ThS. Đặng Thị Mai Chang

Trường Đại học Hải Phòng

Email: Dangmaichang@gmail.com

Tóm tắt

Thanh toán trực tuyến (TTTT) tại Việt Nam ra đời muộn hơn các hình thức thanh toán khác, nhưng đang phát triển với những kết quả rất ấn tượng và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các giao dịch kinh tế bởi tính hiệu quả, nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vượt trội đó, thanh toán trực tuyến còn đứng trước những vấn đề rủi ro mất an toàn thanh toán do nhiều nguyên nhân gây ra. Bài viết trình khái quát về thực trạng thanh toán trực tuyến tại Việt Nam trong những năm gần đây, những chủ trương, chính sách của Chính phủ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), đưa ra một số đánh giá. Bên cạnh đó, phân tích một số nguyên nhân gây ra rủi ro mất an toàn thanh toán và các biện pháp mà các cơ quan chức năng, các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, người tiêu dùng đã, đang và sẽ phải tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Từ khóa: Thanh toán trực tuyến, an toàn, Việt Nam

Summary

Online payment in Vietnam was born later than other forms of payment but is developing with impressive results and playing an increasingly crucial role in economic transactions due to its efficiency and speed. However, besides those outstanding advantages, online payment also faces the problem of payment insecurity risks caused by many reasons. The article presents an overview of the current situation of online payment in Vietnam in recent years, the Government's policies and guidelines on developing non-cash payments, and several assessments. In addition, it analyzes some causes of payment insecurity risks and measures that authorities, online payment service providers, and consumers have, are, and will continue to implement in the coming time.

Keywords: Online payment, security, Vietnam

ĐẶT VẤN ĐỀ

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và internet đã tạo tiền đề cho thanh toán trực tuyến phát triển, dần thay thế những phương thức thanh toán truyền thống. Người tiêu dùng sẽ không còn bị giới hạn về thời gian và địa điểm thanh toán hàng hoá, dịch vụ mà có thể mua các sản phẩm và dịch vụ ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào. Tại Việt Nam, thanh toán trực tuyến ra đời từ năm 2008 với mô hình đầu tiên là ví điện tử và ngày càng khẳng định là thị trường tiềm năng do có mức độ phủ sóng internet cao trong khi chi phí sử dụng internet thấp, đồng thời tỷ lệ người dân sử dụng các thiết bị thông minh tăng nhanh chóng. Các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại đều cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng bằng nhiều hình thức: thẻ thanh toán, ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, thanh toán qua tài khoản điện thoại di động… Hiện tại, Việt Nam có hơn 150 công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), chủ yếu là mảng thanh toán trực tuyến chiếm hơn 40%.

GIỚI THIỆU VỀ THANH TOÁN TRỰC TUYẾN

Thanh toán trực tuyến là quá trình thực hiện các giao dịch tài chính hoặc mua bán hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ thông qua các thiết bị có kết nối internet như: smartphone, máy tính để bàn, laptop. Thay vì phải thực hiện giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt, khách hàng có thể sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến qua ví trực tuyếnhoặc ngân hàng để chuyển tiền hoặc thực hiện thanh toán giao dịch mà không cần tới cửa hàng vật lý. Tại Việt Nam hiện nay có 4 hình thức thanh toán trực tuyến phổ biến bao gồm:

- Thanh toán trực tuyến bằng thẻ ngân hàng: Đây là hình thức thanh toán trực tuyến đầu tiên và đặc trưng nhất trong thị trường thanh toán điện tử. Tỷ lệ thanh toán bằng hình thức này chiếm 90% trong tổng tỷ lệ thanh toán điện tử.

- Thanh toán qua cổng thanh toán: Hình thức thanh toán này phần lớn thường xuất hiện ở các trang thương mại điện tử. Người tiêu dùng chọn hình thức phù hợp và thao tác theo các bước hướng dẫn để hoàn thành giao dịch.

