Việt Nam liên tiếp nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật với số lượng ngày một gia tăng. Nếu như năm 2005, số lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu là 20.000 tấn, thì năm 2014 lên đến gần 50.000 tấn. Đặc biệt, những năm gần đây, lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu dao động từ 70.000-100.000 tấn mỗi năm. Theo chuyên gia, tất cả loại hóa chất bảo vệ thực vật đều có ảnh hưởng tới sức khỏe con người và đặc biệt nguy hại nếu sử dụng không đúng liều lượng, không đúng quy trình. Một trong những con đường chính tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng tới sức khoẻ con người là ăn các loại thực phẩm nhiễm độc từ các loại thuốc bảo vệ thực vật khi chúng đang có tồn dư thuốc, chưa đủ thời gian cách ly khi phun thuốc. Mức độ nguy hại của thuốc bảo vệ thực vật đáng báo động bởi những hậu quả về sức khỏe của con người, đặc biệt gây ra bệnh ung thư. Nguy cơ ung thư xuất hiện ngay trong quá trình trồng trọt và chế biến thực phẩm khi sử dụng quá nhiều các thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hoặc quá trình chế biến sử dụng hóa chất cấm, quá liều lượng các chất bảo quản, phẩm màu không an toàn…

Cùng với lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng sử dụng không đúng quy cách, chẳng hạn như vỏ thuốc bảo vệ thực vật sử dụng xong vứt bừa bãi đã tác động xấu đến môi trường, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật mang lại “sinh khí” cho nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật mang lại “sinh khí” cho nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Phúc (ảnh: Hồng Yến)

Trước thực tế trên, với quyết tâm thay đổi thói quen của nhiều nông dân sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vứt vỏ bao bì, chai lọ ngay tại đồng ruộng, năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc triển khai xây dựng 10 mô hình Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao và nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên. Để triển khai hiệu quả mô hình, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân các biện pháp thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật để vào đúng nơi quy định. Đồng thời, mở lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tránh gây ô nhiễm môi trường. Năm 2023, Hội Nông dân Tỉnh tiếp tục nhân rộng thêm 20 mô hình Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, toàn Tỉnh xây dựng được hơn 1.300 bồn thu gom ở 51 xã, phường, thị trấn. Bên cạnh triển khai hiệu quả mô hình Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật, các cấp Hội Nông dân trong Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn an toàn đồng ruộng; thay đổi thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nền nông nghiệp sạch, bền vững và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao (Hồng Yến, 2023).

Ở cấp độ cơ sở, mô hình Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật của Hội Nông dân xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc được triển khai, đi vào hoạt động từ tháng 10/2022. Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân thu gom bao bì vào bồn chứa theo quy định, Hội Nông dân Xã còn thường xuyên nhắc nhở, giám sát việc thực hiện mô hình, góp phần nâng cao ý thức, tạo thói quen tốt cho người dân. Nhờ vậy, mô hình đã phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân đối với việc bảo vệ môi trường xung quanh.

Tương tự, để triển khai hiệu quả mô hình Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật, Hội Nông dân huyện Vĩnh Tường đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến từ hội cơ sở và thống nhất chỉ đạo hội cơ sở báo cáo xin chủ trương Đảng ủy, đề nghị UBND xã, thị trấn hỗ trợ kinh phí lắp đặt; phối hợp với hợp tác xã môi trường, cán bộ nông nghiệp xã, thị trấn tiến hành khảo sát các tuyến đường nội đồng về địa điểm đặt bồn chứa, thống nhất lựa chọn mẫu bồn chứa phù hợp, có tính ứng dụng cao. Sau khi lấy ý kiến, Hội Nông dân huyện đã thống nhất lựa chọn mẫu bồn hình ống cống, nhỏ gọn, đường kính từ 70cm - 90cm, giá thành khoảng 1,2 triệu đồng/bồn, dễ vận chuyển, khi không dùng có thể chuyển đến vị trí khác. Đồng thời, tính toán đặt các bồn thu gom ở những vị trí phù hợp, thuận lợi đường giao thông, xa nguồn nước, xa khu dân cư, phân bố hợp lý, thuận lợi cho bà con nông dân khi sử dụng thuốc và thu gom vỏ thuốc mà không ảnh hưởng tới môi trường khu vực lân cận. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến nay, huyện Vĩnh Tường có 27/27 Hội Nông dân xã, thị trấn lắp đặt bồn chứa, với tổng số 850 bồn; trong đó, một số xã có số lượng lớn như: Thượng Trưng 67 bồn, Bình Dương 68 bồn, Phú Đa 59 bồn…Theo đánh giá của các cấp Hội Nông dân huyện, từ khi có các bồn chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, bà con nông dân đã dần bỏ thói quen vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại bờ ruộng, bờ mương, ý thức bảo vệ môi trường của hội viên, nông dân đã thay đổi tích cực… (Hồng Yến, 2023).

Mô hình Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật được triển khai thành công ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo thay đổi lớn trong nhận thức và hành động của nông dân, qua đó không chỉ góp phần quan trọng bảo vệ môi trường canh tác, cũng như môi trường sống, mà còn tạo điểm nhấn cho nỗ lực xây dựng nông thôn mới./.