Năm 2017: GRDP của tỉnh Sơn La ước tăng 9,59%
GRDP ước tăng 9,59% so với năm 2016
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2017 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của tỉnh Sơn La cho thấy, năm 2017 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá so sánh ước đạt 28.831,153 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 9,59% so với năm 2016 (Trong đó: khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,1%; công nghiệp - xây dựng tăng 18%; khu vực dịch vụ tăng 6,47%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,32%).
Một góc Sơn La
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực: chiếm tỷ trọng cao và tiếp tục đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế là khu vực dịch vụ tăng từ 39,6% năm 2016 lên 40,3% năm 2017; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 33% năm 2016 xuống 33,6% năm 2017; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 23,4% năm 2016 xuống 22,1% năm 2017; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm duy trì chiếm khoảng 4% trong cơ cấu kinh tế.
Trong năm, tỉnh đã tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường các giải pháp thu hút đầu tư, đối thoại doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế. Đơn cử, UBND tỉnh ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế (như: hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu và sản xuất sản phẩm rau, quả an toàn; hỗ trợ phát triển hợp tác xã trồng cây ăn quả, cây dược liệu; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất may công nghiệp giày da; hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả; quy định chế độ miễn tiền thuê đất đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa sử dụng đất tại đô thị trên địa bàn tỉnh; ban hành và công bố các danh mục dự án nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh...).
Tỉnh cũng tập trung huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn nhà nước. Nhờ đó, tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện trên địa bàn năm 2017 ước đạt 14.533 tỷ đồng, bằng 107,7% kế hoạch và tăng 10,5% so với năm trước. Trong đó vốn đầu tư thuộc khu vực Nhà nước ước đạt 5.499,9 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm trước; vốn đầu tư thuộc khu vực ngoài nhà nước khoảng 9.012,5 tỷ đồng, tăng 7,2% so với năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 20,5 tỷ đồng, tăng 79,4% so với năm trước.
Việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 bám sát định hướng, cơ cấu, nguyên tắc, ưu tiên hoàn trả các khoản vốn vay, vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, trong từng nguồn vốn bố trí theo thứ tự ưu tiên: các công trình hoàn thành, chuyển tiếp đảm bảo tiến độ theo quy định; hạn chế khởi công mới, chỉ bố trí khởi công mới các dự án khi có đủ khả năng cân đối bố trí vốn và đủ thủ tục đầu tư.
Doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, thu ngân sách vượt xa dự toán
Đồng thời, tỉnh tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, tăng cường đối thoại, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển.
Trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 310 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về vốn và thị trường nên so với cùng kỳ số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng, tổng số doanh nghiệp làm thủ tục giải thể, tạm ngừng hoạt động 86 doanh nghiệp.
Hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động ổn định, tăng trưởng huy động và cho vay đạt khá. Tổng huy động vốn tại địa phương năm 2017 ước đạt 14.800 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm trước. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 29.000 tỷ đồng, tăng 19,1% so với năm trước.
Mùa hoa cải (Mộc Châu, Sơn La)
Đặc biệt, tỉnh đã quản lý và khai thác tốt các nguồn thu, trong điều kiện có nhiều khó khăn, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý thu, nhất là các nguồn thu từ kinh doanh công thương nghiệp - dịch vụ, các khoản thu từ đất, thu nợ đọng thuế, chống thất thu, gian lận thương mại, trốn thuế. Tổng thu ngân sách nhà nước địa phương năm 2017 ước đạt 14.122,137 tỷ đồng, bằng 122,09% dự toán. Trong đó thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 4.369,949 tỷ đồng, bằng 107,9% dự toán HĐND tỉnh giao.
Chi ngân sách tập trung bố trí phục vụ tốt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các cân đối lớn, thực hiện triệt để tiết kiệm trong chi dùng ngân sách, mua sắm tài sản, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ an sinh xã hội, thực hiện các chế độ, chính sách, phòng chống và cứu trợ thiên tai. Tổng chi ngân sách địa phương năm 2017 ước đạt 12.936,876 tỷ đồng, bằng 111,5% dự toán năm.
Bảy giải pháp trọng tâm để đạt mục tiêu năm 2018
Nhìn chung kinh tế của tỉnh đã có sự chuyển biến căn bản, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành và triển khai thực hiện sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; các nhân tố mới xuất hiện sẽ là tiền đề vững chắc và thuận lợi cơ bản để đẩy nhanh, mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững hơn. Tuy nhiên, năm 2018 vẫn là năm tiếp tục có nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng vẫn còn thiếu và yếu, quy mô và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế đã được cải thiện song còn chậm; đời sống nhân dân, nhất là bộ phận người nông dân, người lao động có thu nhập thấp còn nhiều khó khăn; tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh có thể còn có những diễn biến phức tạp,.. sẽ là những nhân tố tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2018.
Phần thi hái chè tại Hội trà Mộc Châu 2017
Vì thế, năm 2018, tỉnh đặt mục tiêu huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững gắn với chuyển dịnh cơ cấu kinh tế; từng bước nâng cao sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế. Cải thiện rõ rệt môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh trên cơ sở đẩy mạnh cải cách hành chính. Đẩy mạnh các giải pháp thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa nông sản địa phương. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện; phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội. Ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu; chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế gắn với cải cách công vụ, công chức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội; tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt là quan hệ hữu nghị với các tỉnh Bắc Lào.
Với bối cảnh đó, UBND tỉnh Sơn La đặt ra các chỉ tiêu kinh tế cho năm 2018, trong đó tổng sản phẩm trong tỉnh (theo giá so sánh 2010) năm 2018 tăng 8,5-9% so với năm 2017; Cơ cấu kinh tế: Nông lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 21,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm 34%; dịch vụ chiếm 40,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 4%; GRDP bình quân đạt 36,8 triệu đồng/người/năm; Kim ngạch xuất khẩu đạt 9,4 triệu USD; Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.450 tỷ đồng; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 14.500 tỷ đồng.
Và nhiều chỉ tiêu xã hội như: Tỷ lệ đô thị hóa 14,6%; Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 25,44%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đạt 4,02%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45,6%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 16%; Giải quyết việc làm mới trong năm cho khoảng 23.000 người; Đến hết năm 2018, có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 10 tiêu chí/xã;
Về môi trường, các chỉ tiêu đặt ra là: Tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch 92,5%; dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh 88%; Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom: 88% ở đô thị, 54% ở nông thôn; Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý 66,7%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 44%. Với mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu nêu trên, nhiệm vụ định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trong năm 2018, cụ thể như sau:
Thứ nhất, cải thiện môi trường đầu tư, huy động và thu hút các nguồn lực, đảm bảo các cân đối cho đầu tư phát triển.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, sản phẩm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và bền vững.
Thứ ba, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng di dân tái định cư các dự án thủy điện.
Thứ tư, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội khác.
Thứ năm, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng.
Thứ bảy, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế./.
Bình luận