Tóm tắt

Nghiên cứu trên cơ sở dữ liệu tổng điều tra doanh nghiệp giai đoạn 2016-2021 của Tổng cục Thống kê với các trích xuất chỉ tiêu đại diện là: Doanh thu, Tiền lương và Chi phí sử dụng năng lượng để thực hiện ước lượng OLS cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam. Kết quả phân tích đã chỉ ra: Sự phát triển bền vững của DNNVV Việt Nam chịu tác động bởi các nhân tố nội sinh của doanh nghiệp, như: Tài sản; Quy mô doanh nghiệp (siêu nhỏ, nhỏ, vừa); Lao động (số lượng, giới tính, độ tuổi, trình độ của chủ doanh nghiệp); Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Từ đó, nghiên cứu đề xuất một số hàm ý chính sách nhằm phát triển bền vững DNNVV tại Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: phát triển bền vững, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhân tố nội sinh, năng lực cạnh tranh

Summary

Based on some indicators, including revenue, wages and energy use costs that are collected from General Statistics Office's enterprise surveys from 2016 to 2021, this study aims to perform OLS estimates for the sustainable development of small and medium-sized enterprises (SMEs) in Vietnam. The result indicates that their sustainable development is affected by endogenous factors such as: Assets; Enterprise size (micro, small, medium); Labor (quantity, gender, age, qualifications of business owners); Provincial competitiveness. From this finding, the study proposes some policy implications for the sustainable development of SMEs in Vietnam in the coming time.

Keywords: sustainable development, small and medium-sized enterprises, endogenous factors, competitiveness

GIỚI THIỆU

DNNVV là bộ phận quan trọng trong thành phần kinh tế tư nhân, có mặt ở hầu hết các vùng, địa phương, khu vực và chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2023, Việt Nam hiện có khoảng 900.000 doanh nghiệp, trong đó DNNVV chiếm khoảng 97%, sử dụng 51% lao động và đóng góp hơn 40% vào giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, một hiện tượng dễ thấy là khu vực kinh tế DNNVV phát triển thiếu bền vững.

Hiện tại, thách thức đặt ra đối với các DNNVV trên cả 2 phương diện, đó là: (i) Ở tầm vĩ mô, chính sách quốc gia đang còn tồn tại các rào cản thể chế; (ii) Ở tầm vi mô, DNNVV đang bị giới hạn bởi năng lực nội sinh, sức cạnh tranh của hàng hóa - dịch vụ thấp, khó tiếp cận nguồn vốn tài chính, thiếu kinh nghiệm quản trị điều hành. Trong bối cảnh này, vấn đề đặt ra là các DNNVV Việt Nam, với khả năng linh hoạt vốn có, cần phải phát triển bền vững để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại đầu tư, tăng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động và góp phần nâng cao năng lực canh tranh quốc gia. Vì vậy, nghiên cứu nhân tố tác động đến sự phát triển bền vững DNNVV Việt Nam là cần thiết, góp phần đề xuất các giải pháp giúp DNNVV phát triển bền vững trong thời gian tới.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Phát triển bền vững được hiểu là sự phát triển hài hòa về kinh tế, xã hội và môi trường, đáp ứng được yêu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến sự phát triển của tương lai. Lý thuyết bộ 3 cốt lõi bền vững của Rojek Nowosielska (2015) chỉ ra, phát triển bền vững của doanh nghiêp bao gồm: sự phát triển không chỉ về doanh thu/lợi nhuận mà còn là xã hội (con người) và môi trường, nghĩa là đảm bảo đồng thời 3P (profit, people , planet), khi đo lường hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, đánh giá sự thành công của doanh nghiệp không chỉ nằm ở các con số tài chính, mà doanh nghiệp cần gắn kết thành công và tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường. Như vậy, thực hành phát triển bền vững DNNVV theo lý thuyết 3P cần đảm bảo: (i) Hiệu quả về kinh tế được đánh giá thông qua các chỉ tiêu, như: Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, ROA, ROE…; (ii) Hiệu quả về xã hội được đánh giá theo các chỉ tiêu: Tiền lương của người lao động; Nộp ngân sách; đảm bảo quyền lợi cho người lao động…; (iii) Hiệu quả về môi trường được đánh giá thông qua các tiêu chí: Tiêu dùng năng lượng; Khí thải; Nguyên liệu sạch…

Tiếp cận sự phát triển doanh nghiệp bền vững từ khía cạnh nguồn lực lý thuyết nguồn lực RBV (Resource-Based View) của Bain, J.S. (1968), doanh nghiệp sẽ thành công nếu được trang bị các nguồn lực phù hợp nhất và biết phối kết hợp các nguồn lực một cách hiệu quả hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Như vậy, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp sẽ bị tác động ảnh hưởng bởi các nguồn lực bên trong và bên ngoài. Theo đó, nghiên cứu của Parisa Salimzadeh và cộng sự (2013) đã cho thấy, các nhân tố gồm: hiệu suất, nhân viên, chủ sở hữu/quản lý - thuộc yếu tố bên trong và các nhân tố gồm: chính phủ, khách hàng, các bên liên quan - thuộc yếu tố bên ngoài, có tác động đến phát triển bền vững của DNNVV.

