Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến đóng góp của dư luận xã hội, các nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh trước khi thực hiện chính thức.

Nhằm phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh

Theo dự thảo, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có điểm mới là phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh (đặc biệt là là ở cấp Trung học phổ thông). Cụ thể là giảm số môn học, không quy định cứng thời gian từng môn, việc dạy Ngoại ngữ có thể bắt đầu từ lớp 1, lớp 10 học sinh được định hướng nghề nghiệp. Khi đến lớp 11 và 12, học sinh sẽ tiếp cận nhiều hơn với thực tế nghề nghiệp trong tương lai nên ngoài một số môn bắt buộc, các em được chọn 5 môn phù hợp cho định hướng nghề nghiệp.

Thực tế, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đều được kế thừa chương trình hiện hành. Tuy nhiên, dự thảo lần này giúp học sinh tiếp cận nhiều hơn với thực tế nghề nghiệp.

Theo dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ có nhiều điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhằm góp phần phát triển năng lực và phẩm chất học sinh…

Cụ thể, Chương trình giáo dục phổ thông nhằm cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực, đáp ứng nhu cầu hoàn thiện nhân cách của các cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.

Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị gia đình, quê hương, cộng đồng và những thói quen, nề nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.

Chương trình giáo dục trung học cơ sở giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành phương pháp học tập, hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng để tiếp tục học lên THPT, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.

Chương trình giáo dục THPT giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực của người lao động, nhân cách công dân, ý thức về quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc; khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời; khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động; khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.

Học ngoại ngữ từ bậc tiểu học

Ở bậc tiểu học, học sinh phải học bắt buộc 8 môn gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ. Các môn học bắt buộc có phân hóa gồm: Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, học sinh còn có hoạt động tự học có hướng dẫn.

Đặc biệt, riêng môn học Ngoại ngữ 1 học sinh sẽ bắt đầu học từ năm lớp 3 nhưng địa phương nào có điều kiện, có thể dạy từ lớp 1 và không quá 70 tiết một năm để tránh quá tải cho học sinh. Môn Giáo dục thể chất sẽ được tổ chức thành các câu lạc bộ thể thao. Học sinh có thể tự chọn môn thể thao yêu thích nào để theo học, thay vì phải học tất cả các môn như trước đây. Chương trình mới cũng quy định, học sinh tiểu học học 2 buổi một ngày nhưng không quá 7 tiết.

Ở bậc trung học cơ sở, số môn học giảm xuống còn 6 môn gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Trong môn học bắt buộc có phân hóa, ngoài Tin học, Nghệ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, học sinh bắt đầu được hướng nghiệp với môn Công nghệ và hướng nghiệp.

Ở trung học phổ thông, lớp 10 được xác định là lớp dự hướng nghề nghiệp. Do đó, nội dung bắt buộc sẽ có thêm môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, chủ yếu giới thiệu kiến thức về kinh tế, pháp luật để học sinh định hướng công việc cho mình.

Ở lớp 11-12, học sinh học bắt buộc 6 môn gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. 3 môn cuối trong số này đều học thực hành nên theo GS Thuyết, sẽ không gây quá tải hay áp lực cho học sinh. Các em được chọn 3 môn và một chuyên đề học tập trong các môn tự chọn bắt buộc gồm: Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Chuyên đề học tập…

Sau khi lấy ý kiến dư luận và có chỉnh sửa phù hợp, bắt đầu từ 2018 chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới sẽ được triển khai trong cả nước, cho học sinh từ lớp 1.

Nên cho phép các trường sắp xếp thời gian học từng môn

Một trong những điểm mới của dự thảo chương trình là không quy định thứ tự tuần học cho từng môn mà chỉ quy định số tiết mỗi môn cần đạt trong năm. Thời gian học sẽ do từng trường sắp xếp.

Chương trình mới không đóng khung trong một bộ sách giáo khoa mà áp dụng chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách". Trong thời lượng của chương trình cũng dành 2 tuần một năm cho nội dung giáo dục của địa phương.

Bên cạnh đó, các môn học của dự thảo chương trình mới gồm môn học bắt buộc, môn bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc./.