Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015, chưa đạt mục tiêu kế hoạch năm 2016 đặt ra là 10%.

Nhìn vào cơ cấu mặt hàng xuất khẩu năm 2016, có thể thấy nổi lên những điểm sáng, đó là: Điện thoại và linh kiện đạt 34,5 tỷ USD, tăng 14,4%; dệt may đạt 23,6 tỷ USD, tăng 3,3%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,5 tỷ USD, tăng 18,4%; giày dép đạt 12,9 tỷ USD, tăng 7,6%...

Bên cạnh đó, “điểm sáng” nổi bật của mặt hàng nông, lâm, thủy sản thuộc về nông sản, đặc biệt là trái cây. So với mục tiêu xuất khẩu 2,2 tỷ USD từ đầu năm 2016, các sản phẩm rau quả của Việt Nam đã mang về 2,4 tỷ USD, vượt 200 triệu USD.

Nhiều loại trái cây của Việt Nam đã chinh phục được những thị trường khó tính, như: Mỹ, Úc, Nhật Bản

Trung Quốc là thị trường lớn nhất nhập khẩu các loại rau và quả của Việt Nam, chiếm 70,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đứng sau Trung Quốc, các thị trường Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng đang tiêu thụ khá nhiều rau quả Việt Nam, chiếm khoảng trên 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Năm 2016 cũng là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu rau quả được ghi nhận vượt qua kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng gạo (tổng kim ngạch xuất khẩu gạo chỉ đạt 2,2 tỷ USD so với kế hoạch ban đầu là 2,9 tỷ USD).

Xuất khẩu rau quả tăng trưởng khả quan và trở thành động lực quan trọng để thu hút thêm các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp nói chung, trong đó là ngành hàng rau quả, đồng thời giúp nông dân tăng thêm thu nhập.

Hơn nữa, bên cạnh những thị trường truyền thống, ngành rau quả cũng đã tích cực phát triển mở rộng thị trường, đặc biệt là những thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao, như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zeland...

Những tín hiệu vui cho rau quả Việt Nam trong năm 2017 và những năm tới, là Australia đã hoàn thành báo cáo dự thảo đánh giá về quả thanh long tươi của Việt Nam đang có kế hoạch xuất khẩu vào thị trường này.

Ngoài ra, trái xoài tươi của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu vào Australia và bắt đầu từ ngày 19/09/2016, tấn xoài đầu tiên của Việt Nam chính thức có mặt tại thị trường Australia, mở ra nhiều cơ hội cho mặt hàng này.

Theo Bộ Công Thương, mặt hàng rau quả được nhận định còn nhiều tiềm năng phát triển, thậm chí có thể gia tăng kim ngạch xuất khẩu gấp 5-10 lần so với hiện tại.

Năm 2017, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu sẽ đạt 188 tỷ USD, tăng 6,9% so với kết quả thực hiện năm 2016.

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành Công Thương vào ngày 06/01/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tin tưởng, trong năm 2017, kim ngạch xuất - nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ kết quả của một số hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và đi vào thực thi, cơ hội tiếp nhận dòng đầu tư FDI dịch chuyển ra khỏi một số quốc gia trong khu vực, trong đó có Trung Quốc. Việc tham gia AEC và việc ký kết, triển khai các FTA mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra những thách thức rất lớn, nhất là việc phát triển thị trường, tăng khả năng cạnh tranh cả ở thị trường quốc tế và trong nước.

Trong năm 2017, theo đánh giá của Bộ Công Thương, những nhóm hàng đóng góp lớn nhất vào “bức tranh” xuất khẩu năm nay, đó là:

Điện thoại các loại và linh kiện được kỳ vọng đạt 39 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2016 - đứng đầu trong danh mục mặt hàng được dự báo có giá trị xuất khẩu cao nhất năm nay;

Điện tử, máy tính và linh kiện ước tính sẽ mang về 22 tỷ USD, tăng 19% so năm 2016;

Hàng dệt may dự kiến cũng sẽ mang về 25 tỷ USD, tăng 6% so năm 2016;

Giày dép sẽ góp sức trong “bức tranh” xuất khẩu năm nay với 14 tỷ USD hàng xuất khẩu, tăng 8% so năm 2016;

Thủy sản đạt 7,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2016;

Rau quả dự kiến đạt 3 tỷ USD, tăng 25%./.