Trong tháng 1/2023 diễn ra kỳ nghỉ Tết, nên mức tiêu thụ điện trên cả nước giảm. Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện toàn hệ thống tháng 1/2023 đạt 18,36 tỷ kWh, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng lưu ý, năng lượng tái tạo đạt 2,98 tỷ kWh, chiếm 16,2% (trong đó điện mặt trời đạt 1,7 tỷ kWh, điện gió đạt 1,21 tỷ kWh).

Trong đó, tỷ lệ huy động một số loại hình nguồn điện trên tổng sản lượng điện toàn hệ thống là: Thủy điện đạt 5,5 tỷ kWh, chiếm 30%; nhiệt điện than đạt 7,58 tỷ kWh, chiếm 41,3%; tua bin khí đạt 1,88 tỷ kWh, chiếm 10,2%; năng lượng tái tạo đạt 2,98 tỷ kWh, chiếm 16,2%; điện nhập khẩu đạt 368 triệu kWh, chiếm 2,1%.

Trong tháng 1/2023, điện sản xuất của EVN và các tổng công ty phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 6,79 tỷ kWh, chiếm 36,98% sản lượng điện của toàn hệ thống.

Năng lượng tái tạo đang chiếm 16,2% trong toàn hệ thống
Đến cuối 2022, số dự án điện gió, mặt trời đã vận hành chiếm gần 27% tổng công suất toàn hệ thống, trong đó có 16.545 MW điện mặt trời mặt đất, mái nhà và 4.126 MW điện gió

EVN cũng đã tổ chức vận hành tối đa các Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang để bổ sung nguồn nước theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đồng thời bảo đảm cung cấp điện cho các trạm bơm và bơm nội đồng hoạt động phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023 cho các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.

Trong tháng 1/2023, EVN và các đơn vị đã khởi công 1 công trình 110kV; hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 6 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500kV.

Do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao đột biến từ đầu năm 2022, trong khi giá bán lẻ điện vẫn duy trì từ năm 2019 đến nay, nên làm cho tình hình tài chính của EVN gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo cân bằng tài chính.

Đến cuối 2022, số dự án điện gió, mặt trời đã vận hành chiếm gần 27% tổng công suất toàn hệ thống, trong đó có 16.545 MW điện mặt trời mặt đất, mái nhà và 4.126 MW điện gió.

Các dự án điện mặt trời, gió vận hành thương mại trước khi giá FIT ưu đãi hết hiệu lực (31/12/2020 và 1/11/2021) được hưởng giá mua khá cao: Điện mặt trời là 9,35 cent/kWh (khoảng 2.200 đồng) và 7,09-8,38 cent/một kWh (khoảng 1.644-1.943 đồng). Điện gió là 8,35-9,8 cent/một kWh (1.927-2.223 đồng).

Mới đây, ngày 3/2/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg về khung giá mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, khung giá bán lẻ điện bình quân từ 1.826,22 đồng/kWh - 2.444,09 đồng/kWh lần lượt là mức giá sàn và giá trần để Chính phủ quy định giá bán lẻ điện bình quân. So với mức khung cũ được quy định tại Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020, giá bán đã tăng 220-538 đồng/kWh.

Khung giá của mức giá bán lẻ điện là cơ sở để EVN xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện. Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.