Luật Hỗ trợ DNNVV cần cụ thể hơn
Bất cập trong các chính sách hỗ trợ hiện hành
Phát biểu tại Hội thảo “Đề xuất các nội dung cơ bản cho Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa" do Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 4/11, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, từ trước đến nay, hầu hết các chính sách được Chính phủ ban hành thường ghi chung chung là hỗ trợ doanh nghiệp, chứ thực sự hướng vào khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp lớn luôn tiếp cận được vốn, còn các doanh nghiệp nhỏ thì bất lực.
Đặc biệt, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ DNNVV còn chưa lượng hóa được. Phần lớn mỗi bộ đều có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, song chưa bộ nào hỗ trợ DNNVV một cách toàn diện. Các DNNVV hiện nay chỉ nhận được một trong số những hỗ trợ đó. Nếu ta có thể bao quát được toàn bộ sự hỗ trợ thì sẽ đo đếm được. Từ đó sẽ tạo được sự đồng thuận của các đại biểu quốc hội trong việc tăng quỹ hỗ trợ cho các DNNVV.
Đồng tình với những nhận định của Thứ trưởng Đặng Huy Đông, TS. Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về pháp luật, Bộ Tư pháp nhận định, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của DNNVV, tuy nhiên, một số chính sách đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc, tạo rào cản cho sự phát triển.
Để chứng minh cho nhận định trên, ông Đạt cho biết, hiện nay có đến hơn 80% các chính sách/chương trình trợ giúp DNNVV không có đánh giá được kết quả. Đối với các chương trình nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới và năng cao năng lực công nghệ, sở hữu trí tuệ chưa có các tiêu chí đánh giá tác động của chính sách/chương trình đó đến sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp này. Nhiều chính sách mới chỉ dừng lại ở những quy định mang tính khuyến khích chung chung, chưa có những quy định ưu đãi rõ ràng, như: trợ giúp về mặt bằng sản xuất, hỗ trợ tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công.
Bên cạnh đó, khâu tổ chức thực hiện của một số chính sách còn gặp nhiều vướng mắc, như: chính sách ưu đãi thuế, chính sách hỗ trợ trong công nghiệp hỗ trợ. Mặc dù, Nghị định 56/2009/NĐ-CP đã quy định một số chính sách hỗ trợ DNNVV, nhưng lại bị điều chỉnh của các luật chuyên ngành, như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đấu thầu… dẫn đến chính sách này chỉ mới nằm trên các văn bản, chưa thể đi vào cuộc sống.
Thêm vào đó, một số chính sách hỗ trợ tuy đã có những kết quả triển khai nhất định, nhưng phạm vi và quy mô hỗ trợ còn nhỏ hẹp, như: chính sách về vườn ươm doanh nghiệp (cả nước có 08 vườn ươm doanh nghiệp và ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV (18 quỹ bảo lãnh địa phương với kết quả hoạt động hạn chế)... mới được thực hiện ở một số ít doanh nghiệp khu vực phía Bắc do nguồn lực còn hạn chế...
Đặc biệt, một số chính sách về hỗ trợ chưa chú ý đến đặc tính về quy mô nhỏ và cực nhỏ của phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam, chất lượng nội dung chưa cao, hình thức thực hiện chưa phù hợp với DNNVV như hỗ trợ về thông tin. Nội dung đào tạo trợ giúp nguồn nhân lực chưa chuyên sâu, bám sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, hình thức tổ chức khóa/lớp đào tạo chưa linh hoạt, do đó làm giảm sự quan tâm và tham gia của các doanh nghiệp.
Các ý kiến tại Hội thảo cũng đánh giá rằng, những chính sách, chương trình trợ giúp DNNVV hiện được thực hiện rời rạc, manh mún và dàn trải. Nhiều DNNVV phản ánh rằng, họ không biết hoặc không tiếp cận được với chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Một số cho rằng các chính sách và chương trình trợ giúp chưa thực sự đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, thủ tục tham gia phức tạp và không có hướng dẫn cụ thể.