- Thanh toán bằng ví điện tử: Theo thống kê, 85% người tiêu dùng Việt Nam sở hữu ít nhất một ví trực tuyếnhoặc ứng dụng thanh toán, trong đó hơn 42% người tiêu dùng sử dụng thanh toán thông qua thiết bị di động (Viễn Thông, 2020). Hầu hết các ví trực tuyếnđều liên kết với tài khoản ngân hàng, các ứng dụng thương mại trực tuyếnđể mở rộng hệ sinh thái khách hàng và gia tăng trải nghiệm người dùng.

- Thanh toán bằng di động. Ngày 09/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 316/QĐ-TTg về phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông (Mobile) để thanh toán cho hàng hóa dịch vụ. Hình thức Mobile Money hướng tới đối tượng khách hàng là người dân vùng sâu, vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng hoặc hạ tầng internet phát triển. Mobile Money cung cấp dịch vụ thanh toán cho khách hàng thông qua tài khoản liên kết với số điện thoại của người dùng và được quản lý bởi công ty cung cấp dịch vụ viễn thông là Tập đoàn Viettel.

THỰC TRẠNG THANH TOÁN TRỰC TUYẾN TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY

Tại Việt Nam, thanh toán trực tuyến ra đời từ khoảng năm 2008 nhờ sự tham gia tích cực của các ngân hàng trong nước và các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. Tuy thanh toán trực tuyến ra đời muộn hơn so với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác nhưng có ưu thế vượt trội về tính tiện dụng, nhanh chóng và an toàn, giúp hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hoá, giảm thiểu chi phí xã hội, rút ngắn thời gian cho quá trình mua và bán hàng hoá, dịch vụ.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, thì hoạt động thanh toán trực tuyến trong những năm gần đây tăng mạnh cả về số lượng giao dịch và giá trị thanh toán. Về số lượng giao dịch, từ năm 2021 đến năm 2023, tăng từ 2.789,8 món lên 10.140,1 món, tức là tăng xấp xỉ lên 3 lần.

Hình 1: Số lượng giao dịch và tốc độ tăng trưởng giao dịch trực tuyến tại Việt Nam

Thanh toán trực tuyến và vấn đề an toàn trong thanh toán trực tuyến tại Việt Nam hiện nay

Nguồn: Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước

Cùng với sự tăng trưởng về số lượng giao dịch là sự tăng trưởng về giá trị giao dịch trực tuyến từ 53,12 triệu tỷ đồng năm 2021 lên 113,95 triệu tỷ đồng năm 2023. Tuy tốc độ tăng trưởng năm 2023 đã giảm so với năm 2022, nhưng bình quân trong giai đoạn 2021-2023, giá trị giao dịch trực tuyến tăng 46,46%. Trong khi tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch TTKDTM của nền kinh tế giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 15,62%. Số liệu trên cho thấy tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch trực tuyến cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng của các giao dịch TTKDTM. Điều này phản ánh được các giao dịch trực tuyến thông qua kênh internet và điện thoại di động ngày càng chiếm ưu thế so với các hình thức TTKDTM khác.

Hình 2: Giá trị giao dịch trực tuyến và tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch trực tuyến tại Việt Nam

Đơn vị: Triệu tỷ đồng

Thanh toán trực tuyến và vấn đề an toàn trong thanh toán trực tuyến tại Việt Nam hiện nay

Nguồn: Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước

Như vậy, có thể thấy TTTT đã và đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Để đạt được những kết quả tích cực như vậy nhờ những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, đó là sự cải thiện môi trường pháp lý từ Ngân hàng Nhà nước, tạo hành lang thông thoáng cho hoạt động TTKDTM nói chung và TTTT nói riêng như: Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán, Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán; Phê duyệt kế hoạch Chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/05/2021; chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng theo Chỉ thị số 02/CT-NHNN, ngày 13/01/2022 của Thống đốc NHNN... theo hướng tạo thuận lợi cho việc cung ứng và sử dụng dịch vụ thanh toán bằng phương thức điện tử.

Thứ hai, sự nỗ lực từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức cung ứng dịch vụ TTTT trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm cho khách hàng, ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến, như: trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu (data analytics), sinh trắc học, e-KYC; QR Code;… để đảm bảo các hoạt động thanh toán trực tuyến diễn ra liên tục, thông suốt, an toàn.

