Năm 2016: Hải Dương tăng trưởng kinh tế 7,9%
Vượt qua khó khăn
Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, với tinh thần quyết tâm phấn đấu của toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương, tình hình kinh tế của Tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực và toàn diện. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn Tỉnh (theo giá 2010) vẫn duy trì được tốc độ tăng khá, ước tăng 7,9% so với năm 2015.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá 2010) ước đạt 17.155 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Mô hình sản xuất tập trung tiếp tục được nhân rộng, các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tiếp tục được duy trì và mở rộng diện tích, đã có một số doanh nghiệp liên kết với nông dân, hợp tác xã để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Một góc TP. Hải Dương |
Phong trào xây dựng nông thôn mới cũng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Theo đó, đến hết năm 2016, ước toàn Tỉnh có 86 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân chung toàn tỉnh đạt 15,6 tiêu chí/xã, tăng 1,4 tiêu chí so với cuối năm 2015. Các xã đã được công nhận tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được.
Sản xuất công nghiệp của Tỉnh tăng trưởng khá ổn định với tổng giá trị sản xuất (giá 2010) ước đạt 136.800 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2015. Một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng cao, như: thức ăn cho gia súc tăng 23%, sản phẩm may mặc tăng 16,1%, giày dép thể thao tăng 20,4%, sắt thép tăng 40,7%, xe có động cơ tăng 27,5%...
Công tác xúc tiến thương mại cũng được triển khai tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ cả năm ước đạt 41.763 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm trước. Giá cả thị trường cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 2,55% so với năm trước.
Đặc biệt, nhờ có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, mà tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh Hải Dương đã có những kết quả tích cực.
Cụ thể, về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm 2016, Tỉnh đã thu hút 299,1 triệu USD vốn FDI, trong đó cấp mới cho 23 dự án với số vốn đăng ký 106,1 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 35 lượt dự án với số vốn tăng thêm 192,9 triệu USD. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn khá ổn định, vốn thực hiện của các dự án ước đạt 290 triệu USD tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Về thu hút đầu tư trong nước, Tỉnh cũng đã quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 46 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 24 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn 3.265 tỷ đồng (tăng 32,4% so với năm 2015).
Tạo đột phá trong phát triển kinh tế
Năm 2017, Hải Dương đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8%. Theo đó, để đạt được mục tiêu này, tỉnh Hải Dương sẽ thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế của các địa phương. Đồng thời, phát triển công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần công nghiệp gia công. Tập trung thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, gắn với các lợi thế về phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Thứ hai, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, tập trung xúc tiến thương mại các nhóm hàng nông sản thực phẩm, sản phẩm công nghiệp nông thôn, làng nghề. Khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào một số lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng phát triển, như: viễn thông, du lịch, vận tải, tư vấn, kho vận logictic, dịch vụ thể thao.
Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh, giảm tối đa các chi phí khởi nghiệp. Thực hiện cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính; công khai các thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh; xây dựng mô hình dịch vụ công trực tuyến trên cổng thông tin điện tử tỉnh và trang thông tin điện tử (website) của các cơ quan hành chính; thực hiện hiệu quả mô hình “một cửa”, “một cửa hiện đại”; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm trong thực thi công vụ.
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, nhất là quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Lập quy hoạch phát triển dọc các trục giao thông chính trong tổng thể liên vùng, nhất là trục cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trục Bắc - Nam Tỉnh. Khai thác lợi thế của từng địa phương trong thu hút các hình thức đầu tư, các nguồn vốn.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước sau đổi mới sắp xếp. Rà soát, bổ sung hoàn thiện quy chế phối hợp quản lý doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tiếp tục thực hiện những giải pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện tốt công tác hỗ trợ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, kiểu dáng sản phẩm, xuất sứ hàng hóa đối với các doanh nghiệp./.
Bình luận