MBS khuyến nghị mua cổ phiếu TVB, giá mục tiêu tăng 39%
Năm 2021, TVB ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội lợi nhuận chưa phân phối, tăng 1.275% so với thời điểm đầu năm, đạt hơn 243 tỷ đồng

Ngành chứng khoán còn tiềm năng tăng mạnh

MBS cho biết, năm 2021, các doanh nghiệp ngành chứng khoán ghi nhận mức doanh thu hoạt động cao kỷ lục với giá trị hơn 74,5 nghìn tỷ đồng, ROE và ROA toàn ngành lần lượt đạt 25,69% và 10,97%, cũng là mức cao nhất trong vòng 10 năm gần đây nhờ vào nhiều điều kiện thuận lợi từ thị trường như: mặt bằng lãi suất thấp taọ điều kiện cho dòng vốn thị trường chuyển dịch vào lĩnh vực chứng khoán, sự tham gia ngày càng nhiều của nhà đầu tư cá nhân… Đặc biệt, nếu Việt Nam hoàn thành triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới trong nửa đầu năm 2022, Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi của MSCI trong kỳ review tháng 6/2022 và có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 6/2023.

Dự báo về triển vọng ngành chứng khoán trong giai đoạn 2022-2023, MBS cho rằng, tiềm năng tăng trưởng sau khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ có tác động tích cực đến triển vọng lợi nhuận của ngành chứng khoán năm 2022 và các năm sau. Quy mô của thị trường gia tăng với sự tham gia ngày càng nhiều của NĐT cá nhân cùng sự tăng trưởng GDP đầu người và tăng trưởng của số lượng tài khoản chứng khoán active. Theo dự báo, số lượng tài khoản mở mới trong 3-5 năm tới sẽ giữ vững ở mức 60.000 - 80.000 tài khoản/tháng, đặc biệt với công nghệ eKYC. Thanh khoản thị trường kỳ vọng sẽ duy trì ở mức cao do NĐT chứng khoán tại Việt Nam có xu hướng giao dịch nhiều hơn so với các nước phát triển, đặc biệt trong bối cảnh từ 2022 dự kiến sẽ triển khai giao dịch lô lẻ, giao dịch trong ngày (T0) cũng như việc giảm tỷ lệ ký quỹ tiền mua chứng khoán sẽ được áp dụng trên hệ thống giao dịch chứng khoán mới của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE).

Dư nợ cho vay margin sẽ tiếp tục tăng, do thanh khoản cải thiện và tỷ lệ thâm nhập thị trường gia tăng. Quan trọng hơn, các CTCK đang đẩy mạnh tham gia vào thị trường tín dụng, mở rộng tín dụng cho các công ty dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp và/hoặc cho vay margin, với các điều khoản linh hoạt hơn so với tín dụng ngân hàng. So với cho vay margin truyền thống, các CTCK còn nhiều cơ hội để mở rộng các khoản vay kinh doanh cho doanh nghiệp trên quy mô rộng hơn nhiều. Với sự gia tăng nhanh chóng số lượng KH, các CTCK đang tích cực triển khai số hóa vận hành, sản phẩm và kênh bán hàng nhằm tăng biên lợi nhuận… Điều kiện thuận lợi từ thị trường cộng với nội lực cải thiện tại các công ty chứng khoán là hai yếu tố căn bản để dự báo, ngành chứng khoán còn tiềm năng tăng trưởng mạnh và bền vững trong 3 năm tới đây.

MBS khuyến nghị mua cổ phiếu TVB, giá mục tiêu tăng 39%
Tổng quan TTCK Việt Nam (báo cáo MBS)

MBS khuyến nghị mua cổ phiếu TVB, giá mục tiêu tăng 39%

Trong bức tranh chung về ngành chứng khoán, MBS đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu TVB của Công ty Chứng khoán Trí Việt, giá mục tiêu tăng 39%. Lý do, MBS cho biết, năm 2021, TVB đã có được kết quả kinh doanh vượt trội với sự thay đổi khá rõ rệt từ các mảng hoạt động trong năm vừa qua. Cụ thể, trong khi năm 2020 mảng hoạt động chiếm tỷ trọng lớn nhất là cho vay margin với 69 tỷ đồng chiếm 44% tỷ trọng doanh thu của TVB, kế đến là hoạt động nghiệp vụ môi giới với 33% tỷ trọng đạt hơn 52 tỷ đồng và hoạt động tự doanh chỉ hơn 26 tỷ đồng với 17% tỷ trọng thì bước sang năm 2021, tận dụng sự gia tăng mạnh mẽ từ thị trường chứng khoán, TVB đã đạt được mức doanh thu vượt trội ở hoạt động tự doanh với hơn 180 tỷ đồng tăng trưởng 584% so với nền thấp trong năm 2020 vươn lên chiếm tỷ trọng dẫn đầu với 42%, song song đó nghiệp vụ môi giới đồng thời cũng đem lại kết quả tốt với mức tăng trưởng 154% YoY đạt hơn 132 tỷ đồng trong năm.

