Nhiều doanh nghiệp khoáng sản phải chi “phí bôi trơn” để có giấy phép
Đây là thông tin được ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại hội thảo “Minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản: Đo lường khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn”, do Hội Địa chất Kinh tế, VCCI và Liên minh Khoáng sản tổ chức sáng 21/03/2017 tại Hà Nội.
Kết quả kinh doanh chưa khả quan
Theo Liên minh Khoáng sản, các quy định pháp lý của Việt Nam không hề thua kém nếu so sánh với nhiều quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, khoảng cách từ quy định trên giấy và thực tiễn thi hành luôn là vấn đề lớn của hệ thống pháp luật Việt Nam. Mặc dù Luật Khoáng sản đã được ban hành từ năm 2010 với nhiều quy định nhằm tăng cường tính minh bạch, song thực tế triển khai còn chưa được như kỳ vọng của nhà làm luật.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2013, mức độ thực thi nhiều quy định của pháp luật về khoáng sản còn thấp. Ví dụ, quy định về cấp phép hoạt động khoáng sản có mức độ sai phạm khá cao: 1.086 sai phạm trên 957 giấy phép (tức là trung bình mỗi giấy phép có 1,13 sai phạm).
Hoạt động khai thác khoáng sản hiện nay còn nhiều bất cấp |
Cũng trong năm 2013, Viện Quản trị tài Nguyên thiên nhiên (Natural Resource Governance Institute) đã đánh giá Việt Nam chỉ đứng thứ 41/58 quốc gia và xếp hạng “yếu” trong các đánh giá về mức độ minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng. Đặc biệt, Việt Nam còn được đánh giá là “thất bại” trong các khía cạnh liên quan đến ‘báo cáo và thực thi pháp luật’ với 20 chỉ số liên quan về minh bạch, công bố thông tin về báo cáo hiện trạng hoạt động, bên cạnh các khía cạnh khác về thể chế, pháp luật, các biện pháp đảm bảo an toàn xã hội, kiểm soát chất lượng và bảo vệ môi trường.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài Chính, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí, trong giai đoạn 2011-2013 chỉ đạt 0,9%-1,1% tổng thu ngân sách nhà nước. Nhiều địa phương phản ánh rằng số thu thuế tài nguyên thậm chí không đủ cho chi phí quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI cho biết, qua phát phiếu thăm dò, lấy ý kiến từ các doanh nghiệp cho thấy, doanh nghiệp khoáng sản có kết quả kinh doanh thường không tốt, nhưng luôn có dự định mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, doanh nghiệp khoáng sản phải nộp nhiều loại thuế phí phức tạp, trong đó, chi phí không chính thức của doanh nghiệp khai khoáng cao hơn lĩnh vực khác. Cùng với đó, các doanh nghiệp khoáng sản có mối quan hệ thân thiết với Nhà nước hơn các doanh nghiệp khác.
“Chi phí không chính thức của các doanh nghiệp khoáng sản luôn cao hơn từ 2% trở lên so với các doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, ngành khoáng sản cũng bị thanh tra trong lĩnh vực môi trường cao hơn, với tỷ lệ hơn 61% so với các ngành khác. Trong khi đó, 52,94% doanh nghiệp khai khoáng tư nhân có mối quan hệ với Nhà nước, cao hơn mức 35,42% của các doanh nghiệp khác ”, ông Đức đưa ra dẫn chứng.
Bên cạnh đó, ông Đức cho rằng, hoạt động đấu giá trong khai thác khoáng sản hiện nay còn rất hạn chế. Hoạt động đấu giá chủ yếu ở cấp địa phương, còn cấp Trung ương thì không tổ chức đấu giá được mặc dù đã có kế hoạch.
“Mỏ chưa thăm dò thì không biết đấu giá kiểu gì. Mình chẳng biết tính giá khởi điểm thế nào mà doanh nghiệp họ cũng sợ rủi ro, không dám bỏ giá. Với lại chi phí dịch vụ đấu giá quá cao. Họ tính theo phần trăm giá trị mỏ, mà mỏ khoáng sản thì giá trị lớn. Hơn nữa, các mỏ đưa ra đấu giá thì giá trị kinh tế không cao”, ông Đức dẫn lời doanh nghiệp khi được hỏi, việc tổ chức đấu giá hiện nay có gì vướng mắc không.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Chỉnh - Hội Khoa học Công nghệ Mỏ Việt Nam cho biết, tính đến tháng 06/2016, ở cấp địa phương có 7/52 tỉnh/thành có kế hoạch triển khai đấu giá, với gần 70 điểm và mỏ với tổng giá trị khoảng 39 tỷ đồng, song số liệu các mỏ đấu giá thành công chưa thấy cập nhật. Trong khi đó, ở cấp Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường duyệt kế hoạch đấu giá nhưng chưa triển khai được.
“Hồ sơ đấu giá không đủ (quy định có ít nhất 03 tổ chức tham gia). Doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính theo quy định (Vốn chủ sở hữu ≥ 50 tỷ đồng). doanh nghiệp cần có chuyên môn về thăm dò, khai thác khoáng sản và phải cam kết chế biến sâu”, ông Chỉnh phân tích.
