Mô hình kinh tế tuần hoàn - chìa khóa giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển nhanh và bền vững
Đây là nhận định của bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo – Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội thảo “Kinh tế tuần hoàn: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam”. Hội thảo do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức chiều ngày 23/10, tại Hà Nội, nhằm tạo diễn đàn trao đổi và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trong việc triển khai các sáng kiến, các mô hình kinh doanh liên quan đến kinh tế tuần hoàn, hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Toàn cảnh buổi Hội thảo.
Lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó toàn bộ các hoạt động từ thiết kế, sản xuất đến cung cấp dịch vụ hướng tới tái sử dụng vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Kinh tế tuần hoàn đem lại 4 lợi ích cơ bản thông qua tận dụng tối đa các nguồn lực, bao gồm: tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội.
Đặc tính của kinh tế tuần hoàn là biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên của ngành kia, đồng thời, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Mô hình kinh tế tuần hoàn đưa một phần hoặc toàn bộ chất thải về vòng sản xuất cũ, cấu trúc lại và sử dụng lại, do đó, góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải cho đầu vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát triển kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành xu hướng của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển có ít tài nguyên, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới đang ngày càng cạn kiệt. Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trong tiến trình phát triển bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hoá thạch ngày càng cạn kiệt.
Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ tái chế. Vì vậy, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống. Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Kinh tế tuần hoàn phù hợp với tất cả các nền kinh tế
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, kinh tế tuần hoàn là mô hình mới, nhưng những lợi ích mà nó mang lại là không nhỏ và phù hợp với tất cả các nền kinh tế. Trong đó, ý thức bảo vệ môi trường đi liền với hành động thiết thực để bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của các hoạt động kinh tế.
“Kinh tế tuần hoàn chính là tương lai của doanh nghiệp và của hoạt động kinh doanh, đồng thời là chìa khóa giải quyết mâu thuần giữa phát triển nhanh và bền vững”, ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Lệ Thủy - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cũng cho rằng, mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp. Đứng ở góc độ rộng lớn hơn và vĩ mô hơn mô hình kinh tế tuần hoàn có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Với nguy cơ ô nhiễm ngày càng tăng và khối lượng rác thải ngày càng lớn, thì kinh tế tuần hoàn là mô hình hiệu quả mà chúng ta có thể sử dụng để giảm ô nhiễm môi trường, giảm tiêu thụ tài nguyên và hướng đến phát triển bền vững.
Theo bà Nguyễn Lệ Thủy, tại Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, để tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững trong thời gian tới, thì việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn là cần thiết. Qua đó, chúng ta có thể tiếp cận một mô hình tăng trưởng mới giúp cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam và giúp Việt Nam có thể thực hiện được 17 mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp quốc đặt ra đối với các quốc gia thành viên. Trong đó, kinh tế tuần hoàn gắn với Mục tiêu số 12 – Sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Đánh giá về phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, PGS, TS. Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng chung của toàn cầu và Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển. Kinh tế tuần hoàn sẽ khuyến khích và tạo cơ chế cho kinh tế tư nhân phát triển, đồng thời, trước cuộc cách mạng 4.0 cùng với những áp lực của thiếu hụt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, lượng chất thải lớn…, thì đây cũng là những cơ hội để phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo PGS, TS. Nguyễn Thế Chinh, phát triển kinh tế tuần hoàn cũng đặt ra những thách thức cho Việt Nam, do chúng ta chưa có hành lang pháp lý cũng như chưa có bộ tiêu chí để nhận diện đánh giá về kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, việc phát kinh tế tuần hoàn yêu cầu phải gắn với đổi mới công nghệ và đòi hỏi sự phối hợp chia sẻ, gắn kết các bên liên quan; đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi cũng như phải có sự phân loại, làm sạch chất thải trước khi đưa vào tái sử dụng, tái chế…
Thực hiện kinh tế tuần hoàn đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội
Trước những cơ hội và thách thức trên, PGS, TS. Nguyễn Thế Chinh đề xuất, cần có một hành lang pháp lý rõ ràng và triển khai nghiên cứu sâu rộng về phát triển kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, phát triển kinh tế tuần hoàn cần phải dựa trên các ngành, lĩnh vực và địa phương; tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường; tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, gắn với công nghệ cao và Cách mạng Công nghiệp 4. Ngoài ra, thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cần có lộ trình và ưu tiên và vấn đề trước mắt cần phải giải quyết ngay đó là phân loại rác tại nguồn.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, trong thời gian tới, các cơ quan hữu quan cần tập trung phối hợp nghiên cứu, đưa ra bộ chỉ số đo lường để giúp các đơn vị có cơ hội đong đếm mức độ thực hiện kinh tế tuần hoàn. Từ đó, có thể quy đổi ra những con số, tỷ lệ cụ thể để soi chiếu và biết mình đang ở cấp độ nào.
Còn đối với mỗi doanh nghiệp, cần tìm hiểu từng bước tự giác thực hiện kinh tế tuần hoàn, đó là hành động thực tế nhằm hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đề cao tính nhân văn...
Về phía doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn tại Công ty Heineken Việt Nam, bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty cho biết, để góp phần phòng, chống biến đổi khí hậu, Heineken đã chủ động thực hiện kinh tế tuần hoàn, từ đó tham gia bảo vệ môi trường và duy trì phát triển bền vững.
Mô hình kinh tế tuần hoàn tại Công ty Heineken được thực hiện thông qua việc tái tạo trong sản xuất; tái sử dụng trong khâu đóng gói, chẳng hạn như, vỏ chai có thể tái sử dụng hơn 20 lần và két đựng bia có thể tái sử dụng trong 10 năm…; hay tái sử dụng trong quản lý chất thải như bã bia có thể tái sử dụng để chế biến thức ăn gia súc….
“Việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đã đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội, nhất là những người dân ở địa phương nơi triển khai dự án. Năm 2019, Heineken gần như không còn chất thải chôn lấp vì 99% phụ phẩm, phế phẩm được tái chế sử dụng, đồng thời, tạo việc làm cho 212.000 lao động”, bà Lê Thị Ngọc Mỹ cho hay.
Bà Lê Thị Hồng Nhi, đại diện Công ty Unilever Việt Nam chia sẻ, trong kế hoạch phát triển bền vững của Unilever Việt Nam, doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững trong quản lý rác thải nhựa. Cụ thể, đến năm 2025, 100% các bao bì sản phẩm của công ty đều sử dụng vật liệu có thể tái sử dụng, tái chế hoặc tự phân hủy; cắt giảm 50% nhựa nguyên sinh; thu gom và xử lý hơn số lượng sản phẩm bán ra thị trường.
Theo đó, Unilever Việt Nam đã có rất nhiều sáng kiến trong quản lý rác thải nhựa, như: thiết kế lại bao bì để giảm nhựa, tái chế sử dụng nhựa tốt hơn, sử dụng vật liệu thay thế. Chẳng hạn như, bàn chảy răng P/S thay vì sử dụng vật liệu bằng nhựa, thì nay thay thế vật liệu bằng tre…/.
Bình luận