để các nhà đầu tư có thể chọn lựa. Trong đó, trái phiếu kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên đã chiếm đến 90% tổng khối lượng phát hành TPCP. Việc đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu đã hỗ trợ hài hòa dòng tiền, tạo đường cong lãi suất chuẩn và các mức lãi suất tham chiếu đầy đủ cho thị trường tài chính. Vào cuối tháng 6/2021, Hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm đã được HNX đưa vào giao dịch, qua đó tạo thêm sản phẩm cho các nhà đầu tư lựa chọn.
Vậy tính chuyên nghiệp và minh bạch của thị trường TPCP chuyên biệt đang ở mức nào, theo ông?
Tính minh bạch của thị trường TPCP có thể xem là tiêu chuẩn cho cả thị trường vốn Việt Nam. Các thông tin về phát hành, đấu thầu, hoạt động mua bán trên thị trường sơ và thứ cấp TPCP đều đã được HNX công khai, cập nhật kịp thời. Vì thế, có thể nói hoạt động của thị trường TPCP có tính công khai, minh bạch cao, tạo dựng được niềm tin đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tính chuyên nghiệp của thị trường TPCP cũng được cải thiện qua thời gian. HNX đã xây dựng được cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự có chất lượng, hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động giao dịch của nhà đầu tư. Các loại TPCP cũng đã có đầy đủ các kỳ hạn khác nhau, qua đó dần tạo ra đường cong lãi suất, làm tiêu chuẩn cho lãi suất của cả thị trường tài chính. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần cải tiến trong nghiệp vụ đấu thầu, mua lại, hoán đổi trái phiếu có lãi suất thả nổi và nghiệp vụ phát hành trái phiếu đảm bảo thanh khoản cho các nhà tạo lập thị trường, cũng như một số bất cập khác.
Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về một số bất cập?
Mặc dù thị trường TPCP chuyên biệt đã có sự phát triển mạnh mẽ trong 12 năm hoạt động, nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần quan tâm cải thiện. Cụ thể như sau:
(i) Quy mô thị trường TPCP vẫn còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Theo ADB, tính đến ngày 30/6/2021, mặc dù giá trị lưu hành TPCP chiếm 64% tổng khối lượng trái phiếu lưu hành trên thị trường, nhưng mới dừng lại ở mức 30% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực như: Trung Quốc (62,5%), Hàn Quốc (61,9%), Malaysia (66,5%), Singapore (74,4%), Thái Lan (64,6%)…
(ii) Cơ sở nhà đầu tư chưa đa dạng. Khối lượng lưu hành TPCP được nắm giữ chủ yếu bởi các tổ chức bảo hiểm và TCTD, chiếm lần lượt 57% và 42% tính đến ngày 30/6/2021. Số còn lại (khoảng 1%) do các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài… nắm giữ. Do vậy, phản ứng của ngành ngân hàng hay bảo hiểm trước những biến động ngắn hạn của thị trường có thể ảnh hưởng nhanh, mạnh đến khả năng huy động vốn qua phát hành TPCP.
(iii) Thị trường thứ cấp có một số chỉ tiêu chưa đạt được như kỳ vọng. Chẳng hạn, khối lượng giao dịch TPCP, TPCP bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương năm 2020 đạt 0,82% dư nợ trái phiếu niêm yết, chưa đạt mục tiêu 1% vào năm 2020 như đề ra trong Quyết định 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 về phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 (theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam và Bộ Tài chính). Theo ADB, thanh khoản thị trường thứ cấp trên thị trường TPCP Việt Nam ở mức trung bình trong khu vực, với Chỉ số quay vòng thanh khoản TPCP đạt 1,4 lần trong năm 2020, cao hơn Nhật Bản (1,1), Malaysia (1,3), Singapore (1,1); nhưng thấp hơn so với Trung Quốc (2,6), Ấn Độ (2,7), Thái Lan (2,2)…
(iv) Chênh lệch giữa thời điểm nhu cầu về vốn và thời điểm thuận lợi để huy động vốn. Điều này xuất phát từ việc giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước từ huy động TPCP không đều và thường tập trung vào cuối năm, trong khi thanh khoản của các nhà đầu tư (chủ yếu là các TCTD) tại thời điểm cuối năm thường bị hạn chế. Khi đó, thị trường thanh khoản thấp, lợi suất yêu cầu tăng gây bất lợi cho việc huy động vốn bằng TPCP.
Theo ông, đâu là những giải pháp chủ yếu cần triển khai để khắc phục những hạn chế trên?
Tôi cho rằng nên tập trung vào 6 điểm chính sau đây.
Một là, duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định: đây là yêu cầu cấp thiết đối với việc phát triển thị trường trái phiếu nói chung, TPCP nói riêng. Đơn cử, việc điều tiết chính sách tiền tệ nới lỏng thận trọng của Ngân hàng Nhà nước và lạm phát duy trì ở mức thấp hiện nay, sẽ làm giảm áp lực tăng lợi suất của TPCP.
Hai là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý: Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 – 2020 theo Quyết định 1191/QĐ-TTg hiện đã kết thúc, vấn đề đặt ra là lộ trình 2021-2030 sắp tới sẽ được xây dựng như thế nào, để hài hòa và thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn tại Việt Nam?
Ba là, tiếp tục đa dạng hóa các loại TPCP và đa dạng hóa cơ cấu nhà đầu tư: việc tạo thêm các sản phẩm TPCP sẽ làm tăng tính hấp dẫn cho thị trường, bởi phù hợp với nhiều khẩu vị rủi ro khác nhau, từ đó thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường hơn, đồng thời làm giảm bớt sự bị động khi lĩnh vực kinh doanh của các nhà đầu tư lớn bị ảnh hưởng.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh phát hành TPCP qua hình thức đấu thầu, hạn chế phương thức phát hành riêng lẻ hoặc bảo lãnh phát hành (chỉ áp dụng trong trường hợp đặc biệt). Đây là điểm mấu chốt để duy trì sự minh bạch và chuyên nghiệp cho thị trường TPCP trong dài hạn.
Năm là, áp dụng đồng bộ các giải pháp để TPCP trở thành đường cong lãi suất chuẩn cho các công cụ nợ khác tham chiếu, bằng cách: duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; mở rộng khối lượng phát hành và giao dịch; đa dạng hóa kỳ hạn phát hành; nâng cao tính minh bạch của thị trường, cũng như thành lập và phát triển các tổ chức định hạng tín nhiệm tại Việt Nam…
Cuối cùng, cần chú trọng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính nói chung và thị trường vốn, thị trường trái phiếu nói riêng, trong đó cần quan tâm xây dựng dữ liệu lớn, cập nhật, chính xác hơn, có thể chia sẻ và ứng dụng nền tảng chuỗi khối (blockchain) trong giao dịch, quản lý dữ liệu thị trường./.
Bình luận