Hiệu quả hoạt động của Chứng khoán Trí Việt

MBS khuyến nghị mua cổ phiếu TVB, giá mục tiêu tăng 39%
Năm 2021, TVB có kết quả kinh doanh vượt trội với sự thay đổi rõ rệt từ các mảng hoạt động cốt lõi

Các khoản cho vay của TVB trong năm gia tăng đáng dẫn đến sự tăng trưởng khá tốt trong doanh thu từ cho vay margin đạt hơn 106 tỷ đồng tăng trưởng 56% YoY. Theo đó, LNST ghi nhận hơn 301 tỷ đồng tăng trưởng hơn 317% YoY, biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng cải thiện mạnh mẽ do sự tăng trưởng đột biến đến từ doanh thu và việc kiểm soát chi phí ấn tượng. Cụ thể, nếu năm 2020 biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng trong năm lần lượt là 71,9% và 46,4% thì trong năm 2021 đã cải thiện vượt trội đạt lần lượt là 85,75% và 69,43%. Song song đó, tỷ suất sinh lợi đồng thời được cải thiện tốt với tỷ lệ ROE, ROA tăng trưởng từ nền 2020 lần lượt là 12,61% và 8,44% lên 30,56% và 21,8%.

Cũng theo MBS, năm 2021, TVB liên tục phát hành thêm cổ phiếu nhằm phục vụ cho các hoạt động kinh doanh trong xu thế tăng mạnh của thị trường bao gồm cho vay giao dịch ký quỹ, đầu tư kinh doanh chứng khoán và bổ sung vốn lưu động để thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán. Tại thời điểm cuối năm 2021, vốn điều lệ của TVB đạt 1.120 tỷ đồng tăng 105% so với thời điểm đầu năm 2021. Bên cạnh đó, với mức tăng trưởng tốt từ lợi nhuận trong năm, TVB đồng thời cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội của khoản mục lợi nhuận chưa phân phối đạt hơn 243 tỷ đồng, tức tăng trưởng 1.275% so với thời điểm đầu năm 2021.

Các khoản cho vay ký quỹ ghi nhận tăng trưởng dần đều trong 3 năm gần nhất, cụ thể trong 3 năm 2019, 2020 và 2021 lần lượt là 89%, 90% và 92% YoY. Phần lớn khoản mục này đến từ nghiệp vụ cho vay hoạt động ký quỹ, cụ thể khoản mục này ghi nhận trên 1.008 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2021. Bên cạnh đó, nhằm tạo thêm dư địa cho các hoạt động mới trong xu thế tăng trưởng chung của thị trường, TVB đã đẩy mạnh tăng trưởng vốn chủ sở hữu trong năm 2021 đạt hơn 1.370 tỷ đồng tăng trưởng 127% so với thời điểm cuối năm 2020.

Chia sẻ thông tin trao đổi từ Ban lãnh đạo TVB, Báo cáo của MBS đưa ra dự phóng, TVB sẽ chuyển dịch dần tỷ trọng từ phần lớn tự doanh sang cân bằng hơn với nguồn thu từ môi giới và ủy thác/quản lý tài sản/M&A, từ đó KQKD sẽ có sự ổn định mang tính cơ bản. “Chúng tôi định giá cổ phiếu TVB với giá mục tiêu 32.300 VND/CP dựa trên phương pháp so sánh P/B, P/E và chiết khấu thu nhập thặng dư (RI), với mức P/B và P/E forward dự kiến lần lượt là 1,7x và 7,9x. Hiện TVB đang giao dịch với mức PE thấp nhất trong 3 năm trở lại đây và thấp hơn so với trung bình ngành ở mức ~14x lần”, MBS viết.

Thông tin từ TVB cho biết, với kết quả kinh doanh vượt trội của năm 2021, Công ty dự kiến sẽ cổ tức ở mức 20%, bao gồm tiền mặt và cổ phiếu. Cùng với đó, TVB có kế hoạch chào bán 30% cổ phiếu cho đối tác nước ngoài.

Trước thềm Đại hội đồng cổ đông năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo chấp thuận tỷ lệ room trên sàn của TVB là 30%. Ban lãnh đạo TVB đã quyết định giữ lại một tỷ lệ đủ lớn room ngoại để sẵn sàng bán lớn khi Công ty tìm được đối tác ngoại xứng tầm. Hiện tại, Chứng khoán Trí Việt vẫn đang làm việc với các đối tác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan để triển khai việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Nếu thương vụ đàm phán sớm đi đến kết quả, Chứng khoán Trí Việt sẽ có bước thay đổi mạnh mẽ để bứt phá cạnh tranh trong TOP dẫn đầu.

Xem đầy đủ báo cáo tại đây:

Chủ tịch Tùng Trí Việt: Chủ tịch Tùng Trí Việt: "Tôi mong giá cổ phiếu và Công ty tăng trưởng bền vững"
Lãi lớn, Chứng khoán Trí Việt điều chỉnh lợi nhuận tăng 3 lần Lãi lớn, Chứng khoán Trí Việt điều chỉnh lợi nhuận tăng 3 lần
Chọn KPI khó cho Chứng khoán Trí Việt và tư duy khác biệt của doanh nhân Đỗ Đức Nam Chọn KPI khó cho Chứng khoán Trí Việt và tư duy khác biệt của doanh nhân Đỗ Đức Nam