Nếu TTCK Việt Nam có nhiều doanh nghiệp như PAN Group…
Từ ý tưởng chuyển sàn của PAN…
“Có ngày mới đầu giờ chiều, hệ thống lệnh vào sàn HOSE đã tắc. Tình trạng nan giải này xảy ra liên tục mỗi khi thanh khoản tăng, đòi hỏi thị trường phải có giải pháp giảm tải”, bà Nguyễn Trà My, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN Group chia sẻ. Bà My cho biết, sau khi Chủ tịch UBCK có công văn hướng dẫn việc chuyển giao dịch cổ phiếu từ HOSE sang HNX và một hai doanh nghiệp như VNDS, BSC tính đến phương án này, bà đã quyết định trao đổi với tổng giám đốc 7 công ty thành viên và một số thành viên HĐQT.
Ở vị trí của một doanh nghiệp niêm yết như PAN, chuyển giao dịch từ sàn được định danh là dành cho doanh nghiệp lớn, sang sàn có tiêu chuẩn thấp hơn là câu chuyện không thể nghĩ đến, nếu trong tình trạng bình thường. “Tuy nhiên, TTCK đã ở tình trạng bất thường 3 tháng nay, khiến chúng tôi phải tính đến giải pháp tình thế (chuyển sàn), với hy vọng góp sức giải tỏa áp lực cho toàn hệ thống trong ngắn hạn”, Tổng giám đốc PAN Group nói. Bà Trà My mong rằng, các cổ đông đại chúng cũng sẽ hiểu và ủng hộ phương án tạm thời này. “Khi trao đổi với các lãnh đạo PAN Group hôm qua, thực tế, chúng tôi chia sẻ một mong muốn, đó là hệ thống công nghệ mới cho TTCK Việt Nam sẽ sớm được vận hành, giao dịch trở lại thông suốt và ngay sau đó, cổ phiếu PAN cũng như các công ty thành viên sẽ “trở về nhà”, bà Trà My nói.
Điều may mắn ở PAN, như tâm sự của Tổng giám đốc, là Tập đoàn chọn giá trị cốt lõi là phát triển bền vững. Theo đó, PAN cũng như các doanh nghiệp thành viên dễ đồng thuận ở tầm nhìn dài hạn và đây cũng chính là giá trị lớn nhất mà PAN muốn cống hiến cho xã hội, cho cổ đông cũng như các nhà đầu tư tương lai. Phát triển bền vững dẫn dắt mọi quyết định của PAN và mọi quyết định cũng chỉ được thực hiện khi đồng thời mang lại lợi ích cho Công ty, cho người lao động, cho môi trường xã hội.
Tầm nhìn dài hạn đã giúp PAN đi qua năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát với kết quả khả quan. Toàn Tập đoàn đạt 8.550 tỷ đồng doanh thu và gần 330 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Riêng Công ty mẹ PAN Group, doanh thu tài chính đạt 309 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 110 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với các năm trước đó. “PAN đi bền cùng các cổ đông chiến lược, trong đó có IFC, Tập đoàn Sojiz (Nhật Bản), TAEL (Singapore) khi chúng tôi tạo nên giá trị gia tăng hàng năm và tôi mong các cổ đông đại chúng cũng chung quan điểm rằng, đó là giá trị dài hạn mà chúng ta cần vun đắp, xây dựng. Thị giá cổ phiếu cũng là một loại giá trị, nhưng chỉ ngắn hạn theo biến động thị trường”, bà Trà My nói.
Theo thông tin từ UBCK, chiều 10/3/2021, lãnh đạo UBCK sẽ có cuộc làm việc với các công ty chứng khoán đang niêm yết tại HOSE, để chia sẻ câu chuyện thị trường và tìm sự ủng hộ về giải pháp chuyển giao dịch cổ phiếu tạm thời sang sàn HNX. Trong khối công ty chứng khoán, VNDS và BSC là 2 cái tên đầu tiên, đưa ra ý định chuyển sàn.
Công ty chứng khoán lớn nhất thị trường là SSI, hiện tại chưa thể chuyển sàn, do cổ phiếu nằm trong rổ chỉ số VN30. Tại Công ty Chứng khoán tiếp theo, HSC, chia sẻ với Kinh tế và Dự báo, lãnh đạo HSC trả lời rằng, chưa thể nói gì về phương án chuyển sàn lúc này, vì chưa có đủ thông tin để quyết định. Lãnh đạo HSC cũng cho biết, sẽ dự cuộc làm việc của UBCK chiều nay, để lắng nghe câu chuyện gỡ nghẽn hệ thống tại HOSE.
HIện nay, sàn HOSE có 340 doanh nghiệp niêm yết. Khảo sát của chúng tôi cho thấy, khối các doanh nghiệp nằm ngoài ngành chứng khoán, hiện mới có PAN Group lên tiếng về việc xin ý kiến HĐQT chuyển sàn giao dịch tạm thời sang HNX. Nếu có nhiều doanh nghiệp góp sức giúp ngành chứng khoán bằng hành động cụ thể là tạm thời chuyển sàn, chắc chắn hệ thống giao dịch tại HOSE sẽ được giảm tải, giúp nhà quản lý vơi bớt áp lực hiện hữu để tập trung thực thi các giải pháp trung hạn, dài hạn xây dựng TTCK Việt Nam.
Gạo ST25 mới đây được ghi danh ngon hàng đầu thế giới
Được biết, tháng 4/2021, PAN Group và 7 công ty thành viên sẽ cùng tổ chức Đại hội đồng cổ đông, trong đó sẽ bổ sung tờ trình về việc tạm thời chuyển sàn giao dịch. Về mục tiêu kinh doanh, theo bà My, năm 2021, PAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, nhất là với hạt điều, gạo và cafe. Một công ty thành viên của PAN mới đây đã ra mắt sản phẩm gạo ST25, loại gạo được ghi danh ngon hàng đầu thế giới, được người tiêu dùng trong nước tiêu thụ mạnh đồng thời góp thêm một sản phẩm thương hiệu Việt Nam định danh trên thị trường toàn cầu. Bà My chia sẻ, xây nên một sản phẩm quy chuẩn quốc tế và tiêu thụ được trên thị trường quốc tế là câu chuyện không đơn giản, nhưng PAN sẽ tiếp tục nỗ lực để góp sức nâng tầm vị thế ngành nông nghiệp Việt Nam.
“Năm 2021, thông qua công ty thành viên Sao Ta, PAN sẽ định vị thương hiệu sản phẩm tôm Việt Nam trên trường quốc tế. Hiện nay, Sao Ta đã mở rộng nguồn ao nuôi lên 250 héc-ta và trở thành doanh nghiệp có vùng nuôi tôm lớn nhất Việt Nam. Khi quy trình sản xuất được xây dựng theo tiêu chuẩn khắt khe nhất và được quản lý hiệu quả, chắc chắn Sao Ta sẽ sản xuất ra những sản phẩm tốt nhất”, bà Trà My nói.
Một trong bảy công ty thành viên của PAN là Sao Ta đã mở rộng nguồn ao nuôi lên 250 héc-ta và trở thành doanh nghiệp có vùng nuôi tôm lớn nhất Việt Nam
Bình luận