Năm 2016: GRDP của Thanh Hóa đạt 9,05%
Kết quả ấn tượng
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa, năm 2016, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 9,05%.
Sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục phát triển ổn định và đạt kết quả khá toàn diện. Giá trị sản xuất toàn Ngành ước đạt 25.968 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,72 triệu tấn, vượt 3,3% kế hoạch, trong đó sản lượng lúa ước đạt 1,49 triệu tấn, vượt 6,4% kế hoạch; năng suất lúa bình quân ước đạt 58,8 tạ/ha, tăng 1,4 tạ/ha.
Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 63.589 tỷ đồng, vượt 1,7% kế hoạch, tăng 9,9% so với cùng kỳ, trong đó một số sản phẩm tăng khá, như: clinker (gấp 2,6 lần), quần áo (tăng 44,5%), ô tô tải (34,3%), điện sản xuất (26,4%), giày thể thao (17,5%).
Một góc TP. Thanh Hóa |
Sản xuất tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp ước đạt 14.443 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ, đóng góp 22,7% giá trị sản xuất ngành công nghiệp.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 71.484 tỷ đồng, vượt 3,6% kế hoạch, tăng 16% so với cùng kỳ; giá cả hàng hóa, dịch vụ nhìn chung ổn định; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 2,05% so với cùng kỳ, dự kiến cả năm tăng dưới 3%.
Xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,737 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu chính ngạch ước đạt 1,554 tỷ USD, tăng 12,6%; một số mặt hàng xuất khẩu chính ngạch tăng cao, như: xi măng (tăng 43,6%), dưa chuột muối (63,7%), súc sản (34%), hàng may mặc (21,4%).
Hoạt động du lịch diễn ra sôi động. Các khu, điểm du lịch tiếp tục được quan tâm đầu tư, giới thiệu, quảng bá tới du khách trong và ngoài nước; chất lượng dịch vụ du lịch tại Sầm Sơn ngày càng được nâng lên, tạo sức hấp dẫn mới, góp phần thay đổi diện mạo du lịch của Tỉnh. Theo đó, năm 2016, ngành du lịch ước đón 6,3 triệu lượt khách, tăng 13,9% so với cùng kỳ, trong đó có 150 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 18,5%; doanh thu du lịch ước đạt 6.280 tỷ đồng, tăng 21,2%.
Công tác phát triển doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm, hoạt động của các doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, với 1.400 doanh nghiệp thành lập mới, cùng tổng vốn đăng ký là 8.315 tỷ đồng, tăng 13,5% về số doanh nghiệp và 26,9% về vốn đăng ký so với cùng lỳ. Lũy kế đến hết năm 2016, toàn Tỉnh có 8.534 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có khoảng 6.770 doanh nghiệp phát sinh doanh thu với tổng doanh thu ước đạt 162.168 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ; nộp ngân sách của khối doanh nghiệp ước đạt 4.765 tỷ đồng, tăng 1,5%.
Năm 2017: Phấn đấu GRDP đạt 12%
Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2016, tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu GRDP năm 2017 đạt 12%. Để thực hiện mục tiêu trên, Tỉnh sẽ thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh quá trình tái cơ ngành nông nghiệp gắn thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020...
Thứ hai, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm, dự án dự kiến hoàn thành năm 2017, như: Nhà máy sản xuất dầu ăn, thủy điện Trung Sơn, Bá Thước 1; hỗ trợ, tạo điều kiện cho Nhà máy xi măng Công Thanh, Long Sơn, các nhà máy thủy điện, may mặc, giày da hoạt động ổn định, đạt công xuất thiết kế; phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, hỗ trợ hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện thuộc trách nhiệm của Tỉnh về mặt bằng, cấp điện, cấp nước... để khởi công Dự án nhiệt điện Nghi Sơn 2, Khu liên hợp gang thép Nghi Sơn.
Thứ ba, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát huy tối đa năng lực hiện có, đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh. Đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp sản xuất có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh, như: xi măng, đường, bia, lọc dầu, điện sản xuất,...
Thứ tư, thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại đến năm 2021; tiếp tục phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn theo hướng chú trọng phát triển các ngành nghề đã có thương hiệu, thị trường tiêu thụ; quan tâm du nhập, nhân cấy một số nghề mới có điều kiện và tiềm năng phát triển.
Thứ năm, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao; du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa. Phát triển mạnh các tour du lịch kết nối các trọng điểm du lịch của tỉnh, như: Sầm Sơn, TP. Thanh Hóa, Thành Nhà Hồ, Lam Kinh và các tỉnh trong cả nước. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch, từ đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, quản lý nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên...
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa gắn với thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thực hiện các chương trình kích thích tiêu dùng nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng về tiêu thụ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại./.
Bình luận