Thứ ba, sự tăng trưởng nhanh chóng của thiết bị sử dụng Internet và điện thoại thông minh trong giao dịch trực tuyến của người dân. Nếu như năm 2021, cả nước chỉ có 16,65 triệu thuê bao internet băng rộng (ADSL), thì đến năm 2023, đã lên 22,76 triệu thuê bao. Trong khi đó, số lượng thuê bao điện thoại di động vẫn duy trì ở mức cao với 124,11 triệu thuê bao năm 2023, tức là mức phổ cập điện thoại di động đã đạt tỷ lệ trên 1 thuê bao/người. Với việc phổ cập điện thoại di động cao như vậy là điều kiện lý tưởng để phát triển dịch vụ thanh toán trực tuyết tại Việt Nam.

VẤN ĐỀ AN TOÀN TRONG THANH TOÁN TRỰC TUYẾN TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY

Tại Việt Nam, thanh toán trực tuyến tăng trưởng ngày càng cao với rất nhiều tiện ích nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức về các hành vi gian lận, lừa đảo ngày càng phức tạp, tinh vi và khó lường. Rủi ro gian lận trong thanh toán điện tử đã tăng mạnh trong thời gian qua, các hình thức gian lận mới xuất hiện và ngày càng tinh vi hơn, gây ra nhiều phiền toái và thiệt hại cho người dùng. Trong năm 2023, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng (tương đương 3,6% GDP); tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo trên mạng khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022.

Theo thống kê của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác), với 24 thủ đoạn lừa đảo. Một số phương thức, thủ đoạn phạm tội chủ yếu trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt nhằm chiếm đoạt tài sản điển hình, có thể kể đến gồm: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua nền tảng OTT (Zalo, Facebook, Wechat…); kêu gọi tham gia đầu tư tài chính; kêu gọi làm cộng tác viên các sàn thương mại điện tử; lừa đảo trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng (giả mạo SMS Brandname, nhân viên hoặc thư điện tử của ngân hàng…); lừa đảo thông qua dịch vụ viễn thông.

Trước bối cảnh đó, Ngân hàng nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để tìm ra các giải pháp ngăn chặn các hành vi lừa đảo, gian lận như thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tham mưu, đề xuất bổ sung các văn bản; Ngày 24/4/2023, Ngân hàng nhà nước và Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN để triển khai việc làm sạch dữ liệu, thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng. Ngày 18/12/2023, Ngân hàng nhà nước ra Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ban hành về việc triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hành và Quyết định số 718/QĐ-NHNN, ngày 12/4/2024 (sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2345) nhằm nâng cao các giải pháp an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Những nội dung quan trọng tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN (sửa đổi, bổ sung) thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, xác thực bằng yếu tố sinh trắc học đối với khách hàng cá nhân trong một số giao dịch cụ thể: Quyết định số 2345 quy định, khách hàng cá nhân khi thực hiện các giao dịch loại C, D (các giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc giao dịch có giá trị ≤ 10 triệu đồng, nhưng có tổng giá trị giao dịch trong ngày > 20 triệu đồng) phải xác thực bằng sinh trắc học đối khớp với dấu hiệu sinh trắc học đã được các cơ quan, tổ chức thu thập, kiểm tra. Qua theo dõi, nắm bắt thông tin về tình hình mở, sử dụng tài khoản thanh toán (TKTT) cho thấy các hoạt động tài khoản “rác”, TKTT không chính chủ thời gian qua có diễn biến phức tạp, hoạt động thuê, cho thuê, mượn, cho mượn TKTT hoặc mua, bán thông tin TKTT để sử dụng cho các mục đích vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng. Có hiện tượng đối tượng xấu mạo danh, sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác hoặc chỉnh sửa thông tin giấy tờ tùy thân để mở TKTT (thông qua công nghệ chỉnh sửa, ghép ảnh, deep fake…) các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không phát hiện được nên mở tài khoản cho đối tượng này, khi Cơ quan Công an xác minh thì chủ tài khoản trên danh nghĩa không tồn tại. Thông thường đối tượng xấu sẽ sử dụng TKTT mở bằng giấy tờ giả mạo, TKTT thuê, mua được để thực hiện các giao dịch gian lận, lừa đảo, vi phạm pháp luật trên kênh điện tử (Internet Banking/Mobile Banking) cùng với việc sử dụng sim điện thoại di động không chính chủ. Ngoài ra, còn có trường hợp khách hàng vì thiếu cảnh giác, bị các đối tượng lừa đảo giả danh cơ quan chức năng (thanh tra giao thông, tòa án, cơ quan cảnh sát điều tra…) yêu cầu khách hàng nộp tiền vào tài khoản và chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Để giảm thiểu rủi ro đối với vấn đề nêu trên, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ngành Công an và ngành Ngân hàng sau quá trình làm việc, trao đổi đã thống nhất đề xuất phải áp dụng biện pháp xác thực bằng yếu tố sinh trắc học, tức là đối chiếu dữ liệu sinh trắc học của khách hàng khi thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến với dữ liệu sinh trắc học của khách hàng đã được các cơ quan, tổ chức thu thập, kiểm tra. Áp dụng xác thực sinh trắc học vừa là giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng để có thể phát hiện, làm sạch và loại bỏ các tài khoản gian lận, lừa đảo được mở bằng giấy tờ giả, cao hơn nữa là cũng nhằm chống việc mở, mua bán và cho thuê tài khoản. Nếu chẳng may người dân làm mất, làm lộ lọt thông tin cá nhân vào tay tội phạm, đối tượng xấu thì cũng không thể sử dụng tài khoản đó được. Trường hợp nếu tiền lừa đảo được chuyển vào các tài khoản ngân hàng, ví điện tử trong chuỗi đường dây lừa đảo, thì có thể xác minh được chủ sở hữu các tài khoản ngân hàng, ví điện tử này.

Thứ hai, điều chỉnh hạn mức giao dịch: Cùng với việc nâng cấp và đa dạng hóa các giải pháp xác thực khách hàng, Quyết định số 2345 điều chỉnh hạn mức giao dịch loại B áp dụng với khách hàng cá nhân từ 100 triệu đồng/ngày xuống 20 triệu đồng/ngày (không bao gồm các giao dịch đã xác thực bằng sinh trắc học) và thiết lập hạn mức 1 giao dịch ≤ 10 triệu đồng (giao dịch loại B không áp dụng xác thực sinh trắc học); áp dụng xác thực sinh trắc học (có thể kết hợp thêm với các biện pháp xác thực nâng cao khác) cho các giao dịch loại C, D đối với khách hàng cá nhân có giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị các giao dịch trong 1 ngày trên 20 triệu đồng. Trong trường hợp tội phạm lợi dụng kẽ hở để thực hiện nhiều giao dịch dưới ngưỡng 10 triệu đồng/lần, nhưng tổng các giao dịch trong ngày chạm mốc 20 triệu đồng thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng sinh trắc học dù chỉ chuyển vài nghìn đồng; còn không, phải đến ngày hôm sau mới thực hiện được giao dịch. Giới hạn này để phòng chống lừa đảo, tránh kẻ gian lợi dụng, nhằm mục đích bảo vệ chứ không gây khó cho người dùng. Trong bối cảnh tội phạm mạng diễn biến phức tạp như vậy, viêc điều chỉnh hạn mức này là phù hợp bởi chỉ một số lượng khách hàng nhất định có thể bị ảnh hưởng về trải nghiệm dịch vụ nhưng tài khoản của đại đa số khách hàng được bảo vệ ở mức cao nhất.

