Hơn 105.000 học sinh lớp 9 ở Hà Nội sắp bước vào kỳ thi chuyển cấp

Đối với lớp 10 không chuyên, theo Quyết định số1696 của UBND về việc phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm 2018-2019, thì kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông sẽ diễn ra vào ngày 07/06/2018. Trong đó, buổi sáng thi môn Ngữ văn, buổi chiều thi môn Toán. Cả hai môn đều thi theo hình thức tự luận.

Trong năm học 2018-2019, này Hà Nội vẫn áp dụng phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông công lập theo công thức: Điểm xét tuyển = điểm Trung học cơ sở (kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở cấp Trung học cơ sở) + điểm thi hai môn Ngữ văn, Toán (hệ số 2) + điểm cộng thêm.

Học sinh lớp 9 ở Hà Nội đang "chạy sô" ôn thi để chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp vào ngày 07/06 tới đây

Theo đó, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường Trung học phổ thông công lập trong cùng khu vực tuyển sinh, không kể nguyện vọng vào lớp chuyên của các trường: Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Huệ, Trung học phổ thông Sơn Tây và Trung học phổ thông Chu Văn An. Ngoài ra, học sinh cũng có thể đăng ký dự tuyển vào các trường Trung học phổ thông ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Đối với các trường Trung học phổ thông công lập, khu vực tuyển sinh được chia theo địa giới hành chính. Theo đó, toàn thành phố được chia làm 12 khu vực tuyển sinh. Các trường Trung học phổ thông ngoài công lập được tuyển sinh học sinh toàn Thành phố, không phân biệt khu vực tuyển sinh.

Cũng theo kế hoạch đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2018-2019 là gần 85.800 học sinh (tăng 19.500 học sinh so với năm học trước); 8.500 học sinh được tuyển vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; số còn lại vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề.

Đáng chú ý, năm học 2017-2018, Hà Nội có khoảng 105.000 học sinh lớp 9 dự xét công nhận tốt nghiệp Trung học cơ sở. Việc tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội nhằm mục tiêu bảo đảm 100% số học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở có nguyện vọng tiếp tục đi học đều được tuyển vào lớp 10 Trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề.

Đối với tuyển sinh lớp 10 chuyên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây, thì có phương thức tuyển sinh gồm 2 vòng. Vòng 1: Tổ chức sơ tuyển đối với những học sinh có đủ điều kiện dự tuyển, có hồ sơ dự tuyển hợp lệ; Vòng 2: Tổ chức thi tuyển đối với những học sinh đã qua sơ tuyển Vòng 1.

Cụ thể, Vòng 1 là sơ tuyển, sẽ căn cứ vào các tiêu chí và được đánh giá bằng điểm số như sau: Kết quả dự thi chọn học sinh giỏi, thi tài năng trong phạm vi tổ chức của tỉnh, Thành phố, toàn quốc, khu vực một số nước, quốc tế; điểm cho mỗi giải được tính, như:: Giải nhất được 5,0 điểm, giải nhì được 4,0 điểm, giải ba được 3,0 điểm, giải khuyến khích được 2,0 điểm; Kết quả xếp loại học lực 4 năm cấp trung học cơ sở mỗi năm xếp loại học lực giỏi được 3,0 điểm, học lực khá được 2,0 điểm; Kết quả tốt nghiệp trung học cơ sở loại giỏi được 3,0 điểm, loại khá được 2,0 điểm. Cũng tại vòng 1 này, Điểm sơ tuyển = Điểm thi học sinh giỏi, tài năng + Điểm xếp loại học lực 4 năm cấp trung học cơ sở + Điểm kết quả tốt nghiệp trung học cơ sở .

Sau đó, sẽ chọn vào Vòng 2 những học sinh đạt điểm sơ tuyển từ 10,0 điểm trở lên. Về cách thi tuyển vòng 2, Quyết định nêu rõ, môn thi gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ (tính hệ số 1) và môn chuyên (tính hệ số 2), trong đó hai môn Ngữ văn, Toán thi cùng với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên. Đề thi được áp dụng hình thức tự luận. Riêng môn Ngoại ngữ (thi vào các lớp chuyên Ngoại ngữ) được áp dụng kết hợp giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm để đánh giá các kỹ năng nghe, đọc, viết; Về nội dung thi, đề thi dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp trung học cơ sở hiện hành, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9.

Cụ thể, lịch thi như sau: Ngày 07/06/2018: Buổi sáng thi môn Ngữ văn; buổi chiều thi môn Toán (cùng với kỳ thi vào lớp 10 THPT không chuyên); Tiếp đó, ngày 08/06/2018, buổi sáng thi môn Ngoại ngữ; buổi chiều thi các môn chuyên Ngữ văn, Toán, Tin học, Sinh học; tiếng Pháp, tiếng Nhật (là môn thi thay thế để vào các lớp chuyên ngoại ngữ khác); ngày 09/06/2018 buổi sáng thi các môn chuyên Vật lí, Lịch sử, Địa lí, Hóa học, tiếng Anh.

