Nghiên cứu, triển khai mô hình nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã
Sáng nay (6/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em. Hội nghị được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến tới 675 điểm cầu ở cấp huyện, xã, cấp cơ sở với sự tham gia của khoảng 18.000 đại biểu.
Toàn cảnh Hội nghị
5 tháng đầu năm 2018: Cả nước phát hiện 682 vụ xâm hại 735 trẻ em
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (năm 1990). Việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được quy định trong văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước. Điều 37 Hiến pháp quy định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian qua, công tác bảo vệ trẻ em đã đạt được một số kết quả nhất định. Trong điều kiện còn là một nước nghèo, Nhà nước đã cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi. Gần 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng. Gần 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo. Nhà nước không thu học phí đối với học sinh tiểu học.
Nhiều mô hình tốt, cách làm hay về bảo vệ trẻ em đang được triển khai rất hiệu quả, thiết thực như triển khai Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 hoạt động 24/7 miễn phí.
Tuy nhiên, ngoài những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế.
Thủ tướng cho biết, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn ở mức cao (khoảng 24%). Tỷ lệ trẻ em đi nhà trẻ vẫn còn thấp (khoảng 28%). Tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, gần 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông.
Công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Còn nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 5 tháng đầu năm 2018 cả nước phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ và 562 em bị xâm hại.
Tính trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện giải quyết, trong đó, trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%.
Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,3%; bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%; bởi người quen, hàng xóm là 59,9%; người lạ là 12,6%.
Bày tỏ lo lắng về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, không ít trẻ em vẫn chưa nhận được sự quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ cần thiết; thậm chí bị xâm hại cả về thể xác và tinh thần. Và trên thực tế số vụ bạo hành, xâm hại trẻ em ở Việt Nam không dừng lại ở khoảng 2.000 trường hợp như báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
“Ngoài 2.000 trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ em được phát hiện, được can thiệp, được hỗ trợ, được đưa vào số liệu thống kê còn bao nhiêu trường hợp khác chưa được phát hiện? Còn bao nhiêu hành vi, cách ứng xử với trẻ em mà nhiều người thấy là “bình thường” nhưng thực chất là bạo hành, là xâm hại trẻ em, là ảnh hưởng xấu tới phát triển của trẻ em?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Và điều đau lòng là, không ít trẻ em bị chính những người thân trong gia đình, ở trường lớp, xóm giềng ngược đãi, xâm hại và dù được can thiệp, hỗ trợ, nhiều trường hợp người ngược đãi, xâm hại bị nghiêm trị, nhưng vẫn để lại những di chứng khó lành trong tâm hồn.
Cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội
Nhận thấy tầm quan trọng của công tác bảo vệ trẻ em và thực trạng tình trạng xâm hại trẻ em có nguy cơ gia tăng nếu không được chú trọng chỉ đạo quyết liệt hơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho các em là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững, lâu dài.
“Trẻ em là những thông điệp sống mà chúng ta gửi gắm vào tương lai”, đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương, của mỗi cộng đồng dân cư và mỗi gia đình.
“Bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em là không thể chấp nhận, dung thứ cả về pháp lý, đạo đức xã hội”, Thủ tướng nói.
Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các cấp đổi mới nội dung, hình thức truyền thông, giáo dục, phối hợp 3 môi trường: gia đình - nhà trường - xã hội để phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; thúc đẩy phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” đến từng địa bàn dân cư.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cho việc thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt quyền được bảo vệ, được sống an toàn của trẻ em, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp địa phương, cơ sở phải nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và quan tâm đúng mức hơn về công tác bảo vệ trẻ em.
Thủ tướng cũng bày tỏ băn khoăn về thực trạng hiện nay, nhiều gia đình, “bữa cơm mỗi người cầm một cái máy vào mạng suốt, không ai nói một lời”. Do đó, việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình là hết sức cần thiết.
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị chủ tịch UBND cấp xã bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý khi mà hiện nay toàn quốc mới có 590/11.162 (khoảng 5%) cấp xã bố trí.
Cần nghiên cứu, triển khai mô hình tổ chức, hoạt động của các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do chủ tịch UBND cấp xã đứng đầu với thành phần gồm người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công an xã, đoàn thanh niên xã, hội Phụ nữ xã, nhân viên y tế thôn bản.
Các địa phương chú trọng công tác tập huấn, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, kỹ năng cho cán bộ làm công tác trẻ em; bố trí đủ nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em.
Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền rà soát các quy định bảo đảm phù hợp với Luật về trẻ em, tiếp tục hoàn thiện theo hướng: Việc xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em phải nhanh chóng, thuận lợi, thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em; cụ thể, rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chính quyền.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có chương trình đào tạo, giáo dục kỹ năng tự bảo vệ mình cho các cháu, tùy theo lứa tuổi, giới tính.
Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức trong công tác bảo vệ trẻ em, đừng để tình hình nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng cơ quan chịu trách nhiệm từng công việc cụ thể thì chưa rõ.
Ủy ban quốc gia về trẻ em định kỳ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá tại các bộ, ngành, địa phương về thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em.
Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và gia đình cùng các cấp chính quyền tạo lập cuộc sống an toàn, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần cho trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Đề án vận động nguồn lực xã hội để hỗ trợ chăm sóc trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhân Ngày Vì người nghèo Việt Nam 17/10/ 2018.
“Với quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, chúng ta phải làm mọi cách để trẻ em là những người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng nói./.
Bình luận