Mô hình nghiên cứu

Kế thừa kết quả các nghiên cứu đi trước, tiếp cận phân tích sự phát triển bền vững của DNNVV Việt Nam theo lý thuyết 3P và lý thuyết nguồn lực RBV, tác giả đề xuất mô hình hồi quy theo 3 nhóm sau:

Mô hình 1: Hồi quy lndthu theo các yếu tố

Lndthu = β1 + β2lnlabor + β3lnwage + β4lnass + β5lld_2 + β6lld_3 + β7 gend + β8tuoichudn + β9lcmkt_2 + β10lcmkt_3+ β11lcmkt_4+ β12lcmkt_5 + β13pci + ε (mh1)

Mô hình 2: Hồi quy lnwage theo các yếu tố

Lnwage = β1 + β2lnlabor + β3lndthu + β4lnass + β5lld_2 + β6lld_3 + β7 gend + β8tuoichudn + β9lcmkt_2 + β10lcmkt_3 + β11lcmkt_4 + β12lcmkt_5 + β13pci + ε (mh2)

Mô hình 3: Hồi quy chi phí sử dụng năng lượng theo các yếu tố

Lncpnl = β1 + β2 lnlabor + β3 lndthu + β5lnass + β6 lnwage + β7 lld_2 + β8 lld_3 + β9gend + β10tuoichudn + β11lcmkt_2 + β12lcmkt_3 + β13lcmkt_4 + β14lcmkt_5 + β15pci + ε (mh3)

Các biến của mô hình được xác định như Bảng 1, trong đó các biến: Doanh thu; Tiền lương; Tiêu dùng cho năng lượng; Tổng số lao động; Tài sản và Chi phí cho phần mềm sẽ được logarit trước khi hồi quy mô hình.

Bảng 1: Tập hợp biến phụ thuộc và biến độc lập trong mô hình

TT

Tên biến

Diễn giải

Biến phụ thuộc

1

Lndthu

Logarit của doanh thu cung cấp hàng hóa và dịch vụ

2

Lnwage

Logarit tiền lương của NLĐ

3

Lncpnl

Logarit chi phí sử dụng các loại năng lượng của doanh nghiệp

Biến độc lập

1

Lnlabor

Logarit tổng số lao động

2

Lnass

Logarit tổng tài sản của doanh nghiệp

3

lld_2,3

Biến giả đại diện cho loại hình doanh nghiệp:lld2- doanh nghiệp nhỏ; lld3- doanh nghiệp vừa

4

Gend

Giới tính chủ doanh nghiệp

5

Tuoichudn

Tuổi của chủ doanh nghiệp

6

Icmkt_2,3,4,5

Trình độ chuyên môn: 2- sơ cấp, 3- Trung cấp, 4- Cao đẳng, 5- Đại học trở lên

7

pci

Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Nguồn: Tác giả nghiên cứu đề xuất

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sự dụng dữ liệu tổng điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê (GSO) trong các năm từ năm 2016 đến năm 2021. Mỗi doanh nghiệp trong tính toán có tình trạng hoạt động liên tục được thiết lập một biến đầu ra tổng hợp là giá trị gia tăng (VA) và các biến đầu vào là số lao động bình quân trong năm (L), tổng nguồn vốn trong năm (K) và đều được tính theo giá so sánh năm 2010. Kết quả nghiên cứu sử dụng phương pháp OLS để ước lượng các hệ số hồi quy cho các mô hình với sự hỗ trợ của phần mềm Stata.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Giá trị trung bình của các biến số trong giai đoạn 2016-2021

Doanh thu bình quân của các DNNVV Việt Nam giai đoạn 2016-2021 tăng chậm, từ 13.962 triệu đồng năm 2016 lên 16.291 triệu đồng năm 2021, tăng 16,68%. Giai đoạn 2016-2019, doanh thu bình quân có sự tăng giảm đan xen, nhưng lại trở về đà tăng trong năm 2020 và năm 2021. Có thể thấy, các DNNVV nếu đã duy trì hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định, thì ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài hơn so với các doanh nghiệp lớn, các DNNVV khác. Giai đoạn 2016-2021, tổng tài sản bình quân của DNNVV có sự biến động lớn, cụ thể: tổng tài sản bình quân năm 2021 là 21.065 triệu đồng/doanh nghiệp gấp 6,642 lần so với năm 2016 (Bảng 2). Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp trụ vững khi nền kinh tế có nhiều biến động.

