Xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ
Phó Trưởng ban Bùi Tuấn Tự phát biểu tại Hội nghị gặp mặt Câu lạc bộ hưu KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc

PV: Thưa ông, xin ông vui lòng giới thiệu đôi nét về tình hình xây dựng và phát triển của KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hoá?

Phó Trưởng ban Bùi Tuấn Tự: KKT Nghi Sơn được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 2006, với diện tích là 18.611,8 ha, bao gồm 12 xã phía Nam của huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) tại Quyết định số 102/2006/QĐ-TTg ngày 15/5/2006. Ngày 07/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng KKT Nghi Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1699/QĐ-TTg. Theo đó, KKT Nghi Sơn được mở rộng từ 18,611,8ha lên 106.000ha (trong đó: diện tích đất liền và đảo: 66.497,57ha; diện tích mặt nước: 39.502,43ha), bao gồm toàn bộ huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn); 3 xã: Yên Mỹ, Công Bình, Công Chính (thuộc huyện Nông Cống) và 3 xã: Thanh Tân, Thanh Kỳ, Yên Lạc (thuộc huyện Như Thanh).

KKT Nghi Sơn là 1 trong 8 KKT ven biển trọng điểm của cả nước có vị trí địa lý chiến lược vô cùng quan trọng cả về phát triển kinh tế - xã hội lẫn quốc phòng – an ninh; có tiềm năng để trở thành đầu nối giao thông kết nối khu vực Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan và Tây Bắc Việt Nam. Hệ thống giao thông đường hàng không có cảng hàng không Thọ Xuân, hệ thống giao thông đường bộ có các trục giao thông quốc gia quan trọng như: QL1A, đường sắt Bắc Nam, đường bộ cao tốc Bắc Nam, tuyến đường bộ ven biển chạy qua. Hệ thống giao thông đường thủy có cảng biển nước sâu Nghi Sơn (là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại I), đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa và các vùng lân cận.

Đối với các KCN trên địa bàn Tỉnh: Theo Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Thanh Hóa được quy hoạch 19 KCN, trong đó tiếp tục thực hiện 8 KCN theo quy hoạch được duyệt tổng diện tích là 1.424,2ha và phát triển mới 9 KCN với tổng diện tích là 2.281,5ha; sau năm 2030 phát triển mới thêm 2 KCN với diện tích là 872ha.

Xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ
Bốc rót hàng hóa tại cảng Nghi Sơn trong KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

PV: Ông có thể chia sẻ rõ nét hơn về những kết quả nổi bật mà KKT Nghi Sơn và các KCN của Tỉnh đạt được trong thời gian gần đây?

Phó Trưởng ban Bùi Tuấn Tự: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KKT, KCN trên địa bàn Tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa (Ban Quản lý) không ngừng nêu cao vai trò, trách nhiệm được giao để nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động công tác trên tất cả các lĩnh vực được phân cấp như: Quy hoạch, xây dựng, đầu tư, môi trường, lao động… Đặc biệt, công tác quy hoạch được quan tâm đẩy mạnh đã góp phần phát triển hệ thống các KCN được đầu tư bài bản có mặt ở các địa phương trên địa bàn Tỉnh. Các KCN trong và ngoài KKT Nghi Sơn đã chứng tỏ sức hấp dẫn khi thu hút được nhiều dự án quy mô lớn ở trong và ngoài nước.

Xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ
Tàu cập cảng bốc rót hàng hóa tại cảng Nghi Sơn trong KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

KKT Nghi Sơn có 23 phân khu KCN, trong đó: 6 phân khu KCN đã được lấp đầy bởi các dự án đầu tư trực tiếp, gồm: KCN số 2 - Nhiệt điện Công Thanh và một số dự án kho xăng dầu; KCN số 7 - Nhà máy Lọc hóa dầu; KCN số 8 - Nhà máy xi măng Nghi Sơn; KCN số 10 - Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn; KCN số 13 - Nhà máy xi măng Đại Dương; KCN số 14 - Nhà máy xi măng Công Thanh; 4 phân khu KCN đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng, gồm: KCN số 1; KCN số 3; KCN số 9 (Luyện kim); KCN số 15.

Tiến độ lập quy hoạch các KCN mới trên địa bàn Tỉnh thực hiện theo Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 04/5/2023, như sau: 1 phân khu KCN Phú Quý, huyện Hoằng Hóa đã được HĐND Tỉnh thông qua; 8 phân khu đang triển khai lập quy hoạch gồm: KCN Lưu Bình, huyện Quảng Xương; KCN Giang Quang Thịnh, huyện Thiệu Hóa; KCN Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống; KCN phía Tây, TP. Thanh Hóa; KCN Hà Long, huyện Hà Trung; KCN Bắc Hoằng Hóa, huyện Hoằng Hóa; KCN Đa Lộc, huyện Hậu Lộc; KCN Nga Tân, huyện Nga Sơn.

Xác định công tác xúc tiến đầu tư có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào KKT và các KCN của Tỉnh, vì vậy Ban Quản lý cũng rất chú trọng đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư vào KKT, KCN Tỉnh, với nhiều hình thức xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm.

Năm 2023, Ban Quản lý đã tổ chức đón tiếp, làm việc và trao đổi thông tin, cung cấp tài liệu cho 7 đoàn nhà đầu tư nước ngoài và có 12 đoàn nhà đầu tư trong nước đến tìm hiểu đầu tư tại KKT Nghi Sơn và các KCN. Kết quả năm 2023 Ban đã cấp mới 21 dự án (bao gồm 15 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 10.819 tỷ đồng, 6 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 49 triệu USD).

Xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Lũy kế đến nay, tại KKT Nghi Sơn và các KCN đã thu hút được 725 dự án, trong đó có 650 dự án đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 179.176 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 83.366 tỷ đồng và 75 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư là 13.677 triệu USD, vốn thực hiện đạt 13.201 triệu USD. Cụ thể:

KKT Nghi Sơn: Có 307 dự án DDI với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 159.595 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 74.462 tỷ đồng và 25 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư là 12.827 triệu USD và vốn thực hiện đạt 12.702 triệu USD.

Các KCN: có 343 dự án DDI tổng vốn đăng ký đầu tư là 19.581 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện đạt 8.903 tỷ đồng và 50 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư là 850 triệu USD, lũy kế vốn thực hiện đạt 498,3 triệu USD.

Xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ
Công ty Cổ phần Thần Nông Thanh Hoá trong KCN Lễ Môn, tỉnh Thanh Hóa

Song song với kết quả ấn tượng trong công tác thu hút đầu tư, mặc dù do ảnh hưởng biến động của suy thoái kinh tế toàn cầu đến kinh tế Việt Nam, song tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trong KKT Nghi Sơn và các KCN của Tỉnh trong năm 2023 tiếp tục duy trì ổn định, với các chỉ tiêu chính đạt được đó là: Giá trị sản xuất ước đạt: 236.830 tỷ đồng, bằng 99,8% so với cùng kỳ năm 2022; nộp ngân sách ước đạt 22.922 tỷ đồng, bằng 88,5% so với cùng kỳ năm 2022 (chiếm 55% tổng thu ngân sách sách của Tỉnh (thu ngân sách của Tỉnh là 41.920 tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.320 triệu USD, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2022; nhập khẩu ước đạt 7.055 triệu USD, bằng 76,6% so với cùng kỳ năm 2022; giải quyết việc làm cho 97.836 lao động.

Xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ
Lãnh đạo Công đoàn KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa thăm hỏi công nhân lao động quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán

PV: Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hoá hoạch định chiến lược phát triển KKT Nghi Sơn và các KCN trong Tỉnh trọng tâm vào những nhiệm vụ then chốt nào, thưa ông?

Phó Trưởng ban Bùi Tuấn Tự: Chúng tôi xác định xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước; với các tổ hợp công nghiệp mũi nhọn là: Lọc hóa dầu, nhiệt điện, luyện cán thép, xi măng, chế biến hàng xuất khẩu... gắn với khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn, hình thành trung tâm cảng biển, dịch vụ thương mại, logistics, cùng với các khu đô thị hiện đại, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Tỉnh, khu vực và cả nước.

Xây dựng và phát triển các KCN với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, nhanh chóng lấp đầy đất công nghiệp tại các KCN, tạo ra các cực tăng trưởng cho kinh tế của Tỉnh; đặc biệt, tại các KCN đang được nhà đầu tư quan tâm như: KCN Phú Quý huyện Hoằng Hóa diện tích khoảng 845 ha; KCN phía Tây TP. Thanh Hóa diện tích khoảng 650ha; KCN Bắc Hoằng Hóa, huyện Hoằng Hóa diện tích khoảng 273,8 ha; KCN Hà Long, huyện Hà Trung diện tích khoảng 550 ha…

Để đạt được các mục tiêu trên, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa quyết tâm cố gắng nỗ lực hết sức mình, phát huy cao vai trò và hiệu quả hoạt động trong thực thi các nhiệm vụ được giao. Trước mắt Ban Quản lý xác định nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện trong năm 2024 đó là: (1) Chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ; tăng cường quảng bá môi trường đầu tư kinh doanh qua các kênh thông tin uy tín, lồng ghép với các hoạt động ngoại giao của Tỉnh. Đồng thời, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng thiết thực, có trọng tâm trọng điểm, tập trung thu hút các dự án lớn, trọng điểm, có sức lan tỏa; tập trung mời gọi các tập đoàn kinh tế lớn ở trong nước và nhà đầu tư ở các thị trường chính như: Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, EU, Đài Loan, Hoa Kỳ, Thái Lan; (2) Tiếp tục hỗ trợ, hoàn thiện hồ sơ thủ tục thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn; (3) Thường xuyên rà soát để hỗ trợ, đôn đốc các dự án đầu tư đảm bảo tiến độ; kiên quyết thu hồi những dự án không có khả năng triển khai, cố tình chậm tiến độ, gây lãng phí đất đai để giao cho nhà đầu tư có năng lực thực hiện; (4) Tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhằm tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Đôn đốc, hỗ trợ tạo mọi điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai sớm đưa vào hoạt động; (5) Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng KKT Nghi Sơn và các KCN; đôn đốc triển khai thi công hoàn thành các dự án chuyển tiếp hoàn thành, quyết toán trong năm 2024; (6) Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai ở cơ sở, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; ngăn ngừa và xử lý kịp thời tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng cơi nới trái phép… Kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhanh chóng bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư đảm bảo tiến độ cam kết; (7) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về môi trường, khoáng sản trên địa bàn KKT Nghi Sơn và các KCN; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ
Tàu cập cảng bốc rót hàng hoá tại cảng Nghi Sơn trong KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá