Mỹ thúc giục các nước tiếp tục đàm phán về TPP
Bộ trưởng 12 nước tham gia đàm phán TPP tại Hawaii ngày 31/7
Trong một thông báo ngày 24/9, Đại diện Thương mại Mỹ cho biết, cuộc đàm phán tiếp theo giữa bộ trưởng thương mại của 12 nước tham gia TPP có thể sẽ diễn ra tại thành phố Atlanta (Mỹ) từ ngày 30/9-1/10 tới. Các nhà đàm phán Chile, Australia, New Zealand, Malaysia và Brunei sẽ gặp nhau trước, từ ngày 26-29/9.
Cuối tháng 7 vừa qua, sau 4 ngày đàm phán tại Hawaii, đàm phán cấp Bộ trưởng Thương mại về TPP chưa thể kết thúc vì còn ba nội dung quan trọng chưa đạt được đồng thuận.
Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới. |
Nội dung thứ nhất là mở cửa thị trường ôtô. Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận về ôtô nhưng Mexico và Canada chưa nhất trí với thỏa thuận này do trong đó cho phép Nhật Bản được hưởng quy tắc xuất xứ linh hoạt hơn quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Sau 20 năm thực hiện NAFTA, Mexico và Canada đã trở thành hai nước xuất khẩu lớn mặt hàng ôtô và phụ tùng ôtô vào Hoa Kỳ. Nếu ôtô Nhật Bản được hưởng quy tắc xuất xứ linh hoạt, tức là có thể sử dụng phụ tùng, linh kiện sản xuất ngoài TPP, thì Nhật Bản sẽ có sức cạnh tranh lớn hơn và sẽ có thêm thị phần trên thị trường Hoa Kỳ, ảnh hưởng tới Mexico và Canada. Trong khi đó, đối với Nhật Bản, mặt hàng ôtô lại có tầm quan trọng đặc biệt nên một khi đã phải đưa ra rất nhiều nhượng bộ về nông sản để đổi lấy việc mở cửa thị trường ôtô, họ sẽ không chấp nhận lùi bước.
Có thể nói đây là nguyên nhân cơ bản khiến Hội nghị Bộ trưởng các nước TPP tại Hawaii không thể kết thúc thành công.
Nội dung thứ hai là mở cửa thị trường sữa. Sữa là mặt hàng quan trọng đối với Australia và New Zealand. Tuy nhiên, bản chào của một số nước cho Australia và New Zealand vẫn còn quá khiêm tốn nên cả Australia và New Zealand đều chưa chấp nhận.
Nội dung thứ ba là sở hữu trí tuệ. Đàm phán sở hữu trí tuệ vẫn còn một số vấn đề chưa kết thúc nhưng nổi bật nhất là thời gian bảo hộ độc quyền dữ liệu thử nghiệm cho thuốc sinh học (sinh dược).
Do có đặc thù riêng nên sinh dược rất khó dùng bằng sáng chế để bảo hộ. Vì vậy, các nhà sản xuất sinh dược đề nghị kéo dài thời gian bảo hộ độc quyền dữ liệu thử nghiệm so với thông lệ chung là 5 năm. Hoa Kỳ đề nghị 12 năm nhưng tất cả các nước đều phản đối.
Một số vấn đề khác, trong đó có dệt may, cũng chưa đạt được đồng thuận nhưng do số lượng các nước liên quan ít hơn ba vấn đề kia nên không được truyền thông đề cập nhiều.
Hôm 16/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng bày tỏ lạc quan về khả năng hoàn tất đàm phán TPP trước cuối năm nay.
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama mong muốn thúc đẩy nhanh chóng ký được TPP để đưa qua Quốc hội phê chuẩn trước khi diễn ra cuộc bẩu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2016. Quốc hội Mỹ hiện nay đã đồng ý trao quyền đàm phán nhanh (TPA) cho Tổng thống Obama. Theo đó các Nghị sỹ Mỹ buộc phải cho biết ý kiến đồng ý hay không đồng ý về văn kiện Hiệp định TPP mà không được can thiệp sửa đổi nội dung. Để đạt được điều này, Nhà Trắng đã vấp phải sự phản đối quyết liệt trong chính nội bộ đảng Dân chủ./.
Bình luận