Tiền lương bình quân của lao động trong các DNNVV tăng nhanh trong giai đoạn 2016-2021 (Bảng 2). Năm 2021, tiền lương bình quân của lao động đã tăng gần 2 lần so với năm 2016. Có thể thấy rằng, các doanh nghiệp có doanh thu và tài sản tăng qua các năm thì luôn thực hiện tốt chính sách tạo động lực cho lao động nhất là thực hiện chế độ lương, thưởng cao.

Tổng số lao động bình quân trong DNNVV có xu hướng giảm (Bảng 2), nguyên nhân chủ yếu là do các DNNVV áp dụng các phần mềm, máy móc hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh, thực hiện tinh giản bộ máy quản lý, tinh giản lao động để nâng cao hiệu suất làm việc.

Bảng 2: Giá trị trung bình của một số biến trong giai đoạn 2016-2021

Chỉ tiêu

Đơn vị

2016

2017

2018

2019

2020

2021

Doanh thu bình quân

Triệu đồng

13.962

13.733

15.049

14.816

15.777

16.291

Tổng tài sản bình quân

Triệu đồng/DN

3.176

4.175

4.187

5.387

17.971

21.065

Tiền lương bình quân

Triệu đồng/người/năm

56,5

85,7

90,8

98,7

105,9

108,9

Tổng số lao động bình quân

Người/DN

10,3

9,4

9,2

8,0

6,7

7,3

Nguồn: Tính toán của tác giả từ dữ liệu Tổng điều tra doanh nghiệp

Kết quả ước lượng

Mô hình 1

Lndthu = 0,063 + 0,89lnlabor + 0,112lnwage + 0,656lnass - 0,094lld_2 -0,269lld_3 - 0,161gend + 0,001tuoichudn - 0,126lcmkt_2 - 0,246lcmkt_3 - 0,285 lcmkt_4 - 0,392 lcmkt_5 + 0,014 pci + ε

Bảng 3 cho thấy, các hệ số gắn với các biến đều có ý nghĩa thống kê, mô hình là phù hợp. Các biến độc lập: Lao động; Tài sản; Giới tính; Độ tuổi; Trình độ chuyên môn của chủ DNNVV giải thích được 84,8% sự thay đổi của Doanh thu. Trong đó, lao động là yếu tố có tác động lớn nhất tới doanh thu, yếu tố tác động thứ hai là tài sản, hệ số ước lượng tương ứng của biến Lao động và Tài sản lần lượt là 0,89 và 0,656. Việc tăng lương cho lao động (các đợt tăng lương theo quy định của nhà nước hoặc tăng lương do doanh nghiệp thực hiện đánh giá kết quả công việc) có tác động tích cực tới doanh thu, tiền lương lao động tăng lên thúc đẩy các lao động gia tăng hiệu suất, gia tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Cũng theo mô hình thì: Các doanh nghiệp do nam giới làm chủ cũng có tốc độ tăng trưởng doanh thu thấp hơn các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ (hệ số hồi quy bằng -0,161, mức ý nghĩa 1%); tuổi của chủ doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có tác động thấp tới tăng trưởng doanh thu (hệ số tương ứng bằng 0,001 và 0,014). Một điều đáng lưu ý là: quy mô doanh nghiệp và trình độ của chủ doanh nghiệp càng tăng lên, thì tốc độ tăng trưởng doanh thu lại giảm. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế, vì doanh thu bình quân của doanh nghiệp qua các năm tăng dần theo quy mô, do vậy khi doanh thu lớn, thì để gia tăng 1% doanh thu sẽ khó hơn so với trường hợp doanh thu nhỏ.

Bảng 3: Kết quả ước lượng biến độc lập theo các yếu tố

Mô hình 1: lndthu

Mô hình 2: lnwage

Mô hình 3: lncpnl

VARIABLES

Coefficient/Std

VARIABLES

Coefficient/Std

VARIABLES

Coefficient/Std

Lnlabor

0,890***

lnlabor

-0,004**

lnlabor

0,882***

(0,002)

(0,002)

(0,004)

Lnwage

0,112***

lndthu

0,057***

lndthu

0,064***

(0,001)

(0,001)

(0,002)

Lnass

0,656***

lnass

-0,017***

lnass

0,151***

(0,001)

(0,001)

(0,002)

_Ild_2

-0,094***

_Ild_2

0,026***

lnwage

0,502***

(0,005)

(0,003)

(0,003)

_Ild_3

-0,269***

_Ild_3

-0,170***

_Ild_2

-0,215***

(0,014)

(0,010)

(0,008)

gend

-0,161***

gend

0,012***

_Ild_3

-0,719***

(0,003)

(0,002)

(0,021)

tuoichudn

0,001***

tuoichudn

-0,004***

gend

-0,018***

(0,000)

(0,000)

(0,005)

_Icmkt_2

-0,126***

_Icmkt_2

0,050***

tuoichudn

0,007***

(0,008)

(0,005)

(0,000)

_Icmkt_3

-0,246***

_Icmkt_3

0,111***

_Icmkt_2

0,174***

(0,006)

(0,005)

(0,013)

_Icmkt_4

-0,285***

_Icmkt_4

0,168***

_Icmkt_3

-0,051***

(0,007)

(0,005)

(0,011)

_Icmkt_5

-0,392***

_Icmkt_5

0,276***

_Icmkt_4

-0,138***

(0,005)

(0,004)

(0,011)

pci

0,014***

pci

0,069***

_Icmkt_5

-0,342***

(0,000)

(0,000)

(0,008)

pci

0,110***

(0,001)

Constant

0,063**

Constant

-0,729***

Constant

-8,335***

(0,029)

(0,020)

(0,052)

Observations

948,730

Observations

948,730

Observations

466,326

R-squared

0,848

R-squared

0,139

R-squared

0,355

Standard errors in parentheses

*** p<0,01, ** p<0,05, * p<0,1

Nguồn: Tính toán của tác giả từ dữ liệu tổng điều tra doanh nghiệp

Mô hình 2

Lnwage = - 0,729 - 0,004 lnlabor + 0,057lndthu - 0,017 lnass + 0,026lld_2 - 0,17 lld_3 + 0,012 gend - 0,004tuoichudn + 0,05lcmkt_2 + 0,111 lcmkt_3 + 0,168 lcmkt_4 + 0,276 lcmkt_5 + 0,069 pci + ε

Trình độ của chủ doanh nghiệp và Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là 2 yếu tố tác động lớn nhất đến tiền lương của người lao động. Trong mô hình các hệ số gắn với các biến trình độ chủ doanh nghiệp có dấu dương, nghĩa là chủ doanh nghiệp có trình độ chuyên môn càng cao, thì càng quan tâm đến tạo động lực bằng vật chất và tinh thần cho lao động (Bảng 3). Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (pci) tác động dương tới tiền lương của người lao động, nghĩa là, Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng lên, thì thu nhập của lao động sẽ tăng lên. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế. Khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng, địa phương sẽ dễ dàng thu hút được vốn đầu tư, nhiều DN trong nước, nước ngoài được cấp phép hoạt động, người lao động có cơ hội tìm được việc làm có thu nhập cao hơn.

Mô hình 3

Lncpnl= -8,335 + 0,882lnlabor + 0,064lndthu + 0,151lnass + 0,052lnwwage -0,217lln_2 - 0,719lld_3 - 018gend + 0,007 tuoichudn + 0,174lcmkt_2 - 0,051lcmkt_3 - 0,138 lcmkt_4 - 0,342 lcmkt_5 + 0,11pci + ε

Chi phí sử dụng năng lượng phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố: Lao động; Tài sản (vốn); Doanh thu. Theo thời gian, các DNNVV ngày càng sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn năng lượng. Doanh nghiệp vừa ngày càng sử dụng hợp lý, tiết kiệm các nguồn năng lượng, nên tốc độ gia tăng chi phí sử dụng năng lượng thấp hơn so với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (Bảng 3). Số lao động và tiền lương tỷ lệ thuận với chi phí sử dụng lao động, nghĩa là khi doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, thì các chi phí liên quan cũng sẽ tăng.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Từ các mô hình trên có thể thấy: Lao động và Tài sản là các yếu tố nội sinh có vai trò quan trọng trong việc gia tăng doanh thu cho DNNVV. Khi doanh thu, tài sản tăng, DNNVV có thể gia tăng tiền lương, nâng cao hiệu suất sử dụng các nguồn năng lượng. Từ đó, DNNVV thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng có ảnh hưởng tới Doanh thu; Tiền lương và Chi phí sử dụng năng lượng, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững DNNVV.

