Kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm

"Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và 2023 (Chương trình) còn một số điểm tồn tại, hạn chế như: một số dự án luật hoặc đề nghị xây dựng luật chưa đảm bảo chất lượng, nên chưa được thông qua theo Chương trình hoặc chưa được bổ sung vào Chương trình… Những hạn chế này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do công tác tổ chức thực hiện chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm…", Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, khi trình bày Tờ trình Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra hôm nay (ngày 10/4).

Một số dự án luật chưa đảm bảo chất lượng…
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm…

Ông Long cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 đối với 13 dự án. Cụ thể, với Chương trình Kỳ họp thứ 5, bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp đối với 2 dự án, dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; trình Quốc hội cho ý kiến đối với 6 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Đường bộ....

Với Chương trình Kỳ họp thứ 6, bổ sung trình Quốc hội thông qua 6 dự án, cho ý kiến đối với 3 dự án. Chính phủ còn đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2024 gồm 14 dự án…

Liên quan đến nội dung chi tiết, ông cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chuẩn bị hồ sơ về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và khẩn trương nghiên cứu thuế toàn cầu. Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về các đề nghị xây dựng luật này và sẽ trình Chính phủ trong tháng 6/2023, cố gắng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023.

Trong một diễn biến có liên quan, mới đây, tại Hội nghị giao ban công tác tháng 3/2023 và triển khai nhiệm vụ tháng 4/2023, do Bộ Tài chính tổ chức, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các đơn vị chức năng tập trung vào công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, nghiên cứu về thuế tối thiểu toàn cầu…

Cần khắc phục việc chậm, muộn báo cáo

Trình bày tóm tắt thẩm tra về Chương trình năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi điều chỉnh, Chương trình năm 2023: tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023): thông qua 7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 9 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023: thông qua 9 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5; cho ý kiến 6 dự án luật.

Cũng theo ông Tùng, khối lượng công tác lập pháp cần hoàn thành trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 rất lớn, chưa kể còn có thể bổ sung các nhiệm vụ lập pháp mới theo yêu cầu tại các văn kiện của Đảng và để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, nhưng thời gian còn lại của nhiệm kỳ sau khi Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 cơ bản chỉ còn năm 2025. Do đó, đề nghị các cơ quan tiếp tục nỗ lực tối đa, tập trung chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án được giao chủ trì, đề xuất sáng kiến, giải pháp để Quốc hội có thể cơ bản hoàn thành Chương trình công tác lập pháp của nhiệm kỳ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Một số dự án luật chưa đảm bảo chất lượng…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, cần khắc phục việc chậm, muộn báo cáo, dẫn đến kéo lùi tiến độ xây dựng pháp luật, làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần nâng cao tính chủ động, phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật. Cũng cần chú trọng đến tính nối tiếp, “gối đầu” trong trình tự giải quyết công việc, tránh để kỳ họp quá nhiều hay quá ít dự án luật được thông qua.

"Cần khắc phục việc chậm, muộn báo cáo, dẫn đến kéo lùi tiến độ xây dựng pháp luật, làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, cần hạn chế việc ban hành các nghị quyết sửa đổi quy định của pháp luật. Tuy phải đảm bảo bám sát các vấn đề quan trọng, cấp bách, bức thiết, nhưng cũng phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật…", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần đánh giá chi tiết, rõ ràng việc thực hiện công tác xây dựng pháp luật, chỉ đưa vào luật những vấn đề đã “chín”, đã rõ, có cơ sở chính trị, được thực tế kiểm nghiệm, để từ đó đạt được sự đồng thuận trong xây dựng cũng như thi hành pháp luật…/.