Thứ ba, bổ sung một số biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro trong thanh toán trực tuyến: Để tăng cường bảo đảm an toàn, bảo mật và giảm thiểu rủi ro cho các thanh toán trực tuyến, đồng thời phòng ngừa tội phạm đối với các giao dịch thanh toán nói chung và các giao dịch có giá trị nhỏ hơn hạn mức áp dụng xác thực bằng sinh trắc học, Quyết định số 2345 bổ sung một số giải pháp, gồm: (i) Khi khách hàng lần đầu thực hiện giao dịch trên ứng dụng ngân hàng di động (Mobile Banking) hoặc thực hiện giao dịch trên thiết bị mới đều phải thực hiện xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học; (ii) Có thông báo về việc khách hàng đăng nhập lần đầu ứng dụng Internet Banking/Mobile Banking hoặc lần đầu đăng nhập ứng dụng Internet Banking/Mobile Banking trên thiết bị khác qua SMS hoặc các kênh khác do khách hàng đăng ký (email, điện thoại…); (iii) Tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán có trách nhiệm lưu trữ thông tin về thiết bị thực hiện các giao dịch trực tuyến của khách hàng và nhật ký (log) xác thực giao dịch tối thiểu trong vòng 3 tháng. Mặc dù yêu cầu này có thể có tác động đối với các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, vì cần có thời gian để thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng hoặc thay đổi hệ thống để gửi thông báo cũng như phải đầu tư hệ thống lưu trữ thông tin; tuy nhiên, ngành ngân hàng cũng đã lường trước các tác động này và đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Tổng hợp công tác chuẩn bị của các tổ chức tín dụng và trung gian thanh toán cho thấy, hiện nhiều đơn vị đang phối hợp với Bộ Công an triển khai giải pháp xác thực khách hàng và làm sạch kho dữ liệu khách hàng, chỉnh sửa phần mềm ứng dụng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật… Tính đến tháng 5/2024, có 48 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp qua ứng dụng điện thoại, 60 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp qua thiết bị tại quầy, 24 tổ chức tín dụng đã gửi dữ liệu cho C06 để làm sạch dữ liệu, 22 tổ chức tín dụng đang phối hợp C06 triển khai ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID). Những con số trên cho thấy các đơn vị đã và đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép cung cấp giải pháp xác thực người dùng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp nhằm triển khai các giải pháp xác thực khách hàng và tuân thủ Quyết định số 2345/QĐ-NHNN.

Bên cạnh đó, NHNN chú trọng an ninh, an toàn trong thanh toán; đôn đốc, khuyến nghị, cảnh báo các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước rà soát các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn trong thanh toán trực tuyến, nghiêm túc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, góp phần hạn chế hiện tượng gian lận, lừa đảo, xóa sổ các tài khoản không chính chủ...

KẾT LUẬN

Những ưu điểm của thanh toán trực tuyến là những lợi thế để thanh toán trực tuyến tồn tại và phát triển trong nền kinh tế số hóa trong tương lai. Bên cạnh đó, sự tham gia phối kết hợp từ các cơ quan quản lý, sự chủ động từ các ngân hàng và đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến cũng như việc nâng cao ý thức cảnh giác từ người dùng sẽ giúp cho hoạt động thanh toán trực tuyến diễn ra thông suốt, thuận lợi và an toàn. Cùng với những chính sách, chủ trương của Nhà nước, thanh toán trực tuyến tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ có sự phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ngân hàng Nhà nước (2023), Quyết định 2345/QĐ-NHNN, ngày 18/12/2023 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.

2. Phan Công Quân (2023), Phát triển thanh toán điện tử dựa trên nền tảng công nghệ ngân hàng số ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, số 14.

3. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định 1318/QĐ-TTg, ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

4. Viễn Thông (2020), Visa: 85% người Việt có ít nhất một ví điện tử hoặc app thanh toán, truy cập từ https://vnexpress.net/visa-85-nguoi-viet-co-it-nhat-mot-vi-dien-tu-hoac-app-thanh-toan-4185278.html.

5. Vũ Thanh Minh (2024), Ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt - xu hướng tất yếu của kỷ nguyên số, truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/1013902/ngan-hang-so-va-thanh-toan-khong-dung-tien-mat---xu-huong-tat-yeu--cua-ky-nguyen-so.aspx

6. http://www.Forbesvietnam.com.vn

7. https://www.tapchitaichinh.vn

Ngày nhận bài: 11/01/2025; Ngày phản biện: 28/01/2025; Ngày duyệt đăng: 10/02/2025