Quyết định cũng nêu rõ, mỗi học sinh có thể đăng ký dự tuyển vào các lớp chuyên của hai trong bốn trường: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây. Đặc biệt, học sinh có thể đăng ký nguyện vọng vào cùng một môn chuyên của hai trường nhưng phải xếp theo thứ tự ưu tiên là trường nguyện vọng 1 và trường nguyện vọng 2.

Tại TP. Hồ Chí Minh, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập sẽ diễn ra trong ngày mùng 02 và mùng 03/06 với ba môn thi bắt buộc Toán, Văn và Ngoại ngữ. Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, năm nay Thành phố có gần 90.000 học sinh đăng ký thi vào lớp 10. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu 103 trường THPT công lập là 67.000 nên sau kỳ thi này, hơn 22.000 thí sinh sẽ không trúng tuyển.

Riêng đối với tuyển sinh lớp 10 chương trình đào tạo song bằng tú tài, trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam và trường THPT Chu Văn An sẽ tuyển sinh thêm 2 lớp 10 áp dụng chương trình đào tạo song bằng tú tài học chương trình THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh Quốc (Chứng chỉ A-level). Chương trình song bằng trường THPT Chu Văn An đã thí điểm từ năm học 2017-2018.

Để học chương trình đào tạo song bằng tú tài chương trình THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh Quốc, học sinh phải dự tuyển 3 vòng: Vòng 1: Thi tuyển theo chương trình đào tạo tú tài THPT quốc gia Việt Nam vào ngày 07/06 (buổi sáng thi môn Ngữ văn, buổi chiều thi môn Toán, cùng với kỳ thi vào lớp 10 THPT không chuyên);

Vòng 2: Thi tuyển theo chương trình đào tạo tú tài Anh quốc vào ngày 10/06 (buổi sáng thi môn Toán bằng tiếng Anh và môn Vật lý bằng tiếng Anh; buổi chiều thi môn tiếng Anh và môn Hóa học bằng tiếng Anh); Vòng 3 - Phỏng vấn vào ngày 18/06.

Nếu không thi đỗ lớp 10 học sinh sẽ "đi đâu"?

Trước những áp lực thi, nhất là năm nay số lượng HS lớp 9 tăng thêm 22.000 em, không ít phụ huynh lo lắng, nếu không đỗ vào lớp 10 trường công lập, học sinh sẽ học ở đâu?. Lý giải những băn khoăn này, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông tin trên tờ báo kinhtedothi, Hà Nội đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh công lập đầu cấp, đảm bảo 62% học sinh lớp 9 sẽ được vào lớp 10 trường công lập. Để tăng chỉ tiêu, toàn Thành phố sẽ có thêm 327 lớp, sĩ số mỗi lớp từ 40 học sinh nâng lên 45 học sinh/lớp.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng có phương án đề nghị các trường dạy một buổi, nếu có điều kiện sẽ dạy 2 buổi; trường nào còn phòng học sẽ bổ sung lớp để đảm bảo đủ chỗ học cho lượng hoc sinh tăng đột biến như năm nay.

Cũng theo ông Đại, thi cử thường khó tránh khỏi áp lực, tuy nhiên phụ huynh tránh đặt kỳ vọng quá nhiều làm tăng áp lực cho con. Ngay từ đầu năm lớp 9, phụ huynh nên phối hợp với giáo viên để biết sức học của con, từ đó có định hướng, chọn trường vừa sức, tránh việc trượt vì chọn nguyện vọng quá cao.

Chưa kể, bên cạnh các trường công lập, Hà Nội còn có các loại hình trường dân lập, các trường trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn cũng tuyển sinh. Theo đó, Hà Nội có đủ loại hình trường đáp ứng đủ chỗ học cho mọi đối tượng học sinh./.

Năm học 2018-2019, Hà Nội có khoảng 105.000 học sinh xét tốt nghiệp trung học cơ sở, tăng 22.000 so với năm trước. Trong đó, khoảng 85.800 em dự tuyển vào trường THPT. Tổng chỉ tiêu của 112 trường THPT công lập là 64.990.

Phương án tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội là kết hợp xét tuyển và thi. Điểm xét tuyển là tổng của điểm trung học cơ sở cộng với điểm thi hai môn Toán, Văn nhân hệ số 2, cộng điểm ưu tiên.

Học sinh có nguyện vọng vào lớp 10 chuyên, sẽ thi chung kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập của Thành phố. Sau đó, sẽ sơ tuyển sẽ dự thi tiếp các môn chuyên, trong hai ngày 08-09/06.