Mở đợt cao điểm kiểm tra nhằm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam
Thông báo nêu rõ, việc Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “Thẻ vàng” đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu, gián tiếp tác động đến đời sống, sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển; đặc biệt ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của quốc gia trên trường quốc tế. Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về IUU đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tổ chức triển khai các giải pháp chống khai thác IUU với quan điểm nhất quán về nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Trong các cuộc tiếp xúc cấp cao của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội với các bên luôn khẳng định quyết tâm chính trị, nỗ lực của Việt Nam trong ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU, phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu mở đợt cao điểm kiểm tra nhằm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam |
Phó Thủ tướng đánh giá cao sự cố gắng của các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong thời gian qua và đã được phía EC ghi nhận. Thời gian qua, công tác chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” đã đạt được một số kết quả như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thủy sản, về chống khai thác IUU được xây dựng đầy đủ, đồng bộ; công tác quản lý đội tàu có tiến bộ, phân bổ theo hạn ngạch, đã giảm dần số lượng tàu cá; việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá đạt tỷ lệ cao; công tác tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển trọng điểm đã được tăng cường, ngăn chặn, xử lý kịp thời nhiều vụ việc tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác bước đầu đạt được kết quả tích cực...
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục trong tổ chức triển khai thực hiện, cụ thể: việc cấp Giấy phép khai thác thủy sản chưa hoàn thành (vẫn còn 3,3% số lượng tàu từ 15 mét trở lên, 53,4% số lượng tàu từ 6 đến dưới 15 mét chưa được cấp phép); tốc độ lắp đặt thiết bị VMS trong năm vừa qua rất chậm (mới tăng được 5,01%); thực thi pháp luật, điều tra, xử phạt các hành vi khai thác IUU chưa triệt để, thống nhất, đồng bộ; bố trí nguồn lực (nhân lực, kinh phí, trang thiết bị) tại địa phương để thực hiện chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp.
Để giải quyết các tồn tại, hạn chế trên nhằm sớm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng", đồng thời để đảm bảo chuẩn bị tốt cho việc tiếp, làm việc với Đoàn thanh tra của EC trong tháng 10/2022, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trước mắt, các giải pháp trọng tâm, lâu dài, mở đợt cao điểm kiểm tra.
Cụ thể, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trước ngày 20/10/2022 khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo, trong đó giao nhiệm vụ cho cấp cơ sở, các ngành, lực lượng chức năng có liên quan khẩn trương rà soát, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU tại địa phương; quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển; đảm bảo truy xuất được nguồn gốc; thực thi pháp luật, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về chống khai thác IUU.
Tổ chức các đoàn công tác do lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo đi kiểm tra trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; trong đó rà soát, xử lý dứt điểm các tồn tại về cấp Giấy phép khai thác thủy sản, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, lắp đặt thiết bị VMS, các vụ việc vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài… đảm bảo chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ theo dõi, kiểm soát, điều tra, xử lý từng vụ việc theo quy định.
Bộ Công an khẩn trương rà soát, củng cố các hồ sơ điều tra các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; đảm bảo an toàn, an ninh trước, trong và sau thời gian Đoàn thanh tra EC làm việc tại Việt Nam. |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các Đoàn công tác liên ngành (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) đi kiểm tra tại một số địa phương, đặc biệt là tại các tỉnh có tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, các tỉnh có nguy cơ cao Đoàn thanh tra của EC sẽ kiểm tra thực tế để đôn đốc, hướng dẫn các nội dung cần chuẩn bị để tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra của EC.
Khẩn trương xây dựng báo cáo tiến độ, kịch bản, kế hoạch để tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra của EC, đảm bảo giảm thiểu xảy ra các tình huống bị động ảnh hưởng đến kết quả làm việc với Đoàn thanh tra của EC.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng thực thi pháp luật trên biển (Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư) trong các tháng 9, 10/2022 tiếp tục mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển trọng điểm để ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quy định về chống khai thác IUU; đặc biệt kiên quyết, xử phạt nghiêm hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Chỉ đạo lực lượng biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định pháp luật; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm.
Các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương khẩn trương xây dựng và thực hiện chiến dịch thông tin truyền thông về chống khai thác IUU trước, trong và sau khi Đoàn thanh tra của EC sang kiểm tra thực tế tại Việt Nam, đảm bảo sự minh bạch, trung thực của Việt Nam trong chống khai thác IUU.
Người đứng đầu các ban, bộ, ngành Trung ương và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tập trung chỉ đạo quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có kết quả các chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư; các chỉ thị, công điện, kết luận của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU; thường xuyên kiểm tra, giám sát, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả; khẩn trương xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 1077/QĐ-TTg, ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ./.
Bình luận