Luật Bảo vệ môi trường nhằm cân bằng hệ sinh thái thiên nhiên, thúc đẩy sự phát triển bền vững
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân |
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, xin ông cho biết Luật đã đưa ra những quan điểm mới như thế nào trong hành động vì môi trường, phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học?
Luật Bảo vệ môi trường 2020 là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý môi trường với nhiều điểm đột phá, hướng đến mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Hay nói cách khác, yếu tố “thiên nhiên” là một trong những điểm nhấn quan trọng của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường đã quy định một cách thống nhất chế định “di sản thiên nhiên”. Nội dung này hết sức quan trọng, thể hiện quan điểm rõ ràng của Việt Nam đối với một trong những tài sản giá trị nhất của trái đất, ngôi nhà chung của tất cả chúng ta cũng như con cháu chúng ta. Nội dung này không chỉ thể chế hóa các cam kết quốc tế mà chúng ta đã ký kết, mà còn luật hóa thực tế hiện nay đang diễn ra mà thiếu một hành lang pháp lý rõ ràng, thống nhất.
Tiếp theo, có thể nói yếu tố “thiên nhiên” được quy định toàn diện trong các công cụ về quản lý môi trường, trong đó có thể kể đến là việc phân hóa rõ ràng 2 nhóm đối tượng: Tạo thuận lợi cho các hoạt động thân thiện với thiên nhiên, môi trường và tăng cường kiểm soát các hoạt động đầu tư, phát triển có khả năng ảnh hưởng tiêu cực tới thiên nhiên, đa dạng sinh học. Điều này thể hiện rõ trong các quy định về quy hoạch môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, phân vùng môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường…
Để Luật được thực thi trong đời sống thì Bộ Tài nguyên và Môi trường đang có dự thảo Nghị định chi tiết thi hành một số điều của Luật, xin ông cho biết những quan điểm mới trên được chế định như thế nào trong dự thảo?
Để Luật được thực thi trong đời sống, chúng tôi đang tích cực hoàn thiện dự thảo Nghị định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Dự thảo Nghị định hướng đến mục tiêu bảo vệ bằng được các khu vực quan trọng của thiên nhiên, xây dựng cơ chế huy động mọi nguồn lực, thành phần trong xã hội, huy động xã hội hóa, huy động cộng đồng tham gia toàn diện vào việc quản lý, sử dụng bền vững các di sản thiên nhiên từ lăng kính của nguồn vốn tự nhiên, khai thác giá trị của các dịch vụ hệ sinh thái. Phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương trong việc quản lý các di sản thiên nhiên theo địa bàn lãnh thổ, đồng thời làm rõ trách nhiệm quản lý của các cơ quan Trung ương.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng làm rõ yêu cầu về kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có nguy cơ tác động tiêu cực tới di sản thiên nhiên trong các quy định có liên quan, đặc biệt trong quy định về phân vùng môi trường, kiểm soát phát thải, quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn, bảo vệ và phục hồi môi trường sinh thái…
Với những định hướng như vậy, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật khi được thực thi sẽ có tác động tích cực để mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội cùng chung tay bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái, bảo đảm cuộc sống hài hòa với thiên nhiên để hướng tới một tương lai xanh bền vững.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Nghị định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường theo hướng mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội cần chung tay bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái
Chủ đề Ngày Môi trường thế giới (5/6) là “Phục hồi hệ sinh thái” có sự liên kết chặt chẽ với chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học (22/5) “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên”, xin ông cho biết ý nghĩa và thông điệp muốn truyền tải?
Đây chính là thời điểm đánh dấu sự khởi động của Liên Hợp Quốc về Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái (2021-2030), đồng thời cũng là thời hạn cuối cùng của các Mục tiêu Phát triển bền vững - mốc thời gian mà các nhà khoa học đã xác định là cơ hội cuối để ngăn chặn thảm họa do biến đổi khí hậu.
Chủ đề của Ngày Môi trường thế giới và Ngày quốc tế Đa dạng sinh học có sự liên kết chặt chẽ với nhau bởi chúng ta có thể thấy sự thống nhất của các chương trình toàn cầu về việc cần gióng lên hồi chuông báo động: Đã đến lúc, mỗi quốc gia cần đoàn kết, cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực hơn vì thiên nhiên và trái đất của chúng ta.
Những chủ đề trên đưa ra thông điệp về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Hơn lúc nào hết, con người cần chung tay để hạn chế, tiến tới ngăn chặn sự suy thoái của các hệ sinh thái. Chỉ với các hệ sinh thái lành mạnh, chúng ta mới có thể nâng cao sinh kế của người dân, chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự sụp đổ của đa dạng sinh học.
Tôi tin tưởng rằng, với sự thay đổi nhận thức, ý thức, hành vi của con người, ứng xử với thiên nhiên bằng sự nhân văn và trách nhiệm thực sự, chúng ta có thể hạn chế được tình trạng suy thoái của thiên nhiên. Nhân dịp này, tôi đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân phát huy đưa ra các sáng kiến, giải pháp và có các hành động cụ thể để phục hồi, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên của Việt Nam.
Mỗi người dân, nếu cùng chung tay hành động, vì sự phục hồi của các hệ sinh thái, chúng ta hoàn toàn có thể giảm bớt gánh nặng cho thiên nhiên như: Sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên trong sinh hoạt hằng ngày, tập thói quen từ chối, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa và đồ nhựa sử dụng một lần; sử dụng các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường; không tiêu thụ, buôn bán, khai thác trái phép các loài động, thực vật hoang dã; tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ môi trường khi đi du lịch, du lịch sinh thái; giáo dục ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học cho thế hệ trẻ.
Xin ông cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn, định hướng các cấp, ngành, địa phương như thế nào để hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp như hiện nay?
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, các tổ chức, cá nhân cần căn cứ vào tình hình thực tế tại các địa phương và điều kiện thực tế tại cơ sở của mình để triển khai các hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, trong đó có Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6), Ngày quốc tế Đa dạng sinh học (22/5). Các hoạt động phải bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch, đồng thời vừa bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế-xã hội.
Cụ thể, có thể tổ chức các hội thảo, tọa đàm theo hình thức trực tuyến như: Tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; giới thiệu các mô hình, giải pháp phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư theo Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan; Quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. Từng gia đình, người dân cần tập trung vệ sinh môi trường khu vực sinh sống, thu gom chất thải đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Các địa phương cần tập trung nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; đề nghị các địa phương tăng cường tổ chức thực hiện và giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh COVID-19 theo đúng quy định về quản lý chất thải; ưu tiên xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm cơ sở y tế và các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại địa phương để bảo đảm khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới cơ sở xử lý.
Đối với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế, phải tích cực phối hợp, hỗ trợ việc xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương khác theo phạm vi hoạt động đã được cấp phép nhưng vẫn phải bảo đảm công suất xử lý chất thải đã được cấp phép và công tác xử lý chất thải y tế tại địa phương mình./.
Bình luận