Từ “tâm chấn” Covid...

Tại Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội khóa XV kết thúc cách đây chưa đầy một tháng, từ chỗ không có trong chương trình xem xét, quyết định của Quốc hội, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Tổng Bí thư và sự đồng ý của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã đề xuất và phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để trình Quốc hội điều chỉnh chương trình, thảo luận và bổ sung vào Nghị quyết chung của kỳ họp những biện pháp cấp bách áp dụng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19...

Nét mới trong hoạt động của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV
Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội khóa XV đã nhanh chóng bổ sung vào chương trình làm việc và thông qua quyết sách về cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Quốc hội

Đề xuất hợp với “ý đảng, lòng dân” ấy đã rất nhanh chóng được Quốc hội thông qua, với nhiều nội “nóng” được thể hiện tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội. Theo đó, Quốc hội cho phép trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật, thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện.

Cũng rất nhanh sau khi Nghị quyết số 30/2021/QH15 được ban hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương đề nghị UBTVQH xem xét quyết định một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu chống dịch như chống giặc. Trước tình huống khẩn cấp này, ngay trong ngày 6/8/2021 sau khi nhận được đề xuất của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gấp rút chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra các nội dung đề xuất của Chính phủ, trên cơ sở đó cuối giờ cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội đã khẩn cấp chủ trì Phiên họp bất thường của UBTVQH để cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ và quyết định các nội dung theo thẩm quyền. Sau khi được 100% thành viên UBTVQH biểu quyết tán thành, ngay trong đêm 6/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Từ "Câu chuyện Ba Lan" cho thấy, 57 nhóm nghị sĩ hữu nghị hoàn toàn đóng vai trò tích cực hơn nữa trong tiếp cận nhanh nhất để đưa vaccine, trang thiết bị y tế về nước nhiều nhất và sớm nhất phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch...

Không chỉ dừng lại ở đưa ra những quyết định thần tốc, bất ngờ trong công tác lập pháp, với tinh thần chung sức, chung lòng cùng cả hệ thống chính trị phòng, chống Covid-19, Văn phòng Quốc hội, cho biết, mới đây Chính phủ Ba Lan quyết định tặng Việt Nam hơn 501.000 liều vaccine AstraZeneca, nhượng lại 3 triệu liều vaccine phòng Covid-19 và viện trợ nhiều trang thiết bị, vật tư y tế trị giá 4 triệu USD. “Tác giả” của sáng kiến chuyển giao vaccine này khởi nguồn từ Nhóm nghị sĩ Ba Lan - Việt Nam và Hội Hữu nghị Ba Lan - Việt Nam. Đây là kết quả từ những nỗ lực của Quốc hội và Người đứng đầu Quốc hội trong tận dụng mọi cơ hội để đẩy mạnh ngoại giao vaccine. Hiện Quốc hội Việt Nam có 57 nhóm nghị sĩ hữu nghị với nghị viện các nước như: Anh, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Thụy Điển... Từ "Câu chuyện Ba Lan" cho thấy, 57 nhóm nghị sĩ hữu nghị này hoàn toàn đóng vai trò tích cực hơn nữa trong tiếp cận nhanh nhất để đưa vaccine, trang thiết bị y tế về nước nhiều nhất và sớm nhất phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch...

...đến “điểm nóng” khiếu nại, tố cáo

Một “điểm nóng” nữa trong đời sống của người dân vừa được UBTVQH quyết định triển khai, đó là lần đầu tiên trong năm 2022, UBTVQH sẽ tiến hành giám sát với chuyên đề: “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.

Nét mới trong hoạt động của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV
Phiên họp thứ 2 của UBTVQH vừa thống nhất định kỳ hàng tháng xem xét về công tác giải quyết khiếu nại, tiếp công dân. Ảnh: Quốc hội

Không phải đợi đến năm sau, trước thực tế khiếu nại, tố cáo diễn ra phức tạp, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tại Phiên họp thứ 2 của UBTVQH vừa kết thúc ngày 18/8, các thành viên của UBTVQH đã thống nhất định kỳ hàng tháng, UBTVQH xem xét công tác giải quyết khiếu nại, tiếp công dân, thay vì nội dung này theo thông lệ được Quốc hội xem xét vào 2 kỳ họp trong năm. Từ quyết định mang tính đột phá này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu mỗi tháng, Ban Dân nguyện tổng hợp và có báo cáo cụ thể việc tiếp nhận, theo dõi giải quyết đơn thư tố cáo của công dân gửi tới Quốc hội, để trình UBTVQH xem xét. Để dứt khoát tạo bước chuyển mới trong giải quyết đơn thư, khiếu nại của nhân dân, Người đứng đầu Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có báo cáo về kết quả rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài trên phạm vi toàn quốc để có giải pháp giải quyết dứt điểm...

...đến triết lý lập pháp từ sớm, từ xa

Nhận rõ trách nhiệm lập pháp có ý nghĩa quan trọng trong tạo ra hành lang pháp lý cho bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, cũng như khơi dậy các tiềm năng phát triển của đất nước, Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đang cho thấy một tác phong làm việc mới khi không như thông lệ là “ngồi đợi” Chính phủ trình dự án luật mới xem xét, cho ý kiến. Thay vào đó, với tinh thần xây dựng luật từ sớm, từ xa, đặc biệt là những dự án luật có liên quan lớn đến đời sống của nhân dân như Luật Đất đai, đích thân Chủ tịch Quốc hội trong ngày 19/8 đã làm việc với lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường để nắm bắt, đồng thời gợi mở những đường hướng lớn cho chuẩn bị xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án mới đây đã được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2022.

Bất ngờ với nhiều nét mới trong hoạt động của Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở nhiều định hướng lớn cho sửa Luật Đất đai. Ảnh: Quốc hội

“Việc sửa đổi luật phải ‘thật chín’, vừa kịp thời xử lý những vướng mắc đang đặt ra, vừa bảo đảm hệ thống pháp luật về đất đai có tính dự báo, có tầm nhìn dài hạn, có tính khả thi cao, bảo đảm tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác quản lý, cũng như sự vận hành của các quan hệ kinh tế, dân sự trong lĩnh vực đất đai. Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có trách nhiệm phải hết sức cầu thị, không để lỡ cơ hội lắng nghe được nhiều nhất các ý kiến đóng góp sửa đổi Luật Đất đai...”, ông Vương Đình Huệ gợi mở.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Đất đai giữ vị trí trung tâm trong hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai, có tầm quan trọng đặc biệt, phạm vi tác động rất rộng, tính chất phức tạp và rất chuyên sâu. Sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV.

Tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân, cũng là điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV ngày sáng 20/7: “tất cả các vị đại biểu Quốc hội chúng ta khoá này cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó...”.

Với những nét mới trong phong cách làm việc của Quốc hội khóa XV, cũng như Người đứng đầu Quốc hội như trên, người dân có quyền kỳ vọng vào một nhiệm kỳ Quốc hội mới không chỉ nâng tầm về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề trọng đại của quốc gia, mà còn tận dụng những thế mạnh của Quốc hội trong giải quyết, thúc đẩy xử lý những “điểm nóng” trong đời sống của nhân dân, qua đó thực sự xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân./.