Ngoài ra, mức độ triển khai chính sách trợ giúp DNNVV ở cấp địa phương còn hạn chế. Công tác nắm bắt nhu cầu và tình hình sản xuất kinh doanh của DNNVV còn yếu. Nhiều địa phương chưa chủ động xây dựng các chương trình, chính sách trợ giúp DNNVV trên địa bàn, hầu hết mới chỉ tham gia thực hiện các chương trình do các bộ, ngành chủ trì với mức độ khiêm tốn (xúc tiến thương mại, sở hữu trí tuệ, quản lý chất lượng..). Khoảng 30% số địa phương chưa phê duyệt và triển khai kế hoạch phát triển DNNVV của tỉnh, cũng như chưa có báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kịp thời tổng hợp và tháo gỡ các kiến nghị, khó khăn.
Luật Hỗ trợ DNNVV cần phải cụ thể
Để giải quyết các bất cập trên, TS. Trần Văn Đạt kiến nghị, cần nghiên cứu, cân nhắc để kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định số 56/2009/NĐ-CP. Đặc biệt, cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan đầu mối để thực hiện việc trợ giúp DNNVV và của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức hiệp hội trong công tác trợ giúp DNNVV.
Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV gồm 4 Chương và 30 Điều, quy định những mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc và các biện pháp hỗ trợ cơ bản đối với DNNVV, xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Trung ương và địa phương trong việc hỗ trợ DNNVV, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. |
Ông Đạt nhấn mạnh: “Ở nước ta hiện nay có khá nhiều cơ quan có chức năng liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhưng khi có vấn đề cần trợ giúp thì doanh nghiệp không biết tìm đầu mối nào và sẽ được trợ giúp theo phương thức nào. Vì vậy, cần quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan thực hiện việc hỗ trợ…”.
Bên cạnh đó, cần có các chính sách nhằm tăng cường liên kết trong kinh doanh, đặc biệt giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. Đồng thời, cần bổ sung các chính sách và sự hỗ trợ có tính chất đặc thù đối với khối DNNVV theo hướng ưu đãi hơn, tập trung vào những tiêu chí thiết thực như: thuế, tài chính, lao động...
Đặc biệt, cần quy định cơ chế, trách nhiệm giám sát, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các kế hoạch hỗ trợ DNNVV của các cơ quan nhà nước, từ đó đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, để các DNNVV được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, dự thảo luật cần bổ sung các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục để các DNNVV tham gia vào các chương trình hỗ trợ DNNVV.
Về phía đại diện địa phương, ông Lương Văn Long, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị, Luật cần phải xác định đối tượng doanh nghiệp nào sẽ được hỗ trợ, hay doanh nghiệp thuộc ngành nào sẽ nhận được ưu đãi, trong đó cần chú trọng hơn đến vai trò của doanh nghiệp lớn và hiệp hội trong việc hỗ trợ DNNVV nhằm phát triển các mối liên kết doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần bổ sung thêm nhiệm vụ của các sở Kế hoạch và Đầu tư là thu thập ý kiến, yêu cầu doanh nghiệp phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp nghiên cứu các hoàn cảnh thực tế của doanh nghiệp nhằm giải quyết và thúc đẩy từng ngành công nghiệp điển hình, phù hợp với đặc thù của địa phương...
Phát biểu kết thúc hội thảo,Thứ trưởng Đặng Huy Đông đánh giá cao những ý kiến các đại biểu và chỉ đạo ban soạn thảo Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV cần phải quy định cụ thể hơn, tránh những câu chung chung, đặc biệt về cơ quan quản lý nhà nước cần phải cụ thể là ngành gì, bộ gì và cục gì? Thứ trưởng đề nghị Cục Phát triển Doanh nghiệp cầnc chủ động nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hoàn thành Dự thảo luật./.
Bình luận