Bên cạnh đó, theo ông Chỉnh, mức thu phí tham gia đấu giá tại Thông tư Liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC, ngày 09/09/2014 từ 2-12 triệu đồng/hồ sơ và tiền đặt cọc trước từ 1%-15% giá khởi điểm (<5 tỷ đồng là 15%; 5-10 tỷ đồng là 10%; lớn hơn 10 tỷ đồng là 8%) là khá lớn. Nhiều doanh nghiệp gặp khó về tài chính (ít nhất 20%-30%) không thể tham dự.
Từ thực trạng nêu trên, ông Đậu Anh Tuấn Trưởng ban Pháp chế VCCI đặt câu hỏi: “Giảm tham nhũng minh bạch trong khai thác khoáng sản cũng cần sáng tỏ như ánh sáng mặt trời. Vậy, tại sao Việt Nam lại đang rụt rè từ những báo cáo đến chính sách, trong khi các nước trên thế giới lại có thể thực hiện?. Hay việc này do lỗ hổng, do thiếu sót?.”
Trong khi đó, nhìn nhận tức góc độ cơ quan nghiên cứu địa chất, ông Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam cho rằng, qua nghiên cứu ông nhận thấy thu ngân sách hiện nay không đúng với thực tế so với mức độ các doanh nghiệp khai thác, làm thiệt hại nguồn tài nguyên.
“Đối chứng với thực tế doanh nghiệp khai thác hiện nay, thì chúng ta đang ăn đầu ngọn mà không nghĩ đến vấn đề thiệt hại, thất thu về lâu dài. Đặc biệt là chưa chú trọng mối quan hệ hàm lượng công nghiệp tối thiểu. Thực tế này đỏi hỏi Việt Nam cần phải có sự đồng bộ giữa pháp luật khoáng sản và các pháp luật có liên quan,” ông Thụ nói.
Công khai, minh bạch trong quản lý tài nguyên, khoáng sản
Hầu hết các chuyên gia tại Hội thảo đều cho rằng, để đẩy mạnh hoạt động khai thác khoáng sản, vấn đề công khai minh bạch cần được triển khai một cách mạnh mẽ và quyết liệt.
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI cho rằng, công tác quy hoạch khoáng sản cần được công khai cả bản sửa đổi bản sửa đổi bổ sung quy hoạch, phụ lục và bản đồ. Các nội dung công khai cần được thông tin trên website của các cơ quan nhà nước và có hiệu lực thực hiện sau khi công bố 15 ngày.
“Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp quy hoạch khi được phê duyệt thì có hiệu lực ngay từ ngày ký, tuy nhiên lại chậm được công bố. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp biết trước nhưng thông tin mỏ khoáng sản có trong quy hoạch, nên có những bước đi trước các doanh nghiệp khác. Do vậy, quy hoạch khoáng sản chỉ có hiệu sau khi công bố 15 ngày, để các doanh nghiệp cùng có được thông tin”, ông Đức nói.
Bên cạnh đó, theo ông Đức, trong thời gian tới, cần phải giảm bớt các trường hợp không đấu giá. Bởi hiện nay, theo quy định tại nhiều văn bản, trường hợp không đấu giá còn rất nhiều. Đồng thời, công khai quyết định đưa mỏ nào vào khu vực không đấu giá, để các doanh nghiệp có được những thông tin cần thiết cho hoạt động đấu giá.
Liên quan đến vấn đề công khai minh bạch trong hoạt động khai thác khoáng sản, một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đó là cần hoàn thiện chính sách tài chính thu - chi minh bạch, bền vững trọng hoạt động khoáng sản.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Chỉnh, trong thời gian tới, chính sách tài chính (thuế, phí) cần thực hiện theo hướng ưu tiên khai thác tận thu tối đa tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường. Theo đó, chính sách thuế tài nguyên càn hoàn thiên theo hướng: Xem xét không thu chi phí cấp quyền khai thác mỏ mà gộp vào thuế tài nguyên với mức thuế suất phù hợp theo cơ chế thị trường và giá trị tô mỏ; Đấu thầu khai thác “mua mỏ” là đấu giá nộp thuế tài nguyên theo giá trị tô mỏ “chênh lệch tô mỏ của khoáng sản cá biệt” đảm bảo lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và cư dân với giá sàn là mức thuế tài nguyên của Nhà nước và mức nộp trước khi cấp phép; Căn cứ tính thuế theo sản lượng khai thác hay tính theo trữ lượng có thể khai thác đã phê duyệt trong dự án đầu tư; theo dõi, giám sát việc thực hiện...
Trong khi đó, theo PGS, TS Trịnh Thị Kim Ngọc, Viện Nghiên cứu Phát triển Con người, Hội đồng nghiên cứu các vấn đề xã hội của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, cần trao nhiều quyền hơn cho các tổ chức dân sự trong việc giám sát việc công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Bên cạnh đó, bà Ngọc cũng cho rằng, hầu hết các khu vực khai thác khoáng sản hiện nay đều ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, nay lại phải chịu những ảnh hưởng từ hoạt động khai thác, như: vấn đề ô nhiễm môi trường, môi trường sống, tệ nạn xã hội... Chính vì vậy, theo bà Ngọc, cần giải quyết các vấn đề hậu khai thác khoáng sản, nếu không ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội sẽ lớn hơn lợi ích về kinh tế./.
Bình luận