Ngành thép cần chủ động ứng phó với kiện phòng vệ thương mại
Ngành thép trước áp lực kiện tụng
Gần đây, báo chí liên tục đưa tin ngành thép Việt Nam bị các nước khởi kiện chống bán phá giá. Việc bị kiện phần nào chứng tỏ ngành thép Việt Nam đã lớn mạnh, là đối thủ đáng quan tâm trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, nếu để bị kiện quá nhiều, chứng tỏ các doanh nghiệp ngành thép chưa chủ động chuẩn bị đủ các biện pháp phòng vệ cần thiết.
Trong báo cáo mới nhất về những mặt tích cực và tiêu cực của các hiệp định thương mại tự do (FTA) với kinh tế và các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho hay, những năm gần đây, trong các sản phẩm xuất khẩu mang lại nhiều USD cho Việt Nam, sắt, thép là mặt hàng bị khởi kiện và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất. Năm 2017, có tổng cộng 124 vụ kiện điều tra phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 30 vụ kiện liên quan tới thép, chủ yếu tập trung vào điều tra chống bán phá giá.
Năm 2017, có 30 vụ kiện liên quan tới thép
Tính đến tháng 6/2018, Việt Nam đã bị kiện chống bán phá giá 78 vụ; 12 vụ kiện chống trợ cấp và 17 vụ kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Đáng chú ý, trong số 78 vụ kiện chống bán phá giá thì có 37 vụ liên quan đến sắt thép, kiện chống trợ cấp cũng có gần 3/4 vụ kiện liên quan đến sắt thép.
Thâm chí, chỉ trong tháng 8/2018, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép phải chịu áp lực kiện phòng vệ, chống bán phá giá với gần 10 vụ kiện phòng vệ thương mại khác nhau.
Một số vụ kiện có thể kể đến như, Bộ Thương mại Thái Lan đã khởi xướng điều tra gia hạn lần 2 biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép tấm không hợp kim cán nóng dạng cuộn và không cuộn.
Liên minh châu Âu (EU) áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ với một số sản phẩm thép nhập khẩu; trong đó, có Việt Nam gồm: thép cán nguội hợp kim và không hợp kim; thép tấm mạ kim loại và thép không gỉ cán nguội dạng tấm và thanh.
Hay, Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia (MITI) đã khởi xướng điều tra bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt hoặc thép cuộn hợp kim và không hợp kim cán phẳng mạ hoặc tráng kẽm có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã đăng công báo khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép CRS nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Cùng với đó, Liên minh kinh tế Á-Âu (EEC) ra thông báo khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm thép hợp kim và không hợp kim. Mới đây nhất, Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR) thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ khởi xướng vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép không gỉ có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.
Nâng cao năng lực cạnh tranh, kiểm soát chặt chẽ nguồn nhập khẩu
Theo các chuyên gia về phòng vệ thương mại, ngành thép Việt Nam dẫn đầu danh sách bị kiện là do phát triển quá nóng trong thời gian qua, nhưng chưa chuẩn bị đầy đủ để tham gia sân chơi toàn cầu. Xuất khẩu thép chủ yếu cạnh tranh về giá và các mặt hàng đơn giản. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chưa có thói quen sử dụng các công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi; ký hợp đồng sơ sài và thiếu hiểu biết về pháp luật, cách thức quản lý của nước nhập khẩu.
Báo Đầu tư dẫn lời ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngành thép chiếm hơn 30% tổng số các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại trên thế giới. “Trong 2 năm gần đây, thép thường xuyên là đối tượng của các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới với mức thuế suất áp dụng rất cao. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu thép của nước ta đứng trước những thách thức lớn khi các nước nhập khẩu liên tục điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép Việt Nam”, ông Nam thông tin.
Bên cạnh tình trạng dư thừa công suất sản xuất thép toàn cầu, còn có nguyên nhân gián tiếp từ việc Hoa Kỳ áp dụng mức thuế 25% đối với các sản phẩm thép nhập khẩu vào nước này với lý do bảo đảm an ninh quốc gia, khiến nhiều quốc gia khác phải đối phó bằng cách sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại.
Đặc biệt, xu hướng các nước trên thế giới gia tăng các biện pháp bảo hộ ngành sản xuất trong nước và nguy cơ xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn đang đe dọa đến nhiều ngành sản xuất, trong đó ngành sản xuất thép và mặt hàng thép là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất. Sau những vụ kiện như vậy, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu..
Để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện phòng vệ thương mại khi tham gia vào các vụ kiện, Nhà nước cần có những chính sách, biện pháp kiểm soát chặt nguồn thép nhập khẩu. Cùng với đó, Nhà nước cần tiếp tục thúc đẩy các chính sách phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô song song với ổn định lãi suất ngân hàng, tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thép trong nước cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến tự chủ được các nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào ngay trong nước. Doanh nghiệp cũng cần chủ động tập trung đầu tư công nghệ để sản xuất ra sản phẩm thép có chất lượng cao. Bởi, công nghệ tốt không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm thép. Điều này giúp thép Việt Nam thuận lợi và tự tin hơn khi bước ra sân chơi quốc tế, đồng thời, hạn chế việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước.
Và nếu có đủ nguồn lực, doanh nghiệp sản xuất nên thiết lập một quy trình khép kín bởi vì điều này sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát sát sao nhất toàn bộ quy trình sản xuất, nâng năng lực cạnh tranh và giảm thiểu tối đa việc liên quan tới kiện lẩn tránh thuế, chống bán phá giá từ các thị trường xuất khẩu.
Ngoài việc đối phó với những vụ kiện này, ngành thép Việt Nam cũng cần quan tâm đến tác động của thế giới để tránh các tác động tiêu cực, đảm bảo tăng trưởng doanh thu./.
Tham khảo từ nguồn:
https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/nganh-thep-truoc-ap-luc-canh-tranh-ngay-cang-gay-gat-801065.vov
http://enternews.vn/thep-viet-loay-hoay-trong-vong-xoay-phong-ve-135926.html
http://thegioitiepthi.vn/p/de-nganh-thep-giam-bi-kien-12415.html
https://baodautu.vn/dinh-kien-phong-ve-nganh-thep-lo-xuat-khau-d87693.html
Bình luận