Với các phát hiện từ nghiên cứu, tác giả đề xuất một số hàm ý chính sách sau:

Một là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng thực hiện các nội dung:

(1) Chủ doanh nghiệp cần chủ động, tích cực trong việc học tập nâng cao trình độ thông qua các khóa học, các buổi tập huấn hay các hiệp hội của các doanh nghiệp để học hỏi kinh nghiệm; tìm hiểu những cơ chế, chính sách của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các tổ chức kinh tế thế giới mà Việt Nam tham gia.

(2) DNNVV cần có các hoạt động để tiếp nhận, đào tạo và sử dụng lao động trong doanh nghiệp hiệu quả. Đồng thời, DNNVV cần xây dựng và thực hiện các chính sách tạo động lực cho người lao động để người lao động phát huy được tính sáng tạo, có động lực làm việc, tăng năng suất, tăng doanh thu.

(3) Chính phủ hoàn thiện các chính sách hỗ trợ đối với các DNNVV trong việc đào tạo nhân sự. Chính phủ cần hoàn thiện các chính sách hỗ trợ cho chủ các DNNVV, coi đây là một nội dung bắt buộc, muốn đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp và điều hành doanh nghiệp thì phải trải qua các khóa đào tạo này.

Hai là, Nhà nước và hệ thống ngân hàng có cơ chế hỗ trợ DNNVV tiếp cận nguồn vốn, đồng thời với việc DNNVV chủ động có chiến lược gia tăng tài sản (vốn sản xuất) theo hướng:

(1) Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại (NHTM) khi các NHTM cho các DNNVV vay vốn, như: chính sách tái cấp vốn, cấp bù lãi suất. Đồng thời, mở rộng quy mô, cũng nâng cao hiệu quả hoạt động của các Quỹ phát triển DNNVV.

(2) Các NHTM cần xây dựng, triển khai quy trình cấp tín dụng riêng cho DNNVV, cắt giảm thời gian xử lý cấp tín dụng, phát triển các sản phẩm tín dụng đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản đảm bảo; tích cực đầu tư công nghệ, thực hiện số hóa các sản phẩm tín dụng cho DNNVV, triển khai hiệu quả việc tiếp nhận nhu cầu vay vốn trực tuyến giúp gia tăng tốc độ xử lý, rút ngắn quy trình, thủ tục, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của DNNVV.

(3) DNNVV cần chủ động nâng cao năng lực hoạt động - quản trị, xây dựng chiến lược phát triển bền vững, hướng tới minh bạch hóa về tài chính, đầu tư kỹ thuật - công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, nhằm đáp ứng các điều kiện vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

Ba là, Chính phủ và chính quyền địa phương cần chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam nói chung và chỉ số năng lực cạnh tranh của các địa phương nói riêng. Từ đó, thu hút vốn đầu tư tại địa phương, cả nước, gia tăng việc làm và thu nhập cho người lao động, hỗ trợ thúc đẩy DNNVV đổi mới sáng tạo, sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng, tăng doanh thu, lợi nhuận và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Trung ương (2017), Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Bain, J.S. (1968), Industrial Organization,Wiley.

3. Elkington, J. (1994), Towards the sustainable corporation: Win-win-win business strategies for sustainable development, California Management Review, 36(2), 90-100.

4. Elkington, J., and Rowlands, I. H. (1999), Cannibals with forks: The triple bottom line of 21st century business, Alternatives Journal, 25(4), 42-43.

5. Kris Law (2010), Factors Affecting Sustainability Development: High-Tech Manufacturing Firms in Taiwan, Asia Pacific Management Review, 15(4), 619-633.

6. Parisa Salimzadeh, Jerry Courvisanos and Raveendranath Ravi Nayak (2013), Sustainability in Small and Medium Sized Enterprises in Regional Australia: A Framework of Analysis, Conference: 26th Annual SEAANZ Conference, Sydney, Australia.

7. Rojek-Nowosielska, M. (2015), Social responsibility of organizations: Directions and changes, Wrocław, Poland: Publishing House of Wroclaw University of Economics.

8. Tổng cục Thống kê (2016-2021). Báo cáo tổng điều tra doanh nghiệp trong các năm từ năm 2016 đến năm 2021.

9. Tổng cục Thống kê (2023). Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2023.

10. VCCI (2016-2021), Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh các năm từ năm từ năm 2016 đến năm 2021, truy cập từ www.pcivietnam.org.

ThS. Nguyễn Thị Tươi – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên

Ngày nhận bài: 29/02/2024 Ngày phản biện: 15/3/2024 Ngày duyệt đăng: 21/3/2024