“Món quà của các nhà khoa học”, khẩn cấp giúp bệnh nhân Covid-19
GS. TS Tạ Ngọc Đôn |
Chứng kiến Lễ Công bố máy oxy dòng cao BKVM-HF1, GS. TS Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ Khoa học - công nghệ và môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, BKVM-HF1 là “món quà” của các nhà khoa học. Theo ông Đôn, đại dịch đã và đang diễn ra cực kỳ phức tạp, bệnh nhân cần hơn bao giờ hết các công cụ hỗ trợ trợ thở để trụ lại với cuộc sống. Máy oxy dòng cao BKVM-HF1 được làm từ sự nỗ lực đặc biệt của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group, với thiết kế gọn nhẹ, chất lượng tốt, sẽ là công cụ hữu dụng, cứu giúp bệnh nhân Covid-19 đi qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn Trường đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group tiếp tục nghiên cứu sản xuất quy mô lớn, hoàn thiện sản xuất hệ thống tích hợp làm giàu oxy không khí di động và đặc biệt là thiết bị xét nghiệm sàng lọc nhanh các biến thể virus SARS-CoV-2. |
GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam nhận định, việc chủ động sản xuất được máy oxy dòng cao là một bước tiến mà lẽ ra cần làm từ rất lâu rồi. “Trong thời dịch Covid, tỷ lệ bệnh nhân suy hô hấp mức độ vừa là khá cao. Việc tạo ra một thiết bị ứng dụng công nghệ oxy dòng cao với kỹ thuật đơn giản, rất dễ sử dụng, giá thành hợp lý, sẽ ứng dụng được với rất nhiều bệnh nhân. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh, đất nước phải huy động hết lực lượng cán bộ y tế, chỉ chuyên khoa không thì không đủ. Vì thế, loại máy có thao tác đơn giản lại sử dụng hiệu quả là vô cùng hữu ích”, GS.TS Gia Bình nói.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trước bối cảnh Đất nước gặp đại dịch, theo sự gợi ý của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà trường đã cùng với Công ty VMED Group lập nhóm nghiên cứu, làm việc miệt mài trong 14 ngày, sáng tạo ra máy oxy dòng cao BKVM-HF1. “Chúng tôi đặt tên sản phẩm là BKVM-HF1, với BK là “Bách khoa”; VM là VMED; HF1 là thông số kỹ thuật của sản phẩm đầu tiên. Sau sự khởi đầu này, chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp trí tuệ, nghiên cứu, sáng tạo ra HF2, HF3…, để góp sức giúp ngành y, giúp các bệnh nhân chiến thắng đại dịch Covid-19. Các dòng sản phẩm được sáng tạo bởi nhà khoa học Việt Nam, được sản xuất bởi doanh nghiệp Việt Nam trước hết phục vụ người dân Việt Nam, nhưng cũng mong sẽ đến ngày vươn đến các thị trường khác”, ông Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ.
Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục đóng góp trí tuệ, sáng tạo ra HF2, HF3…, góp sức chiến thắng đại dịch Covid-19 |
Chủ nhiệm dự án, PGS.TS Vũ Duy Hải Giám đốc Trung tâm Điện tử Y sinh - Trường đại học Bách khoa cho biết, sau khi sáng tạo và sản xuất những sản phẩm BKVM-HF1 đầu tiên tại Nhà máy của VMED (Hưng Yên), BKVM-HF1 đã được Hội đồng Y đức Bộ Y tế thẩm định, đánh giá và được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành vào ngày 17/6/2021. Ngay sau đó, ngày 18/6/2021, 10 chiếc máy đầu tiên đã được chuyển vào TP. HCM, hỗ trợ bệnh nhân vùng tâm dịch. “Chúng tôi rất vui mừng sau gần 1 tháng đi vào thực tế sử dụng, sản phẩm cho thấy hỗ trợ rất tích cực các bệnh nhân Covid-19. Đây là dòng sản phẩm hoàn thiện nhất, nghiên cứu sản xuất nhanh nhất và đưa vào ứng dụng cũng nhanh nhất trong số các sản phẩm mà Trường đại học Bách khoa đã làm, để hỗ trợ cộng đồng vượt qua đại dịch”, ông Duy Hải chia sẻ.
Phó tổng giám đốc VMED Group Ngô Thanh Sơn và Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Huỳnh Đăng Chính ký hợp tác, tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm hữu dụng |
Về phía doanh nghiệp, Phó tổng giám đốc VMED Group Ngô Thanh Sơn cho biết, dự án thành công là sự động viên rất lớn cho VMED khi Công ty được đóng góp kinh nghiệm, kiến thức tích lũy trong gần 20 năm làm việc trong ngành phục hồi sức khỏe, đặc biệt là trợ thở cho bệnh nhân. Những sản phẩm BKVM-HF1 đầu tiên được sản xuất tại Nhà máy của VMED đang và sẽ kịp thời điều trị cho các bệnh nhân bị mắc Covid-19. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện để sản phẩm hữu ích và thuận tiện hơn nữa cho bệnh nhân, cho các nhân sự ngành y”, ông Thanh Sơn khẳng định.
Dự án nghiên cứu sản xuất BKVM-HF1 là phi lợi nhuận. Chi phí sản xuất 30 máy trợ thở đầu tiên (1,5 tỷ đồng) được tài trợ bởi Công ty Petroseco - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam |
Trên thế giới, các máy trợ thở là công cụ hữu dụng, hỗ trợ nhiều quốc gia cứu giúp người bệnh Covid-19. 60-70% bệnh nhân có khả năng tự phục hồi được khi được sử dụng máy này mà không phải điều trị theo các phác đồ cao hơn. Tuy nhiên, do dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu nên việc nhập khẩu dòng sản phẩm này rất khó khăn, chưa kể chi phí lớn. Việc người Việt Nam chủ động sản xuất được máy trợ thở mở ra cơ hội và kỳ vọng, Việt Nam sẽ ngày càng chủ động hơn trong việc tạo ra các trang thiết bị y tế, hỗ trợ cộng đồng vượt qua đại dịch.
Lãnh đạo Bộ Y tế mong rằng, các doanh nghiệp, các “mạnh thường quân” cùng tham gia tài trợ kinh phí sản xuất dòng máy trợ thở để hỗ trợ người dân bị Covid-19 |
Ông Trịnh Đức Nam, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế cho biết, đại dịch chưa biết bao giờ kết thúc, đòi hỏi người Việt Nam phải chủ động trong việc sáng tạo ra các thiết bị phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh công tác phổ cập tiêm vắc - xin cho nhân dân, công tác chữa trị cho người dân bị nhiễm Covid-19 cũng cấp thiết không kém. Bộ Y tế mong rằng, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục nỗ lực sáng tạo ra sản phẩm, công cụ hỗ trợ công tác này. Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Y tế mong rằng, các doanh nghiệp, các “mạnh thường quân” cùng tham gia tài trợ kinh phí sản xuất dòng máy trợ thở và các thiết bị khác, để chung tay giúp Đất nước sớm chiến thắng đại dịch, giúp người dân được sống cuộc sống an lành./.
Bình luận