Năm 2016 dự kiến tăng hơn 10% mức lương tối thiểu
Lương mới đáp ứng khoảng 60% mức sống
Trong giai đoạn 2010-2015, Việt Nam đã 6 lần tăng lương tối thiểu vùng, mức tăng trung bình là từ 284.0000-424.000 đồng/tháng (tương ứng với khu vực IV đến I). Trong đó, mức tăng cao nhất là năm 2012 (tăng 570.000-650.000 đồng/tháng) (Bảng).
Tuy nhiên, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết, hiện nay lương mới chỉ đáp ứng được 60% mức sống tối thiểu của người lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2015, đã có 235 vụ ngưng việc của công nhân, mục đích chủ yếu là đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc, phản đối tăng ca.
Năm 2015, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng mỗi tháng, tức tăng bình quân 14,8% so với năm trước. Năm 2014, mức tăng cũng xấp xỉ 15% so với 2013. Như vậy, nếu lương tối thiểu vùng chỉ tăng như đề xuất của giới chủ sử dụng lao động (hơn 10%), đây sẽ là con số thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Theo lộ trình tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2015-2017 mà Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất với Hội đồng tiền lương quốc gia thì đến năm 2015, mức lương tối thiểu phải đáp ứng được 80% nhu cầu sống của vùng, tương tự năm 2016 đạt 90% và năm 2017 đạt 100%.
Về lộ trình này, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã cho biết: “do điều kiện kinh tế và khả năng ngân sách còn khó khăn nên phải đi từng bước, nên đã phải giãn lộ trình tăng lương và chưa đạt được lộ trình là tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu”.
Tăng lương sẽ dung hòa các bên
Đại diện cho phía sử dụng lao động, ông Lộc cho biết VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp đang trao đổi về mức tăng tiền lương tối thiểu. Theo đó kiến nghị ở mức trên 10% để bù được sự mất giá của đồng tiền, vừa phù hợp với nhịp độ tăng năng suất lao động hiện nay.
Ông Lộc phân tích: “Nếu tăng lương quá cao thì sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ mất đi, kéo theo người lao động mất công ăn việc làm, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm còn ngược lại, nếu mức tăng quá thấp, người lao động không thể sống được thì cũng sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động và sự phát triển. Trong khi đó, năm 2015 kinh tế đất nước đã khởi sắc hơn, nhưng năng suất lao động chưa tăng, nhiều doanh nghiệp vẫn hết sức khó khăn. Do đó mức tăng tiền lương tối thiểu vùng mà phía sử dụng lao động đề xuất sẽ vẫn chỉ ở mức hơn 10%, tương đương với năm 2015 chứ khó có thể tăng đột biến”.
Thực tế, các phương án tăng lương giữa đại diện chủ sử dụng lao động và người lao động luôn khác nhau. Năm nay, chỉ số CPI tăng thấp và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nên phương án của phía chủ sử dụng lao động đưa ra không cao là điều tất yếu.
Mặc dù lưu ý đến những khó khăn của doanh nghiệp trong năm 2016, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Phạm Minh Huân, người đồng thời là Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia nhấn mạnh, mức tăng lương sẽ vẫn phải đảm bảo tiến tới bù đắp để tiền lương đáp ứng được mức sống tối thiểu. Theo đó, mức tăng lương năm 2016 dự báo sẽ bằng với mức tăng của năm 2015.
Ông Huân nói: “Phía người lao động luôn muốn lương được tăng cao. Nhưng phía chủ sử dụng lao động cho rằng do chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng thấp, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn nên muốn tăng ở mức phù hợp. Bộ phải phân tích ý kiến và chọn ra một phương án dung hòa để các bên đều chấp nhận được".
Dự kiến vào tuần cuối cùng của tháng 7 này, Hội đồng Tiền lương Quốc gia (gồm đại diện 3 bên: phía Chính phủ là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đại diện cho phía sử dụng lao động là VCCI và đại diện cho người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) sẽ nhóm họp để bàn phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016, nhằm kịp thời trình Chính phủ vào tháng 10 tới.
Bên cạnh đó, hiện Hội đồng tiền lương Quốc gia cũng đang nghiên cứu xây dựng chuẩn mức sống tối thiểu. Đây sẽ là cơ sở để xác định mức lương bao nhiêu sẽ đảm bảo cuộc sống cho người lao động, cơ sở xác định chuẩn nghèo…/.
Bình luận