Mẹo hay tránh ngay rau 'ngậm' hóa chất
Rau xanh là thực phẩm thiết yếu trong mỗi bữa ăn nhưng trước thực trạng thực phẩm bẩn bủa vây bữa cơm người Việt, chưa bao giờ công cuộc tìm rau sạch gian nan như hiện nay.
Thực tế, trong số gần 5.000 ca ngộ độc thực phẩm mỗi năm, phần lớn là do ăn phải rau, củ tồn dư lượng hóa chất vượt mức cho phép, chủ yếu là thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng. Trường hợp nhẹ sẽ gây ngộ độc thực phẩm, nặng có thể ảnh hưởng đến hô hấp, gây đột biến và phát sinh ung thư.
Do đó việc nhận biết rau ngậm hóa chất bằng cảm quan hết sức quan trọng, đóng vai trò như "màng lọc" trước khi đưa thực phẩm vào bữa ăn.
Nguyên tắc chung, nên ăn rau đúng vụ, không mua rau dập nát, rau dính bụi nhỏ li ti, rau phổng phao và đậm màu hơn bình thường, rau quá mướt. Nếu tồn dư lượng thuốc trừ sâu lớn, khi luộc lên rau vẫn có mùi lạ thì nên bỏ.
Khi rửa rau, nếu thấy nổi nhiều bong bóng, rau có thể nhiễm nước rửa bát hoặc chất tẩy rửa.
Rau muống
Không nên chọn rau muống có lá và thân to bất thường
Đây là loại rau dễ bị nhiễm hóa chất nhất. Khi chọn rau muống, không nên chọn rau vươn quá dài, cọng quá to, bẻ thấy giòn, lá xanh sẫm, thay vào đó chọn rau ngọn nhỏ, lá dẻo, khi ngắt có nhựa loang giữa 2 phần thân.
Với rau muống ngấm hóa chất, nước luộc rau sau khi để nguội sẽ chuyển màu xanh đen, có mùi hắc. Rau ăn có vị chát.
Rau cải
Cải sạch (phải) rất khó tránh sâu và lá thường đậm màu hơn cải được bón nhiều đạm
Rau cải là món ăn ưa thích của nhiều loại sâu, nên nếu rau non mướt mắt, thân mập đều tăm tắp, không dấu vết sâu bệnh thì không nên mua.
Tương tự, nếu được bón nhiều đạm, rau cải luộc lên nước sẽ có màu xanh đen.
Các loại đậu
Đậu tự trồng quả ít khi thuôn dài đều tăm tắp và có vết sâu (phải)
Tất cả các loại đậu như cô- ve, đậu đũa... đều rất nhiều sâu. Để chọn được đậu sạch và không bị bón quá nhiều đạm, nên chọn quả vừa phải, không quá dài, nhiều lông tơ và không bóng láng, nhiều quả có vết sâu.
Dưa chuột
Dưa chuột sạch sần sùi và khó đều tăm tắp
Cùng với các loại đậu, dưa chuột (dưa leo) là một trong những loại rau "ngấm" nhiều hóa chất nhất, nhiều nông dân cách 3-4 ngày lại phun thuốc trừ sâu một lần, để quả đẹp, chỉ cần phun thuốc kích thích trước khi hái 1 ngày.
Vỏ dưa mỏng nên các hóa chất dễ ngấm qua vỏ, gây ngộ độc ngay cả khi đã gọt vỏ. Do đó để lựa dưa sạch, không nên chọn những quả thon đều, xanh đậm bắt mắt.
Giá đỗ
Giá đỗ sạch dễ phân biệt bằng mắt thường
Giá đỗ ủ bằng phương pháp truyền thống thường không mập, thân dài, rễ dài, thân rễ có rễ phụ mọc ra. Trái lại, loại giá thân trắng phau, mập, ít rễ là do được ủ thêm phân bón lá.
Mướp đắng
Mướp đắng sạch (phải) màu đậm và gai sù sì hơn
Chọn quả có kích thước vừa phải, mặt vỏ nhiều gân li ti, tránh quả to, xanh mượt, thân phình to, láng bóng.
Cà chua
Cà chua chín tự nhiên thường đều màu, ruột đỏ đều
Ngoài chuyện bị phun thuốc trừ sâu, cà chua có thể bị ngấm một lần hóa chất khác nữa là thuốc làm chín.
Để chọn cà chua chín tự nhiên, an toàn, tránh mua khi thấy quả lấm tấm đốm trắng do lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích còn đọng lại. Nên chọn quả chín đều, cuống còn tươi, dính chắc vào, khi nắn tay thấy hơi mềm, bổ cà chua hạt màu trắng vàng chứ không xanh, ruột chín đỏ.
Cà chua chín tự nhiên khi nấu sẽ có mùi thơm, mau nhừ hơn cà chua giấm thuốc.
Rau bí
Rau bí không hóa chất (phải) thường có màu đậm, lóng ngắn hơn rau bí phun kích thích
Để rau bí vươn dài bắt mắt, người trồng thường bón thật nhiều đạm và phun thuốc kích lá. Rau bí an toàn thường có khoảng cách giữa các đốt không quá xa, thân cứng, lá xanh đậm, dày, nhiều lông tơ. Ngược lại rau bí lá mềm, mỏng, màu xanh nhợt, khoảng cách các lóng dài không nên mua
Bình luận